Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Kinh doanh du lịch kêu chuyện thị thực
Hồng Phúc - 17/12/2017 20:41
 
Chính sách thị thực thiếu sức cạnh tranh, thị thực điện tử chưa đến được đúng đối tượng mục tiêu sử dụng là những rào cản chính, khiến ngành du lịch Việt Nam giảm sức hấp dẫn.
TIN LIÊN QUAN

Chính sách thị thực kém hấp dẫn?

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn  du lịch quốc gia cho biết, Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân 23 quốc gia, thí điểm cấp thị thực điện tử cho công dân 46 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng phần lớn khách du lịch chỉ được miễn thị thực trong 15 ngày, ít hơn thời gian trung bình khách quốc tế lưu trú tại Việt Nam. Chính sách này khiến ngành du lịch của Việt Nam kém cạnh tranh và hấp dẫn so với các nước láng giềng, khi họ có 30 ngày, thậm chí 90 ngày miễn thị thực cho khách quốc tế.

.
.

Cũng theo ông Chính, việc công bố danh sách các nước được miễn thị thực theo từng năm một và trước thời điểm áp dụng 1-3 tháng hiện gây khó khăn cho việc lập kế hoạch thu hút khách của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành.

Phản hồi các ý kiến trên, ông Lê Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho rằng, số lượng quốc gia được miễn thị thực đến Việt Nam dựa trên mối quan hệ “có đi có lại”. “Singapore miễn thị thực cho du khách 153 nước, nhưng ngược lại, công dân họ cũng được miễn thị thực tại 173 quốc gia. Trong khi, chúng ta miễn thị thực cho 23 nước với 10 nước song phương, còn lại 13 nước là đơn phương. Công dân ta sang nước họ không được miễn thị thực, mà còn bị siết chặt hơn”, ông Kiên nói.

Bà Đoàn Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) cho biết thêm, công dân 13 nước được miễn thị thực chiếm khoảng 90% đối tượng tiềm năng của thị trường du lịch Việt Nam. Thị thực chỉ là một trong 9 yếu tố hấp dẫn khách du lịch, không phải điều kiện tiên quyết. Bà Lan lấy ví dụ Nhật Bản, quốc gia đứng thứ 112/136 nước khó khăn trong cấp thị thực, nhưng lại đứng thứ 4/136 nước trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia.

Dù vậy, các doanh nghiệp du lịch và lữ hành chưa đồng tình với giải thích trên. Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh cho rằng, việc phát triển du lịch cần có sự linh hoạt và đã có nhiều tiền lệ trên toàn thế giới. Nếu muốn đón 20 triệu lượt khách du lịch đến năm 2020, Việt Nam phải có nhiều chính sách cạnh tranh.

Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút từ 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD... Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

“Khi chúng ta còn khó khăn về hạ tầng, về phát triển sản phẩm và cần nhiều năm để cải thiện thì miễn thị thực một số thị trường quan trọng với những khách lưu trú dài ngày, khả năng chi trả cao sẽ là một giải pháp quan trọng”, ông Kiên chia sẻ.

Bên cạnh đó, còn có sự bất đồng quan điểm giữa các doanh nghiệp trong ngành và Cục Quản lý xuất nhập cảnh về việc cấp thị thực điện tử. Trong khi đại diện các doanh nghiệp phản ánh sự than phiền từ khách hàng trong việc khó truy cập trang evisa.xuatnhapcanh.gov.vn, thì đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh lại cho rằng, từ ngày 1/2/2017 đến nay, dù vẫn trong giai đoạn thí điểm, nhưng đã có gần 1 triệu lượt người nước ngoài truy cập vào trang web và trên 96.000 trường hợp được cấp thị thực điện tử.

Các doanh nhân còn phàn nàn về Quy chế Cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC (ABTC) quá chậm. Ông Ngô Minh Đức, hoạt động trong lĩnh vực du lịch và hàng không từ năm 1993, làm tổng đại lý chính thức Turkish Airlines và đại diện American Airlines tại Việt Nam, lấy ví dụ từ bản thân khi thẻ ABTC của mình hết hạn vào ngày 28/7/2017, ông đã cho nhân viên thực hiện các thủ tục cấp mới theo đúng trình tự từ ngày 15/7, nhưng đến ngày 3/12, thẻ vẫn chưa xong. Ông Đức thẳng thắn cho rằng, quy định rất thông thoáng, nhưng người vận hành rất chậm chạp do chồng chéo nhiều quy trình.

Tập trung vào những thị trường quan trọng

Ngoài hai vấn đề trên, ông Hoàng Nhân Chính còn đưa ra 2 bài toán cho ngành du lịch.

Thứ nhất, ngân sách dành cho quảng bá du lịch còn quá ít, chỉ khoảng 2 triệu USD, trong khi các nước ASEAN, con số này từ 50 - 100 triệu USD. Thêm vào đó, số tiền đã ít lại còn bị dàn trải, chưa gắn với thị trường trọng tâm. Ông Chính kiến nghị, việc tập trung vào chính sách quảng bá xúc tiến du lịch có thể thông qua e-marketing, hay Chính phủ cần hình thành Quỹ Phát triển du lịch với nguồn lực không chỉ từ Chính phủ, mà của cả doanh nghiệp với sự vận hành và quản lý Quỹ bằng một doanh nghiệp xã hội.

“Việc tập trung quảng bá xúc tiến du lịch này chỉ nên tập trung 7 thị trường và khu vực chiếm 85% thị phần khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2016 gồm: châu Âu (Đức, Anh, Pháp), Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan), Trung Quốc (đại lục và Hồng Kông), Đông Nam Á (Malaysia, Thái Lan, Singapore), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), Australia và Nga”, ông Chính đề xuất.

Thứ hai, môi trường điểm đến du lịch chưa được quản lý đúng mức và chuyên nghiệp, làm giảm đáng kể lượt du khách muốn quay lại Việt Nam. Cùng với đó, thái độ ứng xử của cơ quan công quyền địa phương với doanh nghiệp còn tùy tiện, lạm dụng thực thi chính sách pháp luật gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư