Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Kinh nghiệm marketing và xây dựng thương hiệu với start-up
Hồng Phúc - 28/09/2017 09:13
 
Truyền thông về khởi nghiệp thường gắn liền với việc xây dựng thương hiệu và marketing sản phẩm. Xin gửi tới độc giả kinh nghiệm của một số doanh nghiệp liên quan tới vấn đề này.

"Phải thực hiểu marketing sản phẩm là gì"

Ông Đinh Viết Hùng, sáng lập DesignBold

Trước khi tìm hiểu xem marketing và sản phẩm cái nào quan trọng hơn, phải thực sự hiểu marketing sản phẩm là gì.

Trước hết, trong marketing sản phẩm, kiến thức về sản phẩm quan trọng hơn  marketing. Làm marketing sản phẩm mà không nắm rõ sản phẩm thì sẽ không thể hiệu quả. Marketing sản phẩm là quá trình tạo sự phụ thuộc. Khái niệm này ít thấy ở marketing truyền thống.

Cuộc thi khởi nghiệp do BSSC mới tổ chức tại TP.HCM.
Cuộc thi khởi nghiệp do BSSC mới tổ chức tại TP.HCM.

Marketing truyền thống là quá trình đáp ứng nhu cầu sẵn có. Marketing sản phẩm là quá trình tạo ra nhu cầu. Thực ra, đây là yêu cầu của bất kỳ vị trí nào trong một nhóm khởi nghiệp "có sản phẩm", nhưng nó được thể hiện rất rõ trong vai trò marketing.

Ví dụ, để bán được chỗ ngồi và khóa học khởi nghiệp, Toong/UP/Topica tạo ra cả hàng ngàn sự kiện start-up. Thế là tự dưng nhiều người đang có việc làm ổn định tưởng làm startup dễ, rồi nghỉ việc xin ra khởi nghiệp. Thực ra, nhu cầu thuê chỗ ngồi không nhiều, nhưng UP và Toong đã biến hóa nhiều kiểu để tạo ra nhu cầu đó.

Marketing sản phấm khó ở chỗ là phải bán được cho cả những người không thích sản phẩm.

"Khi sản phẩm chưa ổn đừng vội làm thương hiệu"

Ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch sáng lập, Giám đốc điều hành Học viện Richard Moore Associates

Sản phẩm có trước, thương hiệu có sau. Không có chuyện ngược lại. Sản phẩm tồi làm thương hiệu rầm rộ nhiều khi tệ hơn là không làm gì. Tiền đã ít, đừng ném tiền qua cửa sổ.

Nhưng khi sản phẩm thực sự tốt, mới khởi nghiệp cần làm thương hiệu. Sản phẩm tốt mà không biết làm thương hiệu khác gì áo gấm đi đêm. Đối với sản phẩm tốt, truyền miệng từ những người đã dùng rất quan trọng. Nhưng đối thủ cũng có sản phẩm tốt chẳng kém thì làm sao? Lúc đó chiến thắng thuộc về người biết làm thương hiệu một cách bài bản, biết vận dụng những quy luật những nguyên tắc có sức mạnh tạo sự thay đổi. Nhiều khi để rút ra ra được một quy luật, rất nhiều doanh nghiệp đã phải trả giá rất đắt trước đó.

Không có mốc thời gian làm chuẩn để một chiến lược thương hiệu chứng minh lợi ích mang lại cho doanh nghiệp thành công hay không phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: Chiến lược thương hiệu có chuẩn hay không? Chuẩn rồi thực thi trong quảng cáo và nội dung có hiệu quả không? Cuối cùng là đội ngũ bán hàng thực thi hiệu ứng thương hiệu và truyền thông mang lại thế nào, nhất là chất lượng dịch vụ. Nhanh là 6 tháng thấy rõ thành công. Chậm thậm chí mất vài năm.

"Hiểu cách làm trước khi bắt tay vào làm"

Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT, Retail & Franchise Asia, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu

Người khởi nghiệp cần biết bản thân có kiến thức về thương hiệu hay không.

Tôi từng tiếp xúc rất nhiều người không có kiến thức về thương hiệu vẫn tự mình làm thương hiệu cho công ty, cho sản phẩm.

Thứ nhất, tính không chuyên nghiệp.

Thứ hai, sửa rất mệt, mất thời gian, công sức. Giải pháp đưa ra tìm một đối tác chuyên về việc đó. Không gian làm việc chung là một nơi để mỗi start-up có thể tương tác và xây dựng thương hiệu. Nguy hiểm nhất vẫn là chưa hiểu về thương hiệu đã tự làm hoặc được nghe tư vấn về xây dựng thương hiệu nhưng chỉ làm theo một nửa theo kiểu làm theo 30% của đối tác cộng với 70% kinh nghiệm của mình mà không biết rằng, đôi khi kinh nghiệm ấy không phù hợp.

Xây dựng thương hiệu cho start-up thông qua thương hiệu cá nhân người sáng lập cũng là một cách. Tuy nhiên, điều đó còn tùy thuộc vào sản phẩm của công ty có tương quan với khả năng người lãnh đạo đó hay không. Thực tế, không phải bạn nào làm công nghệ cũng có khả năng diễn giải tốt. Trong trường hợp diễn thuyết trước đám đông, không phải ai cũng làm tốt. Vì vậy, với những công ty khởi nghiệp non trẻ mà làm cách này sẽ tiềm ẩn rủi ro để rồi phải sửa nhiều.

"Xây dựng thương hiệu và sản phẩm không đối chọi nhau"

Ông Đỗ Sơn Dương, đồng sáng lập kiêm CEO Toong

Bản thân thương hiệu là làm cho khách hàng, cộng đồng nghĩ như thế nào về doanh nghiệp, sản phẩm của bạn hoặc đơn giản là về chính bản thân bạn bằng việc thể hiện ra bên ngoài một cách nhất quán điều đang mong muốn. Nếu chú tâm quá nhiều vào sản phẩm mà không để ý gì đến những thông điệp truyền ra bên ngoài thì cũng không hiệu quả. Không  gian mà chúng tôi làm từ 2 năm trước là một ví dụ, vì khi ấy, mọi người không biết đến không gian làm việc chung, chỉ nghĩ là quán cà phê, có chỗ ngồi làm việc. Do vậy, lúc nghĩ ra sản phẩm đã phải làm thương hiệu rồi. Chúng tôi bắt đầu cho mọi người hiểu giá trị sản phẩm chuẩn bị ra mắt.

Ý thức và đạo đức kinh doanh của mỗi người sẽ quyết định yếu tố nói quá so với giá trị sản phẩm hay không. Họ cũng sẽ là người trả giá cho việc làm ấy bởi khách hàng là người thụ hưởng, trải nghiệm sản phẩm. Nếu nó tệ quá so với những gì đã hứa thì bạn sẽ mất thương hiệu và việc kinh doanh khó đạt được mục tiêu.

Nhiều start-up có nhu cầu  quảng cáo, truyền thông nhưng không biết phải làm như thế nào cho đúng và hiệu quả. Nếu được tư vấn, tôi sẽ chỉ cho họ rất nhiều cách đơn giản, xuất phát từ chính sản phẩm - miễn nó mới và có giá trị.

Start-up cần làm gì để "chào hàng" hiệu quả với nhà đầu tư?
Phạm Lê Nguyên, sáng lập 5 Desire, một thành viên của “30 Under 30” do Forbes bình chọn năm 2015, đang có tầm ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư