Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Làng Văn hóa ế khách vì đầu tư dở dang
Duy Hữu - 04/02/2015 13:51
 
Với quy mô vốn đầu tư được phê duyệt lên tới 3.200 tỷ đồng, triển khai đã hơn chục năm, nhưng đến nay, Dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng Văn hóa) vẫn tựa công trình dở dang, nên hiệu quả chưa được như mong muốn.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Vinh danh Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh
Quảng Trị chú trọng đầu tư phát triển du lịch
Triển lãm "Kết nối di sản thế giới" diễn ra tại Ninh Bình
Sắp khai trương hàng loạt điểm du lịch mới ở Hòa Bình
32 ha xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

Nhiều công trình xuống cấp

Dự án Làng Văn hóa tại Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 21/8/1997 và được khởi công từ ngày 3/10/1999.

Một số hạng mục tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã bị xuống cấp

Theo quy hoạch, Làng Văn hóa là một quần thể đa dạng với nhiều khu chức năng, đan xen giữa văn hóa, dịch vụ du lịch, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Mục tiêu của Dự là xây dựng một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính quốc gia, nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam; tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau, giáo dục lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của công dân Việt Nam; tăng cường tình hữu nghị, hợp tác và trao đổi văn hóa với các dân tộc trên thế giới; phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch và nghiên cứu của nhân dân trong nước và du khách quốc tế…

Ngoài ra, đây còn là một trung tâm du lịch, dịch vụ, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí có quy mô lớn, đồng bộ. Dự án được chia thành 6 khu chức năng, trong đó điểm nhấn là Khu các làng dân tộc, với diện tích 198,61 ha, có đồi cao, thung lũng, mặt nước, thể hiện sự phân bố các làng dân tộc trải rộng trên mọi miền đất nước.

Lễ khai trương Làng Văn hóa được TP. Hà Nội tổ chức ngày 10/10/2010 để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng sự nhộn nhịp chỉ diễn ra trong những ngày có sự kiện, ngày thường, khu vực rộng hàng trăm ha này trở nên quạnh hưu do  vắng bóng người.

Theo quan sát, hiện một số công trình đã bị xuống cấp. Như ở khu vực nhà mồ của dân tộc Gia Rai, các tượng gỗ mục nát, nứt toác vì phải dãi dầu mưa nắng do đặc thù là tượng ở ngoài trời.

Những ngôi nhà của người Mạ, Ê Đê… trong tình trạng bị xuống cấp nhiều, mái lá xơ xác. Ngôi nhà sàn của người Phù Lá, một dân tộc thiểu số tập trung chủ yếu ở tỉnh Lào Cai, sàn nứa ọp ẹp, nhiều thanh nứa gãy. Cửa chính ra vào của ngôi nhà đã đổ từ lâu.

Hồi tháng 4/2014, 2 ngôi nhà của người dân tộc Chứt và dân tộc Cống bị cháy, phải mấy tháng sau mới khôi phục được vì phải chờ kinh phí.

Nhiều hạng mục khác cũng xuống cấp, tuy chưa trầm trọng, nhưng nếu để lâu cũng sẽ khó mà khôi phục được.

Kêu gọi nhưng… chưa ai đầu tư

Theo Ban quản lý Làng Văn hóa, nguyên nhân các công trình mau xuống cấp là vì đây là kiến trúc truyền thống của 54 dân tộc, nên vật liệu thi công chủ yếu là tranh, tre, nứa, lá, tường trình bằng đất. Chỉ cần một trận bão, lốc là có thể bị tung mái, sập tường.

Hàng năm, Ban quản lý Làng Văn hóa đều xây dựng phương án duy tu, bảo dưỡng làm cơ sở thực hiện. Tuy nhiên, những sự cố do thiên tai bất thường thì không thể dự đoán được, trong khi kinh phí hạn chế, thủ tục phức tạp, nên việc duy tu, sửa chữa còn nhiều hạn chế.

Trên thực tế, sửa chữa nhỏ thì Ban tự làm lấy, còn sửa chữa lớn thì phải có quy trình. và phải được thẩm định xem mức độ hư hỏng đến đâu, rồi làm dự toán kinh phí, được duyệt rồi chờ rót kinh phí.

Nếu gói thầu lớn thì phải tổ chức đấu thầu..., nên việc hoàn thành các thủ tục mất nhiều thời gian, mà nhà không sửa ngay thì càng hỏng nặng.

Theo báo cáo của Ban quản lý Làng Văn hóa, năm 2013, địa điểm này thu hút 250.000 lượt khách tham quan, năm 2014 thu hút gần 260.000 lượt, nhưng chủ yếu tập trung trong mấy ngày lễ hội, còn ngày thường thì khá vắng, do ở đây chưa có dịch vụ nào.

Cũng theo Ban quản lý, số kinh phí phê duyệt 3.200 tỷ đồng đầu tư cho Dự án hiện mới giải ngân được khoảng 30%, chỉ đủ làm một số hạng mục như khu làng các dân tộc, nhà điều hành.

Được biết, Ban quản lý Làng Văn hóa đã kêu gọi đầu tư để hoàn thiện các phân khu chức năng. Cơ chế đầu tư vào đây rất thuận lợi do đã có mặt bằng sạch, hạ tầng, điện, nước hoàn chỉnh. Về thủ tục đầu tư,  Trưởng ban quản lý Làng Văn hóa được quyết định cấp phép đầu tư trong phạm vi Dự án, nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào tham gia.

Lý giải thực tế đó, Ban quản lý cho rằng, do các dự án đầu tư trong Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có quy mô khá lớn, ít nhất cũng phải 30 ha, và lại phải phù hợp với quy hoạch chung của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã được phê duyệt, nên rất kén nhà đầu tư.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư