Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kỳ đài cho thương hiệu Việt
Bảo Duy - 02/09/2013 08:12
 
Một thời đầy hào khí và khát vọng vươn lên, ông Phạm Tấn Công, nguyên Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã nhớ về những ngày đầu tiên của Sao Vàng đất Việt như vậy. Ông Công cũng kỳ vọng, Sao Vàng đất Việt phải trở thành Kỳ đài cho Thương hiệu Việt.

Từ Sao Đỏ đến Sao Vàng đất Việt

“Ý tưởng hình thành một giải thưởng dành cho thương hiệu, sản phẩm đến với tôi ngay trong lễ trao Giải thưởng Sao Đỏ đầu tiên, vào năm 1999.

Ông Phạm Tấn Công, nguyên Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam

Tối hôm đó, có người vặn vẹo tôi, tại sao lại để thương hiệu bia Heineken tài trợ cho giải thưởng dành cho doanh nhân Việt Nam, không nhẽ không có sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam nào đủ sức làm việc này”, ông Công trầm ngâm nhớ về một thời mà chỉ cần nhắc tới Sao Đỏ, mọi người sẽ ngay lập tức nhớ tới tên tuổi của Vũ Văn Tiền, Đinh La Thăng, Trần Lệ Nguyên, Nguyễn Tuấn Hải, Cao Thị Ngọc Dung…, nhắc tới tư thế Rồng bay mà Giải thưởng đã tạo dựng bằng cả hình ảnh và tinh thần.

Lúc đó, những năm cuối cùng của thế kỷ trước, cho dù đã có những thay đổi đáng kể sau sự ra đời của Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty vào những năm 1990-1991, nhưng sự kỳ thị của xã hội với giới doanh nhân vẫn rất mạnh. Đó là chưa kể tới văn hoá của người Việt vốn không quen tôn vinh cá nhân.

Chính vì vậy, Giải thưởng Sao Đỏ đã tạo nên một sự ngỡ ngàng và phấn khích cho không chỉ cộng đồng doanh nghiệp trẻ. Mọi người bắt đầu có những thay đổi về cách nhìn, quan điểm với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trẻ khi biết rằng, chỉ trong 3 ngày, Sao Đỏ Vũ Văn Tiền đã nộp 1 tỷ đồng cho ngân sách.

“Sự hân hoan lan rộng. Mọi người hỏi tôi tại sao không vinh danh nhiều hơn. Sẽ rất khó nếu lựa chọn những tài năng cá nhân, nhưng với những thương hiệu, sản phẩm thì hoàn toàn có thể. Và ý tưởng về một giải thưởng cho thương hiệu, sản phẩm Việt Nam bắt đầu nhen nhóm với kỳ vọng lớn hơn rất nhiều, đó là xây dựng thương hiệu Việt Nam hướng tới hội nhập, cạnh tranh toàn cầu, khi những thông tin về khả năng gia nhập WTO của Việt Nam đang đến gần”, ông Công kể lại về những ý tưởng đầu tiên.

Trước khi chính thức đề xuất và được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ giao Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chủ trì tổ chức Cuộc vận động Hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nhân trẻ, trong đó Giải thưởng Sao Vàng là một trọng tâm, ông Công kể, cũng có việc thăm dò ý kiến về một giải thưởng dành cho thương hiệu:

“Khoảng 50% hào hứng với kế hoạch này, khi họ nhìn thấy cơ hội bứt phá từ mục tiêu đạt tới các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, chất lượng sản phẩm, thậm chí cả quản trị doanh nghiệp… Nhưng cũng bằng đó số người mơ hồ về cái gọi là thương hiệu. Chính sự mô hồ này thôi thúc chúng tôi phải xây dựng được một giải thưởng tôn vinh thương hiệu, sản phẩm Việt và hơn thế là xây dựng hình ảnh, văn hoá cho đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam”.

Nghe ông Công, người vẫn được các thế hệ doanh nhân trẻ nhắc tới như một trong những người tạo nên hồn cốt của Giải thưởng Sao Vàng đất Việt mới thấy hết sự hừng hực khát vọng vươn lên của thế hệ doanh nhân trẻ đầu tiên.

“Cái tên Sao Vàng đất Việt cũng ra đời trong sự trăn trở, khát vọng đó. Khi lựa chọn tên cho Giải thưởng, Sao Vàng được lựa chọn đầu tiên. Nếu Sao Đỏ có ý nghĩa “vừa hồng, vừa chuyên” dành cho các doanh nhân, thì Sao Vàng biểu hiện cho tinh thần dân tộc, cho khát vọng sánh vai với cộng đồng doanh nhân thế giới của doanh nhân trẻ. Nhưng khi làm thủ tục, thì bị trùng. Đêm đó cứ nghĩ mãi, rồi bật ra hai từ đất Việt. Gọi điện xin ý kiến của anh Hoàng Bình Quân, khi đó là Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam. Và Giải thưởng Sao Vàng đất Việt chính thức ra đời”, ông Công nhớ lại.

Những chuyện giờ mới kể

Hoá ra, logo rất ấn tượng của Sao Vàng đất Việt là do anh Quang, một Việt kiều Mỹ thiết kế và tặng cho Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, khi Giải thưởng Sao Vàng đất Việt chính thức bắt đầu. Là người làm việc cho các công ty của nước ngoài, song anh Quang lại có thời gian dài gắn bó với hoạt động của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

“Chính vì vậy, hào khí dân tộc và khát vọng vươn ra thế giới của doanh nhân trẻ đã được chuyển tải vào logo một cách trọn vẹn. Ngay khi đó, chúng tôi đã xác định, logo phải được thiết kế để gắn lên những sản phẩm đoạt giải một cách ấn tượng, đầy tin tưởng. Vì Sao Vàng đất Việt là một sự bảo đảm về chất lượng, khả năng hội nhập không chỉ cho thương hiệu, sản phẩm mà cả doanh nghiệp đó”, ông Công phấn chấn.

Ngay cả ngày trao giải, cách trao giải cũng được những người lãnh đạo nhiệm kỳ đầu tiên của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cân nhắc kỹ lưỡng và tâm huyết.

Nghe ông Công kể lại, có cảm giác hào khí dân tộc đang tiếp tục được chuyển tiếp, lan toả mạnh mẽ. “Thời điểm công bố, tôn vinh những thương hiệu Sao Vàng đất Việt cũng được lựa chọn vào đúng ngày Quốc khánh. Lễ tôn vinh cũng rất khác với các hoạt động khi đó, đó là doanh nghiệp được tôn vinh phải là trọng tâm của sân khấu. Chúng tôi muốn thổi bùng ngọn lửa dân tộc trong những doanh nghiệp trẻ được tôn vinh và để thôi thúc, tạo ra sự ganh đua, phải vươn lên cho những doanh nghiệp chưa đoạt được Giải thưởng”, ông Công kể về ngày trao giải Sao Vàng đất Việt.

Cách nhận giải của nhiều doanh nghiệp cũng không kém phần đặc biệt. Có những doanh nghiệp tổ chức đón bằng đoàn xe múa lân, có doanh nghiệp hân hoan tổ chức đoàn rước Cúp Sao Vàng đất Việt từ Hà Nội về tới nhà… Vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, năm 2010 tại Hà Nội, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã tạo nên một kỷ lục về đoàn xe hoa dài nhất diễu hành quanh TP. Hà Nội để chào mừng các thương hiệu Sao Vàng đất Việt.

Cuộc đua tiếp sức giữa các thế hệ doanh nhân trẻ đã tạo nên hiệu ứng tinh thần lớn và sức lan toả mạnh mẽ, cuốn hút của Giải thưởng Sao Vàng đất Việt. Dự định xây dựng một kỳ đài Sao Vàng đất Việt tôn vinh những thương hiệu, sản phẩm hàng đầu của Việt Nam đã nhen nhóm vào chính thời gian cao trào của Sao Vàng đất Việt.

Khi đó, ý tưởng là xây dựng một kỳ đài, mà trên cùng là lá cờ đỏ sao vàng, xung quanh là cờ của các doanh nghiệp có thương hiệu, sản phẩm được tôn vinh. Đã có đề nghị Công ty Cửa số nhựa châu Âu (Eurowindow) dành một phần đất của Melinh Plaza hiện tại để làm Công viên Doanh nhân trẻ, cũng là nơi để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khát vọng thành công trong thế hệ trẻ trong xã hội… Nhưng, rất tiếc, ý tưởng vẫn dừng lại ở đó.

Kỳ đài cho thương hiệu Việt

Cho đến nay, sau 10 năm, logo Sao Vàng đất Việt đã được ghi dấu trên 1.489 lượt thương hiệu, sản phẩm trong hơn 5.214 lượt thương hiệu, sản phẩm tham gia.

Nhiều thương hiệu thời kỳ đầu như FPT, Thaco, Cà phê Trung Nguyên, Hoà Phát, Geleximco… đã trở thành doanh nghiệp đầu ngành, đại diện tiêu biểu của nền kinh tế Việt Nam và đã vươn ra thế giới. Những thương hiệu thế hệ tiếp sau như Tôn Hoa Sen, Eurowindow, Phú Thái, Đồng Tâm, May Việt Tiến… nối tiếp thành công. Đang có nhiều thương hiệu mới bắt đầu toả sáng.

Sự sáng tạo, trí tuệ, công phu và tâm huyết của các doanh nhân trẻ thế hệ đầu là điều dễ cảm nhận khi có dịp trao đổi, làm việc với các anh. Nhiều người cho rằng, khoảng 10 năm trước, cạnh tranh chưa nhiều, chưa căng thẳng như bây giờ, nên các anh có được sự nhiệt tình dành cho phong trào. Nhưng, có lẽ mấu chốt tạo nên sự thành công của Giải thưởng Sao Vàng đất Việt với những điều khác biệt phải kể tới là khát khao khẳng định vị trí của các doanh nhân trẻ khi đó.

Cũng phải nhắc lại, để có được Đại hội đại biểu toàn quốc Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam lần thứ nhất vào tháng 11/2002, các doanh nhân trẻ phải chờ đợi đến đến 9 năm, kể từ năm 1993 khi Câu lạc bộ Doanh nghiệp trẻ Hà Nội và TP.HCM được thành lập, đặt nền móng đầu tiên. Chính vì vậy, ông Công kể, mọi người đã bùng cháy, sáng tạo và cống hiến hết mình với phong trào khi Hội chính thức được thành lập.

Giờ nhìn lại, với quy trình thẩm định thực tế, một trong những điểm đặc biệt nhất của Giải thưởng Sao Vàng đất Việt, với yêu cầu phải di chuyển, chi phí đi lại vô cùng lớn, nếu không phải là doanh nhân trẻ, không tâm huyết với phong trào của cả Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam thì không thể làm được.

“Nếu như những ngày đầu, Sao Vàng đất Việt là công cụ quảng bá thương hiệu, thì đến nay, sự thành công của nhiều thương hiệu, doanh nghiệp đòi hỏi những giá trị cao hơn. Các thương hiệu đã thành danh cần sự tôn vinh với mục tiêu cao hơn, đó là sự ghi nhận trên đài vinh quang của thương hiệu xuất sắc nhất Việt Nam”, ông Công tâm tư.

Cái khó cho Giải thưởng Sao Vàng đất Việt giai đoạn này chính là sự lan toả đã lớn hơn nhiều, không khí ngất ngây của giai đoạn cao trao đã qua, đã tới lúc Hội Doanh nhân trẻ phải sáng tạo, đột phá, xác định giá trị cốt lõi của Giải thưởng để khẳng định vị thế mới của Giải thưởng.

Ông Phạm Tấn Công tâm huyết: “Tôi mong muốn rằng, Sao Vàng đất Việt phải là kỳ đài mà các thương hiệu lớn nhất Việt Nam phải tìm cách đứng lên đó. Đã tới lúc, sự lựa chọn Sao Vàng đất Việt là lựa chọn những thương hiệu nổi tiếng nhất, thành công nhất. Đó chính là giá trị tinh thần, giá trị dân tộc mà tôi mong rằng, các thế hệ doanh nhân trẻ sẽ tạo dựng thêm cho Giải thưởng Sao Vàng đất Việt những năm tới”.

Đưa Sao Vàng đất Việt lên tầm cao mới
 Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khoá IV (2011-2014) khẳng định, chính uy tín, chất lượng của Giải thưởng là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư