Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Làm rõ cơ chế kiểm soát quyền lực, khắc phục tình trạng lạm quyền để trục lợi
Hữu Tuấn - 28/10/2016 15:35
 
Trong Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thi Nga trình bày trước Quốc hội đã đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo nghiên cứu làm rõ về cơ chế kiểm soát quyền lực, đề ra những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục tình trạng lạm quyền để trục lợi.

Theo đó, Ủy ban Tư pháp đồng tình với đánh giá của Chính phủ "Tình hình tham nhũng vẫn đang diễn ra phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng", và cho rằng đánh giá này là đúng với thực trạng hiện nay cũng như phản ánh của người dân, doanh nghiệp và xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng nhưng chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền. Quan điểm của người đứng đầu Chính phủ trong việc yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành nói phải đi đôi với làm và quy rõ trách nhiệm cụ thể khi xảy ra sai phạm. Ủy ban Tư pháp đồng tình với quan điểm này và đề nghị Chính phủ kiên quyết thực hiện chủ trương này để xây dựng một Chính phủ liêm chính như cam kết của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội.

Bà
Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016.

Cề nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây cũng là lần đầu tiên Chính phủ  nhìn nhận thẳng thắn trước Quốc hội là: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước Nhân dân, có những trường hợp phạm tội tham nhũng phải xử lý trước pháp luật".

Ngoài nguyên nhân trên, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ lưu ý một nguyên nhân hết sức quan trọng, đó là: hiện nay có những quy định nhằm bảo đảm kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan trong hệ thống chính trị còn nhiều sơ hở, chưa cụ thể, cùng với việc thiếu kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực trên thực tế dẫn tới tình trạng lạm quyền để trục lợi cá nhân, cấu kết “sân sau”, “lợi ích nhóm”…

Các nghiên cứu quốc tế về tham nhũng đã khẳng định rằng: Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, quyền lực nếu không được kiểm soát chặt chẽ tất yếu sẽ dẫn đến tha hóa quyền lực - đây chính là bản chất và là nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng. Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu để cụ thể hóa quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả và góp phần thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát quyền lực tại khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013.

Trong công tác cán bộ, sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức chưa được coi là tiêu chí, thước đo quyết định sự tồn tại và thăng tiến của cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến tình trạng trì trệ, thiếu động lực làm việc, thậm chí vòi vĩnh, nhũng nhiễu. Với quy định “biên chế suốt đời”, “có vào không có ra”, “có lên không có xuống” đã tạo nên sức ì rất lớn, dù cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả nhưng người đứng đầu rất khó để xem xét trách nhiệm và kỷ luật họ.

Mặt khác, phiếu tín nhiệm của cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý nên dễ nảy sinh tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, “dễ mình dễ ta”. Đây là những bất cập trong công tác tổ chức cán bộ và là nguyên nhân quan trọng làm cho công tác cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị để phòng, chống tham nhũng còn hạn chế.

Ủy ban Tư pháp đề nghị tới đây, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ đạo sát sao, thường xuyên để bảo đảm thực hiện đạt các chỉ tiêu, yêu cầu về phòng, chống tham nhũng được giao trong Nghị quyết số 63/2013/QH13 và Nghị quyết số 111/2015/QH13 của QH. Đồng thời, có phương án và lộ trình cụ thể để khắc phục hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ; tổng kết và đề xuất mô hình tổ chức cơ quan chống tham nhũng để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

Chính phủ cần chỉ đạo nghiên cứu làm rõ về cơ chế kiểm soát quyền lực, đề ra những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục tình trạng lạm quyền để trục lợi. Chính phủ, Quốc hội tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế, xã hội, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt, trong báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, đề nghị Chính phủ chỉ rõ địa chỉ những bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị làm tốt và chưa làm tốt công tác phòng, chóng tham nhũng để động viên, biểu dương, khen thưởng và xử lý kịp thời.

6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng sẽ được đưa ra xét xử
Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư