Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Kinh tế 2019 và nỗi trăn trở về nâng cao tính tự chủ, sức cạnh tranh
Nguyên Đức - 09/11/2018 07:39
 
Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2019. Tuy nhiên, trong khi các chỉ tiêu định lượng về phát triển kinh tế - xã hội được cho là sẽ “không làm khó” Chính phủ, thì các vấn đề về cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế… lại là nỗi trăn trở.

Hài hòa mục tiêu tăng trưởng và lạm phát

Theo Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2019 mà Quốc hội vừa quyết nghị, thì năm 2019, mục tiêu tăng trưởng GDP được đặt ra ở mức 6,6 - 6,8%, lạm phát khoảng 4%. 

Sản xuất tại Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong. Ảnh: Đức Thanh
Sản xuất tại Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong. Ảnh: Đức Thanh

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đây là những con số hợp lý.

Theo ông Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội thông qua ở mức 6,6 - 6,8%, bởi đây là con số đã được tính toán trên cơ sở GDP ước thực hiện của năm 2018 đạt và vượt mức 6,7%. 

Trong khi đó, liên quan mục tiêu kiểm soát lạm phát, ông Thanh cho biết, con số “khoảng 4%” là phù hợp, bảo đảm thận trọng trong kiểm soát lạm phát, nhưng cũng không thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức, góp phần thực hiện đồng thời mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng.

Với đại đa số đại biểu bấm nút thông qua, có thể hiểu, hai trong số các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên đã được đồng tình, ủng hộ. Thực tế, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đó là những con số thận trọng, hợp lý.

“Năm 2018, chúng ta đã có thể đạt mức tăng trưởng 6,8%, thậm chí cao hơn, thì năm 2019 hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này. Sẽ không quá khó để kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng dưới 7%, quan trọng là làm sao để chúng ta có thể tăng trưởng cao hơn nữa”, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh nói.

Các dự báo của các định chế tài chính quốc tế như WB, ADB cũng đều có cái nhìn tích cực về kinh tế Việt Nam 2019, với mức tăng trưởng dự báo khoảng 6,8%. Trong khi đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2019, với mức tăng trưởng thậm chí lên tới 6,9 - 7,1%, tương ứng với mức lạm phát 4% và 4,5%.

Tuy nhiên, trong khi mục tiêu tăng trưởng được cho là “không làm khó” Chính phủ trong điều hành, thì lạm phát lại là một thách thức lớn. Theo chuyên gia Cao Viết Sinh, sức ép lạm phát của năm 2019 là khá lớn, khi giá dầu thô đang trong xu hướng tăng, tỷ giá, lãi suất và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế cũng gia tăng, do ảnh hưởng của xung đột thương mại của một số nước. Trong khi đó, lộ trình tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường đối với giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, tăng lương tiếp tục được thực hiện.

“Tôi cũng phân vân chỉ tiêu lạm phát này, bởi vì hiện nay, nhiều mặt hàng nói là thực hiện theo cơ chế thị trường, nhưng chưa đủ mạnh, chúng ta vẫn dùng mệnh lệnh hành chính để điều chỉnh giá. Nếu năm 2019, chúng ta thực hiện đầy đủ cơ chế thị trường, thì sẽ ảnh hưởng tới giá cả thị trường, tới mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%”, ông Lê Đình Ân nói.

Nỗi trăn trở cải cách 

Ngoài các mục tiêu mang tính định lượng, Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2019 cũng đã nhấn mạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Có nghĩa rằng, các vấn đề liên quan đến cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế… sẽ tiếp tục được tập trung thực hiện. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề khiến dư luận xã hội trăn trở nhiều nhất. Thậm chí, Thủ tướng cũng rất trăn trở.

Thông tin về Doing Business 2019 công bố mới đây, dù tổng điểm của Việt Nam đã tăng 66,77 điểm lên 68,36 điểm, song so về thứ hạng, Việt Nam lại bị giảm một bậc, đứng vị trí 69 trong tổng số 190 nền kinh tế. Trước đó, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam cũng tụt 3 bậc so với năm ngoái, đứng thứ 77 trong 140 nền kinh tế.

Năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh tụt hạng hẳn nhiên là một tin không vui. Thế nên, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đặt câu hỏi: “Liệu có bao nhiêu đồng chí đã nghiên cứu kỹ 12 nhóm trụ cột, 98 tiêu chí trong đánh giá năng lực cạnh tranh của WEF hay 10 nhóm chỉ tiêu trong đánh giá môi trường kinh doanh của WB?”.

Trăn trở về môi trường kinh doanh, về năng lực cạnh tranh của Việt Nam, Chính phủ mấy năm gần đây đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng kết quả năm nay lại là tụt hạng.

Theo lý giải của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc Việt Nam tụt hạng là do WEF bắt đầu có cách thức đánh giá khác. Họ nhấn mạnh đến đổi mới sáng tạo, trong khi đó, yếu tố đổi mới sáng tạo ở Việt Nam được đánh giá rất thấp. Trong bối cảnh như vậy, Nghị quyết của Quốc hội lại nhấn mạnh đến câu chuyện “tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Do vậy, không chỉ các đại biểu Quốc hội, mà nhiều chuyên gia kinh tế cũng trăn trở. 

“Môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều vấn đề. Không phải chỉ cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, các giấy phép con là đủ. Vẫn còn những rào cản đối với sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.

WEF 2019: Định hình kiến trúc toàn cầu trong kỷ nguyên 4.0
Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới, có trụ sở tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ), đã thông báo về Hội nghị thường niên 2019 Diễn đàn Kinh tế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư