Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Làn sóng cổ phiếu “vua” lên sàn
Thùy Vinh - 03/01/2018 08:48
 
Năm 2018 được dự báo sẽ có một làn sóng ồ ạt của các cổ phiếu ngân hàng góp mặt trên sàn chứng khoán và điều đó sẽ làm đa dạng nguồn hàng cho nhà đầu tư lựa chọn.
TIN LIÊN QUAN

Chạy đua “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”

Không khí lên sàn của các ngân hàng vẫn sôi sục cuối năm cũ và đã có ngân hàng đã lên lịch niêm yết ngay đầu năm mới 2018, nhằm tận dụng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Ngân hàng Bắc Á (BacABank) đưa cổ phiếu lên sàn UpCom ngày 28/12 và tiếp sau đó, Ngân hàng HDBank sẽ đưa gần 981 triệu cổ phiếu HDB lên sàn HoSE vào ngày 5/1/2018 với giá khởi điểm 33.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy HDBank là ngân hàng thứ hai thực hiện niêm yết trên sàn HoSE kể từ đầu năm 2017 tới nay, sau VPBank hồi quý III/2017. Đồng thời, HDBank cũng là ngân hàng thứ 8 niêm yết trên sàn HoSE. 

TPBank đã nộp hồ sơ niêm yết và dự kiến niêm yết trong quý II/2018. Ảnh: Đức Thanh
TPBank đã nộp hồ sơ niêm yết và dự kiến niêm yết trong quý II/2018. Ảnh: Đức Thanh

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank cho biết, TPBank đã nộp hồ sơ niêm yết và dự kiến niêm yết trong quý II/2018. Mới đây, ĐHĐCĐ TPBank đã ban hành Nghị quyết số 02/2017/NQ - TPB.ĐHĐCĐ, thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng phương thức phát hành riêng lẻ trên 87,6 triệu cổ phần. Tính đến ngày 30/9, lợi nhuận trước thuế của TPBank tăng mạnh 227% so với cùng kỳ, đạt 806,7 tỷ đồng (vượt kế hoạch lợi nhuận 780 tỷ đồng đề ra cho cả năm). 

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB cho hay, sẽ xúc tiến kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE khi điều kiện thị trường thích hợp, chậm nhất là đầu năm 2019. 

Trước đó, tính từ đầu năm cũng đã có tới 4 ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Đầu tiên là Ngân hàng VIB chào sàn UpCom ngày 9/1/2017, tiếp theo là KLB của Ngân hàng Kienlongbank vào 29/6/2017. Vào ngày 17/8/2017, VPBank là ngân hàng đưa cổ phiếu thứ 3 lên sàn trong năm 2017, nhưng là ngân hàng đầu tiên niêm yết tại HoSE kể từ năm 2014 tới nay. Ngày 5/10/2017, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank cũng chào sàn UpCom. Sắp tới đây, tiếp theo còn có VietBank, SCB, Techcombank… 

Sở dĩ các nhà băng chạy đua lên sàn thời gian gần đây bên cạnh điều kiện thị trường thuận lợi, giá cổ phiếu “vua” tăng khi chứng khoán theo chiều hướng lên thì việc buộc ngân hàng đưa cổ phiếu giao dịch lên sàn UpCom hay niêm yết cũng là một lực đẩy. Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, khóa XIV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, để giúp người dân có thể biết về sức khỏe của ngân hàng, thời gian tới, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán, công bố báo cáo tài chính định kỳ, có kiểm toán.

Trên thực tế, trong 2 năm trở lại đây, NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã nhiều lần có công văn nhắc chủ trương và lộ trình tất cả các ngân hàng thương mại cổ phần đều phải lên UpCom, hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, chỉ mới một số ngân hàng đưa cổ phiếu giao dịch trên UpCom và niêm yết.

Cổ phiếu “vua” có dội hàng?

Phù hợp với tinh thần của các chỉ thị điều hành, hầu hết các ngân hàng cho rằng, niêm yết cổ phiếu trong thời gian này là phù hợp khi thị trường đang thuận lợi.

TS Bùi Quang Tín, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, bức tranh nền kinh tế đã sáng lên, ngành ngân hàng phát đi nhiều tín hiệu lạc quan sau giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ. Lợi nhuận của hầu hết nhà băng tăng trưởng trong năm nay, thậm chí, nhiều ngân hàng vượt chỉ tiêu. Nợ xấu giảm mạnh, nhất là khi có Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Mặt khác, thị trường chứng khoán bùng nổ, với chỉ số Vn-Index lên mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, trong đó, cổ phiếu ngân hàng quay về thời “hoàng kim” dẫn dắt thị trường trong nhiều giai đoạn, nhà đầu tư đã háo hức hơn với những cổ phiếu ngân hàng lên sàn.

Đơn cử tại Ngân hàng HDBank, trước thềm niêm yết đầu năm 2018, ngân hàng này vừa hoàn tất thương vụ bán 21,5% vốn cho 76 nhà đầu tư nước ngoài thu về 300 triệu USD. Trước đó, vào cuối tháng 10/2017, Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) của Tập đoàn VinaCapital đã rót khoảng 11 triệu USD để sở hữu gần 5% cổ phần OCB. Trong số các quỹ ngoại rót tiền vào Ngân hàng VPBank, Dragon Capital cũng chi bộn tới 1.000 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu VPBank trước khi nhà băng này niêm yết trong quý III/2017. Nhà đầu tư nước ngoài cũng chú ý tới cổ phiếu LPB khi đã mua vào hơn 1,25 triệu cổ phiếu, với trị giá 17,87 tỷ đồng trong ngày LPB lên UpCom vào tháng 10/2017 vừa qua…

Có thể nói, nhờ tổng hợp được tất cả các yếu tố, nên cổ phiếu các ngân hàng lên sàn cũng thuận lợi và đạt giá cao hơn nhiều so với mong đợi, thanh khoản tích cực. Không chỉ thu hút được nhà đầu tư nội, mà nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia thị trường tích cực, với điển hình là VPBank và HDBank ghi nhận giá bán lần lượt là 39.000 đồng/cổ phiếu và 33.000 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu như VIB, LPB, KLB sau khi lên UpCom cũng được nhà đầu tư ngoại mua ròng với khối lượng đáng kể.

Năm 2017 có thể đánh giá là năm thành công rực rỡ nhất của cổ phiếu ngân hàng nói riêng và hoạt động ngân hàng nói chung trong nhiều năm trở lại đây. Theo nhận định của ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán HSC, với tình hình như hiện nay, có thể trong năm 2018 sẽ không dưới 10 ngân hàng lên sàn. Nếu dự báo này là đúng, thì năm 2018 sẽ thực sự có một làn sóng ồ ạt hơn nữa các cổ phiếu ngân hàng góp mặt trên sàn chứng khoán và điều đó sẽ làm đa dạng nguồn hàng cho nhà đầu tư lựa chọn.

Về sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư ngoại với cổ phiếu ngân hàng, ông Johan cho biết, đó là “tín hiệu lớn hơn kỳ vọng” khi mà giới đầu tư tài chính nước ngoài thực sự mạnh tay “rót” tiền mua. Với tư cách là một trong 2 nhà tư vấn cho thương vụ bán cổ phần của HDBank, ông Johan cho hay, sự lo ngại ban đầu đã nhanh chóng bị bỏ lại phía sau, khi các nhà đầu tư đến từ Singapore, Hong Kong, London, Bangkok, Seoul… đã có “mối quan tâm đặc biệt”  đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam và đặt lượng mua gấp 3 lần số lượng HDBank chào bán.

Trong một diễn biến khác, HSC cũng đã rất khó khăn để chọn ra 76 nhà đầu tư, mà hầu hết đến từ các định chế tài chính hàng đầu như Credit Saison, Deutsche Bank AG, JPMorgan Vietnam Opportunities Fund, AOZORA Bank, RWC Frontier Markets Opportunity Master Fund, Macquarie Bank, Charlemagne; Dragon Capital.

Hoạt động của ngành ngân hàng đang dần được cải thiện sau quá trình Chính phủ và NHNN Việt Nam đẩy mạnh tái cấu trúc, xử lý nợ xấu. Tín dụng cải thiện cùng với sự khởi sắc của thị trường chứng khoán và một số ngân hàng IPO, niêm yết sẽ tác động tích cực lên cổ phiếu “vua”, song sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhà băng và vì thế, cổ phiếu tăng/giảm sẽ tùy vào từng ngân hàng.

Các nhà băng cũng mong chờ lên sàn sẽ tạo thanh khoản tốt hơn cho cổ phiếu và huy động vốn qua sàn, nhưng theo đánh giá của chuyên gia tài chính - ngân hàng TS Nguyễn Văn Thuận, điệp khúc “niêm yết - tăng giá” không phải đúng với mọi cổ phiếu ngân hàng. Bởi các nhà đầu tư hiện nay đã có cái nhìn sát với thực tế hoạt động kinh doanh của từng ngân hàng, chứ không chỉ với thông tin lên sàn sẽ thu hút được nhà đầu tư.

Thực tế đã chứng minh, giá cổ phiếu ngân hàng có dấu hiệu hồi phục trở lại trong thời gian qua chủ yếu rơi vào những mã niêm yết của ngân hàng có quy mô lớn, lợi nhuận tốt, nợ xấu được xử lý nhanh như: VCB, ACB, MB, VPBank, Techcombank, HDBank,… và yếu tố lợi nhuận cao của ngân hàng chỉ là yếu tố thứ yếu khiến cổ phiếu tăng giá.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư