Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kinh tế Việt Nam chạm đáy từ năm 2012 và đang phục hồi
An Khánh - 21/04/2015 08:10
 
Các chuyên gia kinh tế tham dự Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân tiếp tục bàn về nội dung Kinh tế Việt Nam đã đến đáy chưa và các giải pháp vượt đáy.

PGS.TS Nguyễn Chí Hải, Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học quốc gia TP.HCM) khẳng định, kinh tế Việt Nam đã chạm đáy tăng trưởng vào năm 2012 và đã có dấu hiệu hồi phục từ cuối năm 2013 đến nay.

“Dự báo năm 2015, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và chỉ có thể lấy được đà tăng trưởng khả quan từ năm 2016 trở đi, nếu nền kinh tế có những cải cách sâu rộng hơn và môi trường kinh tế thế giới ổn định”, ông Hải chia sẻ nhận định.

 

Cơ sở để đưa ra nhận định này, theo ông Hải, đó là cơ sở khoa học về chu kỳ kinh tế và dựa trên phân tích tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2014. Trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt tỷ lệ thấp nhất là năm 2012: 5,25% (2011: 6,24%), năm 2013 tăng nhẹ ở mức 5,42% và  năm 2014  đạt 5,98%.

Như vậy năm 2012 nền kinh tế đã “chạm đáy” của đà suy giảm và kéo dài cho đến cuối 2013, sau đó có dấu hiệu hồi phục khá rõ năm 2014.

Cùng quan điểm với ông Hải, TS Trần Du Lịch phân tích cả chu kỳ tăng trưởng 2005-2014 và cho rằng, giai đoạn suy giảm dần bắt đầu tư từ 2006 (tăng 8,2%) và chạm đáy vào năm 2012 (5,25%) do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu và sự bất ổn vĩ mô của nền kinh tế trong nước; động lực về thể chế của nền kinh giảm tác dụng, trong điều kiện hội nhập với kinh tế khu vực và toàn cầu.

Trong khi đó, TS Lê Việt Đức tin rằng, nền kinh tế đã đi tới đáy vào năm 2013 và đang dần lập lại được trạng thái cân bằng, ổn định với năng suất chất lượng và tốc độ tăng trưởng tăng dần lên từ năm 2014.

TS. Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát quốc gia lại nhận định, nền kinh tế Việt Nam năm 2014 đã thoát đáy và có sự phục hồi nhất định trên nhiều lĩnh vực. “Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý: số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn ở mức cao, tiến trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế còn chậm, nợ công ở mức khá cao và cơ cấu chưa hợp lý…”, ông Tuấn nói.

Cũng phải nói thêm, trong phân tích của PGS.TS Nguyễn Chí Hải cho thấy, mức độ chạm đáy của doanh nghiệp tư nhân không trùng pha với đà tăng trưởng. “Đáy của doanh nghiệp là năm 2013, khi số doanh nghiệp dừng hoạt động và giải thể lên đến 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm 2012. Đáng chú ý nữa là, vốn đăng ký mới của các doanh nghiệp năm 2013, ở mức thấp nhất trong 3 năm 2011-2013”, ông Hải nói.

Đối chiếu những chỉ tiêu trên với bức tranh tổng thể kinh tế vĩ mô, ông Hải cho rằng, nền kinh tế đã đi tới đáy suy giảm tăng trưởng vào năm 2013 và đang dần dần lập được trạng thái cân bằng ổn định với năng suất, chất lượng và tốc độ tăng trưởng tăng dần lên kể từ năm 2014.

Đặc biệt, các chuyên gia đều thống nhất quan điểm, sự đi lên này chậm chạp và còn tiềm ẩn rủi ro, thậm chí không loại trừ có nguy cơ mở rộng đáy suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế, cho dù tốc độ phục hồi của nền kinh tế đã khá rõ rệt trong những tháng gần đây.

“Dù lạc quan hay thận trọng, thì giải pháp cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là phải đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhân tố quyết định để thực hiện mục tiêu này là phải có nỗ lực chung của cả các doanh nghiệp và Chính phủ”, ông Hải khuyến nghị.

IMF: Kinh tế toàn cầu phục hồi còn yếu và chưa ổn định
Các nhà hoạch định chính sách nên bổ sung thêm các biện pháp cần thiết để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh sự phục hồi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư