Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Lá bài của Digiworld
Chí Tín - 01/02/2018 09:08
 
Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã DGW, sàn HOSE) vừa hé lộ kế hoạch kinh doanh năm 2018, trong đó, những “lá bài” mới cũng được hé lộ.

Lợi nhuận tăng cao

Năm 2017, Digiworld đạt 3.820 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 78,34 tỷ đồng, vượt 42% kế hoạch năm.

Riêng quý IV/2017, doanh thu của Digiworld tăng 11,13% và lợi nhuận tăng 106% so với cùng kỳ quý IV/2016. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 6,9% năm 2016, lên 7,97%.

.
Năm 2018, Digiworld đặt kế hoạch đạt doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 4.700 tỷ đồng và 101 tỷ đồng, tăng tương ứng 23,03% và 28,92% so với năm ngoái. Ảnh: Cửa hàng Mi Store do Digiworld hợp tác với Xiaomi

Theo chia sẻ của Digiworld, biên lợi nhuận tăng nhờ thời gian qua, Công ty đã tận dụng thế mạnh cung cấp trọn gói dịch vụ phát triển thị trường (MES) cho các hãng và đặc thù ngành hàng mới cũng có lợi nhuận biên tốt hơn các ngành hàng truyền thống.

Thời gian qua, công ty này đã có những “lá bài” riêng cho từng ngành hàng. Cụ thể, với mặt hàng máy tính và máy tính bảng, trong khi mức tăng trưởng chung của thị trường không cao, song Digiworld vẫn duy trì mức tăng trưởng khả quan cho nhóm ngành hàng này bằng cách khai thác thị trường ngách. Ví dụ, dòng máy tính Fujitsu hướng tới nhóm khách hàng doanh nhân, dòng máy tính thời trang LG dành cho giới trẻ.

Trong khi đó, trong mảng kinh doanh thiết bị văn phòng, Digiworld có xu hướng bắt tay với nhiều nhà cung cấp khác nhau, giúp đẩy mạnh tăng trưởng và mở rộng thị trường.

Với mặt hàng tiêu dùng, do mới triển khai, nên Công ty vẫn đang trong giai đoạn tập trung hoàn thiện kênh phân phối và mở rộng danh mục sản phẩm.

Những nước cờ mới

Digiworld đã định hình một vài nét phác thảo về bức tranh kinh doanh năm 2018, với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt là 4.700 tỷ đồng và 101 tỷ đồng, tăng tương ứng 23,03% và 28,92% so với năm ngoái.

Theo Digiworld, cơ sở để hiện thực hóa những mục tiêu giàu tham vọng trên dựa trên kinh nghiệm cung cấp các dịch vụ phân tích và phát triển thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp này luôn cho thấy khả năng nhanh nhạy đón đầu sức tăng trưởng tiềm năng từ các ngành hàng. Bên cạnh đó, ngành hàng tiêu dùng được kỳ vọng đem lại doanh thu trong tất cả các quý của năm 2018, dự kiến đóng góp 200 tỷ đồng.

Ngay trong tháng 1/2018, Digiworld đã khai màn mùa kinh doanh 2018 bằng việc bắt tay với Hãng điện thoại Xiaomi (Trung Quốc) để khai trương cửa hàng Mi Store đầu tiên theo tiêu chuẩn Xiaomi tại TP.HCM. Theo Digiworld, động thái này nằm trong chiến lược đẩy mạnh dịch vụ chăm sóc, nâng cao trải nghiệm khách hàng, đồng thời đánh dấu bước tiến tiếp theo của Xiaomi và Digiworld trong kế hoạch đưa thương hiệu Xiaomi vào thị trường Việt Nam.

Ông Đoàn Hồng Việt, Tổng giám đốc Digiworld cho biết, trong gần một năm kể từ ngày đầu tiên Xiaomi ra mắt thị trường Việt Nam, Digiworld đã giới thiệu tới người tiêu dùng một loạt sản phẩm Xiaomi ứng dụng những công nghệ tiên tiến, với mức giá khá mềm.

Trước đó, Xiaomi đã đặt bước chân đầu tiên vào thị trường Việt Nam qua các hoạt động bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, theo yêu cầu phát triển, khi hệ sinh thái các sản phẩm mở rộng và tiện ích công nghệ ngày càng gia tăng thì nhu cầu được trải nghiệm thực tế của người dùng cũng đặt ra yêu cầu về chuỗi cửa hàng Mi. Theo đó, sau động thái khai màn năm 2018, Xiaomi kỳ vọng mở hơn 1.000 cửa hàng Mi Store trong thời gian từ nay đến năm 2020.

Tất nhiên, việc Xiaomi có thể hiện thực hóa được điều này hay không là câu chuyện không đơn giản, bởi lẽ khi tiến vào thị trường Việt Nam, công ty này sẽ phải đối mặt các đối thủ sừng sỏ khác, trong đó, Oppo có thể là một trở ngại lớn trên bước tiến của Xiaomi. Oppo đã vào thị trường Việt Nam từ năm 2012 và công ty này đã chi nhiều tiền để xây dựng mạng lưới phân phối. Oppo đã hiện diện ở hầu hết các điểm bán lẻ di động, siêu thị, thậm chí cửa hàng bán lẻ ở cấp huyện, xã.

Trở lại câu chuyện của Digiworld, công ty này tuy đang trên đà thừa thắng xông lên, nhưng một số nhà quan sát cho rằng, doanh nghiệp cũng cần “để mắt” đến các chỉ số tài chính, khi chỉ số nợ trên vốn chủ sở hữu đang có chiều hướng gia tăng.

Cụ thể, trong năm 2017, nợ phải trả tăng mạnh từ 676,6 tỷ đồng lên 907 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ tăng nhẹ (từ 629,6 tỷ đồng lên 689,5 tỷ đồng). Chỉ số nợ trên vốn chủ sở hữu tuy vẫn ở mức an toàn, nhưng nếu con số này tiếp tục tăng trong thời gian tới thì an toàn tài chính của Công ty sẽ bị đe dọa.

Lá bài chứa nhiều ẩn số với Digiworld
Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã DGW, sàn HOSE) vừa cho biết tổng doanh thu quý III/2017 tăng trưởng 44,6% so với quý II. Điểm nhấn trong hoạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư