Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kinh tế xanh là xu thế tất yếu của phát triển bền vững
Anh Quân (Bnews/TTXVN) - 19/02/2017 12:11
 
Tình trạng Trái Đất nóng lên và biến đổi khí hậu diễn ra trong thời gian qua là mối hiểm họa đe dọa đời sống con người.
Biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng nề đối với ngành nông nghiệp. Ảnh: The Spectacles
Biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng nề đối với ngành nông nghiệp. Ảnh: The Spectacles

Sự gia tăng nhanh chóng trong việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu, đã làm tăng nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất.

Hiện thời, theo nhận định của các chuyên gia, chiến lược “kinh tế xanh” đã trở thành bước ngoặt cho tiến trình khôi phục và phát triển kinh tế toàn cầu và cũng là động lực mới cho việc thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng bền vững. Theo nhận định của Liên hợp quốc (LHQ), chính sách nền kinh tế sạch còn là con đường phát triển cần thiết của kinh tế toàn cầu trong tương lai.

Tiền đề cho phát triển

Nền “kinh tế xanh” là nền kinh tế mà chính sách phát triển dựa vào các tiêu chí: định hướng là thị trường, nền tảng là các nền kinh tế truyền thống, mục tiêu là sự hòa hợp của kinh tế và môi trường. Động lực mới của nền “kinh tế xanh” là bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ sản xuất sạch và năng lượng sạch, nhanh chóng đạt được mức tăng trưởng kinh tế bền vững.

Bài học phát triển kinh tế xanh của các quốc gia cho thấy hiện có một số cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh, như cách tiếp theo từng khu vực của nền kinh tế hay cách tiếp cận liên ngành xuyên suốt các lĩnh vực. Chẳng hạn như sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Dù vậy, bằng bất kỳ cách tiếp cận nào, nội dung của tăng trưởng xanh chủ yếu bao gồm các vấn đề sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh, phát triển các ngành công nghiệp cao, sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch; xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên; cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế; xây dựng và thực hiện các chỉ số sinh thái.

Ngoài ra, thực tiễn tại các nước cũng cho thấy rằng việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ chưa từng thấy đối với tất cả các quốc gia.

Tăng trưởng xanh là giải pháp để thế giới vượt qua các thách thức nghiêm trọng của suy thoái kinh tế, bùng nổ dân số, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, đa dạng sinh học suy giảm, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh các quốc gia đang ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, mô hình tăng trưởng xanh, bền vững là mô hình được các quốc gia mong đợi.

Sự thành công cần có sự can thiệp chủ động của chính phủ để xây dựng khung thể chế và pháp lý bền vững cho tăng trưởng xanh, giới thiệu những chính sách, kế hoạch điều tiết thống nhất, thúc đẩy sự thay đổi trong thực tế. Ngoài ra, sự can thiệp của chính phủ có thể tối đa hóa sức mạnh và ảnh hưởng của thị trường đối với tăng trưởng xanh, có một hệ thống khuyến khích phù hợp với sự tham gia của khu vực tư nhân.

Muốn chiến lược tăng trưởng xanh thành công, giải pháp toàn diện sẽ giúp chia sẻ tầm nhìn và làm rõ những mục tiêu trung đến dài hạn về tăng trưởng xanh, có thể tư vấn và hợp tác, thuyết phục các bên và thúc đẩy sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành đối với các địa phương liên quan. Còn sự chủ động tham gia của cộng đồng sẽ tạo một nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh. Vì vậy, các nước cần có những chính sách thể hiện rõ các hành động có sự tham gia của cộng đồng, gia tăng ý thức cộng đồng với tăng trưởng xanh, nhằm thay đổi hành vi của cộng đồng.

Xu thế tất yếu

Mỹ là một trong những nước đi đầu thế giới về thực hiện chính sách “kinh tế xanh”, tiếp tục thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Trong thời gian qua, chính quyền Mỹ đã thực hiện các chính sách mới nhằm chấn hưng nền kinh tế như phát triển năng lượng, phát triển kinh tế xanh, thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm bớt ô nhiễm môi trường và thực hiện chính sách tái tạo năng lượng.

Trong chiến lược tiết kiệm năng lượng, Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25% lượng phát điện, nhu cầu điện trung bình sẽ giảm 15% và đến năm 2030. Nhằm đạt được các mục tiêu này, Chính phủ Mỹ đã thành lập Cơ quan Triển khai Năng lượng Sạch (CEDA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ có chức năng như một “ngân hàng xanh”, để huy động và giải ngân vốn đầu tư cho các chương trình năng lượng sạch.

Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cũng đã triển khai đạo luật chống biến đổi khí hậu với mục tiêu giảm khí thải nhà kính khoảng 17% vào năm 2020 so với năm 2005 và áp dụng hạn ngạch khí thải và cho phép các doanh nghiệp xả khí thải thấp hơn hạn ngạch có thể bán phần hạn mức khí thải không dùng hết cho các công ty khác. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt tiêu chuẩn mới về khí thải như yêu cầu các công ty sản xuất ô tô chuyển sang các mẫu xe kết hợp sử dụng cả điện và xăng dầu, cùng với việc cải tiến các động cơ để tiết kiệm nhiên liệu.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) có đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo từ 8,5% hiện nay lên 20% và giảm mạnh lượng khí thải. Để đạt mục tiêu này, các nước EU áp dụng chế độ cấp hạn ngạch khí thải cho các ngành công nghiệp. Theo đó, đến 2020 tất cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đều phải mua giấy phép hạn ngạch khí thải trừ một số ngành như luyện kim, xi măng, hóa chất.

Tại châu Á, Hàn Quốc là nước phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước, đồng thời cũng phải đối mặt với vấn đề thiếu nước sạch trong thời gian dài, nhất là trong điều kiện tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy vậy, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, Hàn Quốc đã kết hợp giải quyết khó khăn về kinh tế với gói kích thích quan trọng cho tăng trưởng xanh và thu được nhiều thành tựu.

Tháng 9/2008, Chiến lược Thực hiện tăng trưởng xanh được Hội đồng quốc vụ thông qua. Để cụ thể hóa, Hàn Quốc đã tiến hành một loạt các hành động mang tính chiến lược. Bao gồm, gói kích cầu “Hiệp định tăng trưởng xanh mới”, “Kế hoạch Nghiên cứu và phát triển toàn diện về công nghệ xanh”. Luật khung về tăng trưởng xanh cũng được chính phủ công bố thi hành vào tháng 1/2010.

Đến năm 2011, Chính phủ Hàn Quốc đã tập trung vào nâng cao những hệ thống này thông qua việc ban hành luật nhằm hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính và phát triển quản lý năng lượng nhằm chuyển giao cơ cấu kinh tế xã hội theo hướng khí thải có carbon thấp. Như vậy, hệ thống chính sách về tăng trưởng xanh của Hàn Quốc được xây dựng từ chiến lược vĩ mô đến các chính sách theo từng ngành, từng giai đoạn 5 năm với các nội dung nhất quán, cụ thể và khả thi. Với chính sách tăng trưởng xanh này, Hàn Quốc dự kiến sẽ trở thành một trong “bảy cường quốc kinh tế xanh” vào năm 2020 và một trong năm cường quốc kinh tế xanh của thế giới vào năm 2050.

Những thành quả thiết thực về kinh tế thu được bước đầu đã cho thấy chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc mang tính khả thi, mang lại hy vọng về một động lực tăng trưởng mới cho quốc gia này cũng như hợp tác quốc tế về tăng trưởng xanh.

Tăng trưởng xanh là mục tiêu xuyên suốt
Quan niệm “phát triển bền vững chỉ mang tính chất khuyến khích các doanh nghiệp tham gia” đã không còn đúng. Thay vào đó, nó dần trở thành một...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư