Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Lãi ngàn tỷ, ngân hàng quốc doanh vẫn kẹt tăng vốn
Thùy Liên - 09/01/2017 08:20
 
Thu hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận trong năm qua, song cả 4 ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất hệ thống (BIDV, Vietcombank, Agribank, VietinBank) lại đang trong thế kẹt về bài toán tăng vốn.
TIN LIÊN QUAN

Lãi gần chục ngàn tỷ đồng vẫn lo thiếu vốn

Kết quả vừa được một số ngân hàng quốc doanh công bố cho thấy, lợi nhuận năm 2016 vô cùng khởi sắc. Thấp nhất trong số 4 ngân hàng quốc doanh lớn là Agribank cũng đạt lợi nhuận trên 4.000 tỷ đồng. Còn BIDV báo lãi năm 2016 là 7.507 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2015.

Gây sốc nhất về lợi nhuận trong năm 2016 là Vietcombank, với lợi nhuận trước thuế trước trích lập dự phòng là 14.605 tỷ đồng. Sau trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank là 8.212 tỷ đồng, tăng 23,4% so với năm trước đó.

Trong số các ngân hàng quốc doanh, Vietcombank hiện đạt lợi nhuận cao nhất và chịu áp lực tăng vốn ít nhất. Ảnh: Đ.T
Trong số các ngân hàng quốc doanh, Vietcombank hiện đạt lợi nhuận cao nhất và chịu áp lực tăng vốn ít nhất. Ảnh: Đ.T

Trong nhóm 4 ngân hàng quốc doanh lớn, chỉ còn duy nhất VietinBank chưa công bố lợi nhuận năm 2016. Tuy nhiên, với kết quả lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm là 6.485 tỷ đồng, sẽ không mấy ngạc nhiên nếu ngân hàng này công bố lợi nhuận ở mức 8.000 - 9.000 tỷ đồng trong năm 2016.

Lãi lớn như vậy, song nhiều ông lớn quốc doanh vẫn lo ngay ngáy. Càng tăng trưởng thì tổng tài sản của ngân hàng càng phình lên. Nếu tổng tài sản tăng nhanh mà vốn chủ sở hữu tăng chậm thì hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng giảm. Đơn cử, năm qua, BIDV tăng tổng tài sản lên trên 1 triệu tỷ đồng, song lợi nhuận lại chỉ tăng nhẹ, làm tăng áp lực lên hệ số CAR của ngân hàng này.

Trong số 4 ngân hàng quốc doanh, trừ Agribank, 3 ngân hàng còn lại đều đang thí điểm thực hiện tiêu chuẩn Basel II ngay trong năm nay. Khi thực hiện tiêu chuẩn này, hệ số an toàn vốn của ngân hàng có thể tụt ngay ít nhất 1 - 3% so với hệ số CAR hiện tại.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện hệ số CAR của khối ngân hàng thương mại nhà nước là 9,48% (quy định hiện hành là 9%). Nếu không khẩn trương tăng vốn, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), khi thực hiện Basel II, hệ số CAR của 3 ông lớn trên sẽ chỉ còn trên dưới 7%, tức chưa đạt yêu cầu tối thiểu về an toàn vốn (quy định mới là 8%). Do đó, khả năng thành công của việc áp dụng Basel II toàn hệ thống hoàn toàn phụ thuộc vào tính khả thi trong kế hoạch tăng vốn của 3 ngân hàng quốc doanh này.

Lối thoát cho ngân hàng quốc doanh

Tại Hội nghị tổng kết ngành ngân hàng diễn ra tuần qua, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục bày tỏ sự lo ngại về bài toán tăng vốn để nâng hệ số CAR.

Đại diện Vietcombank đề nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng tăng vốn thông qua việc giữ lại lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư, đồng thời, tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngân hàng trong nước từ 30% hiện nay lên 35%.

Có thể nói, đây là giải pháp tăng vốn khả dĩ nhất hiện nay của khối ngân hàng thương mại nhà nước, bởi tăng thị trường cấp 1, cấp 2 hiện nay hầu như bất khả thi. Tuy nhiên, đến nay, giải pháp này vẫn chưa được các thành viên Chính phủ “gật đầu”.

Theo các chuyên gia phân tích, trong số 3 ngân hàng TMCP quốc doanh, Vietcombank chịu áp lực tăng vốn ít nhất, bởi hệ số CAR của ngân hàng này là 10,29%. Hơn nữa, Vietcombank cũng rất khả quan trong thương vụ bán 7,73% cổ phần vốn cho đối tác GIC của Singapore.

Với VietinBank, áp lực tăng vốn cao hơn một chút. Việc Bộ Tài chính “ép” trả cổ tức khiến thương vụ sáp nhập PGBank có nguy cơ thất bại, đồng nghĩa với việc tăng vốn chủ sở hữu của VietinBank vẫn là bài toán khó.

Nan giải nhất là BIDV, bởi đây là ngân hàng có hệ số CAR thấp nhất trong 3 ngân hàng TMCP nhà nước. Giải pháp duy nhất của ngân hàng này là bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Riêng Agribank, dù chưa phải áp dụng Basel II trong giai đoạn thí điểm, song khi Basel II được áp dụng chính thức, thì ngân hàng này cũng sẽ phải chịu áp lực tăng vốn rất lớn. Theo kế hoạch, trong giai 2016 - 2020, Nhà nước sẽ chỉ còn giữ 65% vốn tại Agribank, nên đây là cơ hội tăng vốn của ngân hàng này.

Trong bối cảnh nguồn vốn eo hẹp, các ngân hàng thương mại nhà nước lại đang đứng trước một khó khăn mới: Chính phủ yêu cầu các ngân hàng, nhất là các “anh cả đỏ lãi 5.000 - 7.000 tỷ đồng” phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này có thể làm lợi nhuận của các ngân hàng co lại.

Rõ ràng, nếu không có sự hỗ trợ về cơ chế của cơ quan quản lý, thì các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ vẫn trong thế kẹt về bài toán tăng vốn, mà hậu quả là tín dụng cho nền kinh tế đứng trước nguy cơ giảm trong những năm tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư