Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kỳ tích kinh tế 2017, ước vọng 2018
Hà Nguyễn - 15/01/2018 08:36
 
Thực sự là kỳ tích, khi năm 2017 - vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, nền kinh tế đã đạt được những thành tựu to lớn. Dấu ấn chỉ đạo, điều hành chủ động, sáng tạo và quyết liệt của Chính phủ là đậm nét. Nhưng với riêng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, phải làm sao để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, khát vọng dân tộc thịnh vượng phải trở thành hiện thực.
TIN LIÊN QUAN

Kỳ tích kinh tế 2017

Cuối tuần trước, khi Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội, đề cập những điều tâm đắc nhất trong năm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã không ngần ngại nói rằng, đó là năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá tăng 5 bậc; là môi trường đầu tư kinh doanh tăng 14 bậc, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB); là Chỉ số Đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc - thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được kể từ trước tới nay; là triển vọng của Việt Nam được tổ chức Moody’s và Fitch nâng từ mức ổn định lên mức tích cực. Bên cạnh đó, là việc đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á, là Chỉ số Phát triển bền vững ở Việt Nam tăng 20 bậc…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Đó là những thành tựu mà Việt Nam không dễ đạt được. Kỳ diệu thay, tất cả đều đạt được trong năm 2017 - năm mà theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - là một năm đặc biệt nhất trong chặng đường Đổi mới và phát triển của đất nước.

Đặc biệt bởi dù nền kinh tế đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng cuối cùng, rất nhiều kỷ lục đã được xác lập, như tăng trưởng GDP đạt 6,81% - cao nhất trong 10 năm trở lại đây; xuất nhập khẩu vượt ngưỡng 400 tỷ USD - ghi dấu mốc quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế; vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36 tỷ USD; thành lập mới doanh nghiệp cũng đạt kỷ lục, gần 127.000 doanh nghiệp…

Chưa kể, đó còn là sự hồi phục ấn tượng của thị trường chứng khoán, với mức vốn hóa hóa thị trường đến cuối năm 2017 đạt gần 3.360.000 tỷ đồng, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020; là dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục, hiện lên tới 54,5 tỷ USD - cũng về trước mục tiêu của năm 2020. Và còn cả con số 12,9 triệu lượt khách du lịch quốc tế đã đến Việt Nam trong năm qua - cao nhất kể từ trước tới nay…

Khi cả 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, lần đầu tiên sau nhiều năm, đã đạt và vượt mục tiêu, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế; khi mà hàng loạt kỷ lục đã được thiết lập, thì chỉ có thể gọi đó là “kỳ tích”.

Chính ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam đã nói rằng, Việt Nam đã có một năm “rất thành công”. Còn cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì khẳng định: “Tăng trưởng và những thành công của Việt Nam đạt được rất tuyệt vời”.

Vị cựu Ngoại trưởng, thậm chí đã nhắc lại câu chuyện của những năm 1990 - 1991, khi ông tới Việt Nam và thấy đường từ sân bay về trung tâm Thủ đô chỉ là con đường nhỏ, người Việt Nam chủ yếu đi xe đạp, lác đác trên đường mới có ô tô, xe máy, để so sánh với bây giờ và khẳng định sự thay đổi của Việt Nam trong những năm qua, chất lượng sống tuyệt vời, lực lượng lao động đầy năng lượng.

Nhưng kỳ tích không tự nhiên mà có. Trong thành công đó, có dấu ấn chỉ đạo, điều hành chủ động, sáng tạo và quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ.

Dấu ấn điều hành

Có một câu chuyện có lẽ phải nhắc lại, đó là vào buổi chiều ngày 27/12/2017, khi Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chính thức công bố, tăng trưởng GDP cả năm 2017 ước đạt 6,81%, cao hơn mục tiêu 6,7% đề ra, vượt mọi dự đoán của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, cũng như của Chính phủ Việt Nam, mọi cảm xúc như vỡ òa. Chỉ trước đó một ngày, con số được Chính phủ nhắc đến vẫn chỉ là 6,7% - đạt mục tiêu đề ra.

Trong hai ngày sau đó (27 và 28/12), khi Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra, con số này đã luôn được nhắc tới trong sự hồ hởi, trái ngược hẳn với những tháng đầu năm, đặc biệt là sau khi số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2017 được công bố, với tăng trưởng GDP của quý I chỉ đạt 5,15%, thậm chí còn thấp hơn mức tăng trưởng 5,48% của quý I/2016 và 6,12% của quý I/2015. Các chuyên gia bắt đầu lo lắng, tăng trưởng kinh tế 2017 có thể còn không thể đạt con số 6,21% của năm 2016. Đã bắt đầu có những ý kiến về việc Chính phủ nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, bởi đó là “nhiệm vụ bất khả thi”, bởi dù nỗ lực cách nào, thì 6,7% vẫn sẽ là mục tiêu khá xa vời.

Khi cả 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, lần đầu tiên sau nhiều năm, đã đạt và vượt mục tiêu, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế; khi mà hàng loạt kỷ lục đã được thiết lập, thì chỉ có thể gọi đó là “kỳ tích”.

Nhưng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu này, cho dù vẫn không khỏi lo lắng về những sức ép đang đè nặng lên nền kinh tế. Không chỉ là sức ép về tăng trưởng, mà còn cả nỗi lo lạm phát khó giữ ở mức 4%, nhập siêu lớn, giải ngân vốn đầu tư công chậm và rủi ro bất ổn vĩ mô… Và cả sức ép của dư luận, khi đây đó, vẫn có những nghi ngờ về khả năng điều hành của Chính phủ.

Cuối tháng 5/2017, trong bối cảnh khó khăn vẫn bủa vây nền kinh tế, ngay sau khi Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV bắt đầu thảo luận đầu tiên về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một cuộc họp gấp với các bộ, ngành về các kịch bản tăng trưởng năm 2017.

Khi ấy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, với tư cách là người đứng đầu cơ quan tham mưu của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô đã thẳng thắn chia sẻ vì sao Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Đó là vì, nếu không tăng trưởng được như thế, Việt Nam khó có thể thu hẹp được khoảng cách với các nước trong khu vực. Hơn nữa, với Việt Nam - một nước đang phát triển, tăng trưởng còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nguồn lực để đầu tư phát triển phục vụ tăng trưởng của giai đoạn sau, duy trì ổn định các cân đối lớn, nhất là cân đối nợ công, tạo công ăn việc làm cho xã hội, có nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo…

“Quan điểm của Chính phủ là không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, nhưng cũng không lãng phí cơ hội và tiềm năng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như thế, đồng thời khẳng định, việc Chính phủ quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 6,7% là có cơ sở và rằng, đó không phải là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Cũng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã nỗ lực xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế, chi tiết tới từng ngành, từng lĩnh vực, muốn cả năm tăng trưởng 6,7%, công nghiệp phải tăng trưởng bao nhiêu, nông nghiệp phải phát triển thế nào, du lịch phải đón bao nhiêu lượt khách quốc tế… Để từ đó, đầu tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.

“Tăng trưởng và phát triển là cuộc đua marathon đường trường, chứ không phải cuộc chạy đua nước rút. Chúng ta cần biến khát vọng thịnh vượng cho dân tộc bằng hành động cụ thể, phấn đấu trở thành con hổ kinh tế mới của châu Á. Bây giờ chưa được, nhưng tại sao lại không và luôn phải tìm câu trả lời làm gì để đạt được điều ấy”.
(Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam) 

Đầu tháng 8/2017, trước tình hình giải ngân chậm, lo ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, với sự tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công…

Nghị quyết, chỉ thị được ban hành, lại sát sao theo dõi, giám sát, làm sao để thực hiện đồng bộ và nhất quán, từ Trung ương tới địa phương, từ mọi cấp, ngành. Làm sao để tổng lực hỗ trợ doanh nghiệp, cắt giảm điều kiện kinh doanh, loại bỏ rào cản và phiền hà. Nỗ lực lớn đến nỗi, cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương các bộ “dũng cảm cắt bỏ quyền lực của mình”, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp. Không vậy, làm sao nền kinh tế có thể từng bước nhích lên. Từ 5,15% của quý I lên 6,28% của quý II, rồi 7,46% của quý III và 7,65% của quý IV/2017, đưa tăng trưởng GDP cả năm đạt con số 6,81%.

Chính phủ đã có một năm vất vả. Nhưng thành quả đạt được là xứng đáng với công sức, sự chỉ đạo quyết liệt, sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của toàn hệ thống, nhất là sự năng động, nhiệt huyết của người đứng đầu Chính phủ. Chỉ có một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động - hành động và hành động, mới có thể đưa nền kiến tạo nên những kỳ tích trong năm 2017. Nhờ đó, thế và lực của Việt Nam lên thấy rõ, tạo đà cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Và ước vọng của Thủ tướng

Kỳ tích đã xuất hiện, tinh thần lạc quan, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vẫn đang lan tỏa khắp cả nước. Nhưng với người đứng đầu Chính phủ, không được phép “ngủ quên trên chiến thắng”. Bởi thế, ngay tại Hội nghị với các địa phương vào cuối năm ngoái, ông nhấn mạnh: “Thu nhập bình quân đầu người gần 2.400 USD có gì quá phấn khởi. Đó phải là nỗi buồn bực của lãnh đạo chúng ta mới phải, khi thu nhập trung bình của người dân vẫn quá thấp như vậy”.

Đó là vì với Thủ tướng, ước vọng của ông là một đất nước Việt Nam phát triển và thịnh vượng, mọi người dân Việt Nam, nhất là người nghèo phải có cuộc sống tốt hơn, cả về vật chất và tinh thần. Thủ tướng đã nói tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam rằng, tăng trưởng và phát triển là cuộc đua marathon đường trường, chứ không phải cuộc chạy đua nước rút, rằng “Chúng ta cần biến khát vọng thịnh vượng cho dân tộc bằng hành động cụ thể, phấn đấu trở thành con hổ kinh tế mới của châu Á. Bây giờ chưa được, nhưng tại sao lại không và luôn phải tìm câu trả lời làm gì để đạt được điều ấy”.

Vậy câu trả lời là gì? Là phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy rằng, kinh tế Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức trong trung và dài hạn, phải làm sao để phát triển nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, vượt qua thách thức tụt hậu.

Thấy thách thức để thêm nỗ lực, không được phép dừng lại, mà cần tiếp tục cải cách và cải cách, hành động và hành động, nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, tạo ra nền móng vững chãi hơn để kinh tế tăng trưởng cao và lâu dài.

Thực ra, đó không chỉ là ước vọng của riêng người đứng đầu Chính phủ, mà là ước vọng chung của toàn dân tộc Việt Nam. Tất cả phải cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng đó.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư