Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Kinh tế tư nhân và giấc mơ thịnh vượng cho người Việt (phần 2)
Bảo Duy - 15/05/2017 07:12
 
Trong bức tranh kinh tế tư nhân Việt Nam, những nét vẽ đậm nhất thuộc về 4,7 triệu hộ kinh doanh. Tiếp theo là các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, siêu nhỏ. Doanh nghiệp vừa và lớn còn thưa thớt…
TIN LIÊN QUAN

Bài 2: Nỗi niềm đoàn thuyền thúng

Cuộc chơi lớn bất thành

Nếu xuất hiện muộn hơn, hoặc vào thời điểm này, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA) - mối lương duyên của 4 “ông lớn” gồm Satra, Hapro, Saigon Co.op và Phú Thái Group - hẳn sẽ không phải ngậm ngùi. Một tháng trước, tin VDA sẽ chấm dứt hoạt động đã được phát đi.

Hội nghị lần thứ năm, Khóa XII của Đảng vừa kết thúc hôm 10/5, đã truyền thông điệp rất quan trọng mà mô hình như VDA sẽ có nhiều đất dụng võ. Đó là “thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hoá, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.

Sau 10 năm khó khăn, các ông chủ của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA) có thể viết tiếp giấc mơ thương hiệu Việt Trong ảnh: Lễ ký kết thành lập VDA ngày 1/2/2007
Sau 10 năm khó khăn, các ông chủ của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA) có thể viết tiếp giấc mơ thương hiệu Việt Trong ảnh: Lễ ký kết thành lập VDA ngày 1/2/2007

“Có thể chúng tôi sẽ tính tới phương án tái khởi động cho VDA sau khi các giải pháp cụ thể được đưa ra”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái suy tính.

Nhưng đó là có thể, còn hiện tại, VDA đang phải nói lời chia tay sau 10 năm cố bấu víu vào giấc mơ thương hiệu Việt trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, đối trọng với các đối thủ ngoại.

Thành lập năm 2007, những ông chủ của VDA dự tính sẽ kịp dựng lên mạng lưới, ghi tên vào các đô thị lớn trước khi Việt Nam chính thức mở cửa thị trường phân phối bán lẻ theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2009. Hơn thế, VDA muốn trở thành người đi đầu trong thực hiện chính sách xây dựng các nhà phân phối, bán lẻ lớn mà Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) đã khởi thảo vài năm trước đó.

“Đến các địa phương làm việc, chúng tôi được trống dong cờ mở đón tiếp, ai cũng nói là ủng hộ. Nhưng kết quả, VDA không thể tiếp cận được các địa điểm kinh doanh như mong muốn. Chi phí quá cao, thủ tục phức tạp”, ông Đoàn nhớ lại… 

Lúc này, các ông chủ của VDA đều thấy cơ hội quá hẹp khi thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam giăng kín các thương hiệu ngoại sau các thương vụ mua bán đình đám.

Chiến lược phát triển các nhà phân phối, bán lẻ lớn vẫn chưa bàn xong.

Loay hoay với hộ

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần nghiên cứu thị trường Marketintello nói đúng: “Muốn biết sức mạnh của kinh tế hộ như thế nào, cứ ra mặt đường”. Vì tới 80% trong số 4,75 triệu hộ kinh doanh ở Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Tỷ lệ này đang có xu hướng tăng lên, ngược chiều với hộ kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng.

“Từ phố lớn đến ngõ hẻm, từ đô thị đến tận cùng ngõ xóm, họ hiện diện khắp nơi, đủ mọi lĩnh vực, nhiều quy mô và từ rất lâu”, ông Minh phác họa.

Thuật ngữ hộ kinh doanh mới được sử dụng từ Luật Doanh nghiệp 2005. Trước đó, họ là hộ cá thể, tổ chức tiểu sản xuất hàng hóa… Dù được gọi tên nào, hộ kinh doanh đã có mặt trước giai đoạn đổi mới, rất vất vả tồn tại qua công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa để tiếp tục có tên trong khu vực kinh tế tư nhân - một động lực quan trọng của nền kinh tế vào lúc này.

Đáng nói, năm 2015, khoảng 31,33% GDP của Việt Nam đến từ khu vực hộ kinh doanh, con số vô cùng ấn tượng so với tỷ trọng 7,8% của doanh nghiệp tư nhân; cao hơn tỷ trọng trong GDP của doanh nghiệp nhà nước…

Chỉ có điều, 10 năm trước, khi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tiến hành cuộc điều tra về đối tượng này, bức tranh kinh tế hộ được phác thảo với những điểm nhấn là lượng nhiều, quy mô nhỏ, tính chuyên nghiệp thấp và quan trọng là chỉ muốn yên ổn với chiếc áo kinh tế hộ.

Tháng 4/2017, một kết quả tương tự cũng được CIEM công bố, dù chính sách khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp tăng thêm, nhiều địa phương hỗ trợ lệ phí đăng ký thành lập, thuế môn bài, kinh phí thực hiện phầm mềm kế toán, biển hiệu…

Thậm chí, đang có những nhìn ngắm vào nhóm hộ kinh doanh, vì mục tiêu có được khoảng 1 triệu doanh nghiệp  vào năm 2020 không dễ dàng, khi đề xuất chính sách khuyến khích, nhưng 88,35% hộ kinh doanh cho biết không có nhu cầu lên... doanh nghiệp.

Sao không lớn?

Câu hỏi này rất cũ.

Với hộ kinh doanh, khi xây dựng Luật Doanh nghiệp 1999, yêu cầu “chính thức hóa” đã được nhắc tới, sau đó là một số cơ chế thúc đẩy. Luật Doanh nghiệp 2005 còn buộc chuyển đổi với hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên. Nhưng, đến giờ không thấy có tổng kết về việc này.

Còn với doanh nghiệp, sau nhiều năm, doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ vẫn chiếm tới 97%. Mục tiêu mở rộng nhóm doanh nghiệp vừa và lớn gần như dậm chân tại chỗ.

“Giờ phải đặt câu hỏi, họ không muốn lớn, không đủ sức lớn hay không dám lớn?”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phản biện.

Câu trả lời của ông Cung là “không dám lớn”.

“Giả sử người kinh doanh có khát vọng mạnh mẽ, muốn phát triển, họ phải có sáng kiến, thử nghiệm, có thể sẽ đi những nơi chưa có đường. Nhưng môi trường kinh doanh, quy định của chúng ta có thúc đẩy, nâng niu hướng đi này chưa? Tôi nghĩ là chưa”, ông Cung không ngần ngại chia sẻ quan điểm.

Nghiên cứu khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam suốt từ những năm 90 của thế kỷ trước đến giờ, ông Cung cho rằng, người Việt Nam thực sự có “máu kinh doanh”. Những năm đầu sau đổi mới, khó khăn rất nhiều, nhưng nhiều người kiếm sống từ mua chỗ nọ, bán chỗ kia. Nhiều doanh nghiệp đã xuất hiện từ những khe hở rất hẹp của thị trường lúc đó, rồi bừng lên mỗi khi quyền kinh doanh được tháo bỏ dần.

“Thời ăn chênh lệch đã qua, doanh nghiệp muốn phát triển phải có sản phẩm mới, dịch vụ mới. Nhưng điều kiện kinh doanh quá nhiều, quá chặt khiến mọi hành động kinh doanh bị rập khuôn. Sáng tạo có khi lại gây họa vì nằm ngoài quy định hiện hành”, ông Cung phân tích. Chưa kể sáng tạo phải có nguồn lực để thực thi, có cơ chế bảo vệ khi có rủi ro.

Thời ăn chênh lệch đã qua, doanh nghiệp muốn phát triển phải có sản phẩm mới, dịch vụ mới. Nhưng điều kiện kinh doanh quá nhiều, quá chặt khiến mọi hành động kinh doanh bị rập khuôn.

Chuyện của Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) có lẽ là ví dụ điển hình để gắn vào lời bàn này.

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, người giới thiệu khá nhiều đối tác cho Cỏ May kể, doanh nghiệp này tham gia lĩnh vực chế biến và kinh doanh gạo từ năm 1986, nhưng gần đây được biết đến là doanh nghiệp mang đến giá trị mới cho hạt gạo.

Người sáng lập ra thương hiệu Cỏ May, ông Phạm Văn Bên được kể đến như người nặng duyên với hạt gạo, cứ tận tâm làm, đổ tiền ra đầu tiên để kiếm sống, sau rồi kiếm chỗ đứng cho hạt gạo Việt, nhưng lận đận cả đời.

Khi Cỏ May đã tìm được cơ hội xuất khẩu gạo sang thị trường Singapore, mọi người đều mừng cho cơ hội mới của hạt gạo Việt. Công ty lập chi nhánh tại Singapore để xúc tiến kế hoạch lớn. Việc thuyết phục các nhà nhập khẩu gạo khó tính của Singapore chưa bao giờ là dễ, nhưng với giống gạo ngon và giá cạnh tranh, khó khăn tưởng như lớn nhất đã qua.

“Đến khâu chốt hợp đồng, Cỏ May nói sẽ ủy thác một đơn vị khác xuất khẩu. Đối tác Singapore nghi ngại vì không biết Cỏ May sẽ chịu trách nhiệm thế nào. Không ai giải thích được với họ rằng, chỉ vì Cỏ May không đủ điều kiện về số kho chứa, số nhà máy xay xát… theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, nên không được cấp quyền này”, ông Dũng kể.

Nhiều hợp đồng đã không được chốt. Ngay cả ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Cỏ May cũng không vui vẻ gì với các hợp đồng phải ủy thác xuất khẩu vì sau một thời gian, Cỏ May bị đá ra ngoài rìa…

Động cơ tới hạn

Sự tan rã của VDA hay nỗi ấm ức của Cỏ May, theo ông Cung, là hậu quả từ những sai lệch của tư duy quản lý nhà nước với cơ chế kinh tế thị trường.

Nhà nước ra Nghị định 109/2010/NĐ-CP để giảm bớt đầu mối xuất khẩu, tránh hiện tượng tranh mua, tranh bán, nhưng lại tạo thế độc quyền cho một số doanh nghiệp, cụ thể là doanh nghiệp trong Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Trong VFA, Vinafood I và Vinafood II là những doanh nghiệp đứng đầu. Lãnh đạo của họ thường là chủ tịch VFA…

Sẽ chẳng còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân, dù họ có xoay sở thế nào, có sáng tạo bao nhiêu. Thậm chí, ông Cung còn nhắc tới hệ lụy là sự xuất hiện của những doanh nghiệp tư nhân thân hữu.

“Nhiều khi tình thế buộc các doanh nghiệp phải tìm đến các mối quan hệ, trở thành doanh nghiệp thân hữu để đạt được tham vọng là đầu tư lớn, dài hạn…”, ông Cung nhận định.

Đương nhiên, nền kinh tế sẽ chịu thiệt thòi khi ra biển lớn bằng hàng triệu chiếc thuyền thúng thiếu chuyên nghiệp...

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư