Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Làm giáo dục không bao giờ được hồ đồ
Hải Hà - 11/01/2015 14:45
 
Nếu không có giải pháp tổng thể, đồng bộ, nhất là phương án khoa học đầu tư cho con người, nền giáo dục của Việt Nam sẽ không thể đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của một nước công nghiệp vào năm 2020. Đây là khẳng định của GS. Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
KinderWorld đầu tư 2 dự án giáo dục lớn tại Bình Định
Chốt dự thảo kỳ thi Quốc gia THPT
Nhà giáo với chuyện sách giáo khoa
Dạy thêm: Bộ lại chấn chỉnh để giáo viên khỏi... quên
Giáo dục đón nhiều dự án FDI

Đầu tư cho con người nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế đang là vấn đề cấp thiết. Theo ông, nếu chỉ so với các nước trong khu vực, thì năng suất, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện như thế nào?

Đại hội Đảng lần thứ XI đã đưa ra tư tưởng chiến lược là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng hiện đội ngũ lao động còn bộc lộ nhiều bất cập. 

GS. Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)
GS. Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)

Theo nghiên cứu mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất của lao động Việt Nam chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/5 Malaysia và 1/2,5 của Thái Lan.

Có nhiều lý do dẫn tới thực trạng này, nhưng lý do hết sức cơ bản là nền giáo dục không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, không tạo ra những lao động có tay nghề.

Theo thống kê, trong quý III/2014, có 174.000 cử nhân thất nghiệp. Đây là con số đáng suy nghĩ dành cho những người làm giáo dục.

Thưa ông, Việt Nam có thuận lợi và khó khăn gì trong đầu tư cho GD&ĐT, đặc biệt là đầu tư cho con người trong lĩnh vực này để góp phần cải thiện nguồn nhân lực chất lượng cao?

Để có nguồn lao động chất lượng tốt, chúng ta phải thay đổi cách dạy, cách học, có trường theo chuẩn của ASEAN, EU… là những nước chúng ta có thể xuất khẩu lao động như Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013.

Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đã xác định mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, bức tranh giáo dục đang có nhiều thách thức hơn thuận lợi. 

Thứ nhất, nếu lấy chuẩn thực sự của nước công nghiệp, Việt Nam chưa có trường nào đạt chuẩn trong số trên 40.000 trường các loại. Tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, các lớp học có tới 60-70 học sinh/lớp, trong đó quy định của Bộ GD&ĐT là 35 em (học sinh tiểu học). Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào số lượng học sinh mà giáo viên phải truyền đạt. Tại những vùng có điều kiện khó khăn, trường sở chưa được đầu tư bài bản.

Cách đây không lâu, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các chuyên gia nước ngoài thực hiện kiểm định thí điểm 20 trường đại học thuộc “tốp trên” của Việt Nam. Kết quả kiểm định cho thấy, không có một trường đại học nào đạt chuẩn về cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng.

Chúng tôi rất lo lắng nếu không có đủ điều kiện thì rất khó thay đổi chất lượng. Số ít học sinh xuất sắc đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế không thể là cốt lõi của nền giáo dục, bởi nói đến giáo dục là nói đại trà, tương lai đất nước phụ thuộc vào số đông. Cho dù không thể phủ nhận những người giỏi là các đầu tầu, nhưng chỉ có đầu tầu thì không thể làm nên sự nghiệp.

Nền giáo dục của chúng ta cũng không thể trông chờ nhiều vào các trường hợp tác giữa Việt Nam với nước ngoài (Đức, Nhật Bản, Anh…), với lượng tiền đầu tư công khai khoảng 800 triệu USD. Mỗi năm, mỗi trường chỉ có khoảng 200 sinh viên ra trường. Tổng số sinh viên ra trường mỗi năm của các trường này chỉ khoảng 1.000. Con số này quá ít, mà không phải tất cả đều có chất lượng cao.

Nói một cách cụ thể, yếu tố quan trọng nào có thể giúp ngành GD&ĐT thay đổi về cơ bản phương pháp cũng như chất lượng dạy và học?

Có 3 phương án được xác định là “đột phá” giúp nền giáo dục thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết 29-NQ/TW.

Thứ nhất là tạo chất lượng từ khâu quản lý.

Thứ hai là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Thứ ba là kết hợp nâng cao cả chất lượng giáo viên lẫn quản lý.

Tuy nhiên, thay đổi toàn diện nền giáo dục là công việc phức tạp, đồng bộ cùng lúc giải quyết nhiều vấn đề.

Nông nghiệp có Chỉ thị 100 của Ban Bí thư vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, chỉ thị đó ra, cả nước thay đổi chuyển từ thiếu đói, nhập lúa mỳ, gạo đến xuất khẩu lương thực. Song nếu giáo dục cũng dùng “đột phá” như chiến lược giống các ngành khác, thì phải có nhiều “đột phá” đồng bộ từ cơ sở vật chất đến thiết bị, sách giáo khoa, trong đó, vai trò trung tâm vẫn là giáo viên.

Theo tôi, trước hết, chất lượng đội ngũ giảng dạy là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo. Thứ hai, phải tính đến chương trình sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy có cập nhật và phù hợp với việc phục vụ đất nước. Thứ ba, bản thân sự chăm chỉ học hành của sinh viên. Thứ tư, việc thực hành, thực tập để luyện tay nghề ứng dụng vào thực tiễn. Cuối cùng, các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có sử dụng nguồn nhân lực này không; nghĩa là nguồn nhân lực có đáp ứng được yêu cầu của xã hội hay không.

Phát triển giáo dục hết sức quan trọng, bởi đây là nguồn đầu tư cho con người, nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Câu hỏi hay đặt ra là, 20% ngân sách dành cho giáo dục đã đủ chưa, thừa, thiếu hay đủ. Câu hỏi này cần được Chính phủ, Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán kỹ.

Thông tin liên quan đến sử dụng con số 20% ngân sách dành cho giáo dục, chưa bao giờ được công khai minh bạch. Hệ thống giáo dục quốc dân được tính là toàn bộ các trường công từ mẫu giáo đến đại học, nhưng ở Việt Nam, trường Đảng, trường của các  đoàn thể, ngành khác cũng đều sử dụng quỹ ngân sách giáo dục. Như vậy,  20% ngân sách được chia cho nhiều thành phần, chứ không phải chia cho giáo dục quốc dân. 

Năm 2006-2007, Thủ tướng Chính phủ quyết định thanh, kiểm tra ở 30 tỉnh, thành phố có tới gần 25 tỉnh, thành phố lấy tiền của giáo dục chi việc khác trước khi dành cho giáo dục. Cùng với đó, sử dụng nguồn ngân sách này có tới 90-95% dùng để trả lương, chỉ 5-10% còn lại chi cho hoạt động dạy học, trong khi lẽ ra phải là 20-30%. Các nước có nền giáo dục bậc cao thường chia theo tỷ lệ 50% là lương, 50% chi cho các hoạt động dạy học.

Như vậy, có thể kỳ vọng những định hướng đổi mới về GD&ĐT gần đây liên quan tới chương trình sách giáo khoa, thi cử… sẽ tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động GD&ĐT, thưa ông?

Muốn đưa ra bất cứ một đề án đổi mới nào, đều phải có sự tổng kết đầy đủ các phương án đã triển khai thực hiện trong vài chục năm. Bên cạnh đó, còn phải xem xét xem các nước có nền giáo dục phát triển tiến hành đổi mới giáo dục, tiến hành thi cử như thế nào? Hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam ra sao?

Làm giáo dục không bao giờ được hồ đồ. Chúng ta không thể nay đưa ra một phương án, mai lại thêm một đề xuất mà không xem xét tính khoa học và lợi ích của nó. Đó là điều không thể chấp nhận được.

Tất cả các đề án đổi mới giáo dục phải thông qua hội đồng khoa học, được nghiên cứu và thẩm định.

Phân luồng giáo dục phải được thực hiện ngay ở bậc trung học cơ sở để phân luồng học sinh, sàng lọc học sinh sớm.

Để đổi mới giáo dục thành công cần có lộ trình đúng đắn. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT phải tăng cường nhân lực, tài chính để đầu tư nghiên cứu và đưa ra những đề án có tính khoa học, thực tiễn cao phục vụ được quyền lợi của tất cả người học.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư