Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Lãnh đạo kế nghiệp: Bài toán không hề đơn giản
Gia Huy - 23/09/2016 16:12
 
“Để xây dựng một công ty thành công đã là một việc khó khăn với doanh nhân, tuy nhiên để công ty phát triển bền vững bằng người kế nghiệp thì lại là một bài toán không hề đơn giản” - các doanh nhân dự Tọa đàm “Bàn về năng lực kế nghiệp” do Trường Doanh nhân PACE tổ chức sáng 22/10 tại TP.HCM chia sẻ.

Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, thành viên chuyên môn PACE cho biết, hiện trên thế giới, các công ty gia đình chiếm 2/3 số lượng doanh nghiệp và chỉ có 12% doanh nghiệp gia đình chuyển giao cơ nghiệp được đến thế hệ thứ ba, còn lại, hầu như tới thế hệ thứ 2 thì người kế nghiệp đã "xóa sổ" doanh nghiệp hoặc không theo được nghiệp kinh doanh.

Tại Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp gia đình là hình thức khá phổ biến và đã có những đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế trong nước. Nhưng câu chuyện chuyển giao quyền lực cho người kế nghiệp tại doanh nghiệp Việt trở thành một đề tài khó có lời giải, bởi lựa chọn người kế nghiệp không chỉ là chuyển giao tài sản, mà chuyển giao cả một sự nghiệp xây dựng rất nhiều năm trời và trải qua nhiều khó khăn.

Lãnh đạo kế nghiệp luôn là bài toán không hề đơn giản với doanh nghiệp gia đình. Ảnh: Gia Huy
Chọn lãnh đạo kế nghiệp luôn là bài toán không hề đơn giản với doanh nghiệp gia đình. Ảnh: Gia Huy

Theo ông Lê Võ Quốc Hưng, Giám đốc Điều hành Công ty HUTSCOM, bài toán này phải có một lộ trình dài hơi, được thiết kế bài bản và chuyên nghiệp, phù hợp với bối cảnh kinh doanh Việt Nam và đặc thù từng gia đình và doanh nghiệp.

“Nhưng có một điểm chung, đó là người kế nghiệp phải được trang bị những năng lực thiết yếu mà một nhà lãnh đạo phải có, cũng như tự tin vạch ra những con đường cần phải đi qua để không chỉ kế thừa mà còn phát triển cơ nghiệp mà thế hệ cha anh đã đổ bao tâm lực để gây dựng”, ông Hưng nói.

Anh Hoàng Mạnh Tuấn, 22 tuổi, người kế nghiệp của một công ty xuất khẩu tại TP.HCM cho rằng, đối với người kế nghiệp, áp lực rất lớn vì phải gánh trách nhiệm không chỉ với doanh nghiệp mà cả với gia đình. Theo anh Tuấn, cái khó nhất của người kế nghiệp hiện nay là không được đi lên cùng doanh nghiệp ngay từ đầu, do thường được gia đình cho đi học rồi trở về tiếp nhận ngay công việc. Do đó, việc nắm bắt định hướng kinh doanh và các mối quan hệ là điều khá khó khăn. Bên cạnh đó, vì tuổi đời quá trẻ, để vượt qua cái bóng của người lập nghiệp, người đi trước luôn là một áp lực không dễ vượt qua, thậm chí còn khó khăn hơn nhiều so với người bên ngoài tiếp nhận lại doanh nghiệp.

“Hiện tại, việc kế nghiệp chỉ loanh quanh từ việc truyền lại công ty chứ chưa có sự truyền lại quan hệ cũng như kinh nghiệm quản lý, người kế nghiệp sẽ gặp khó khi thất bại và tìm cách vượt qua thất bại. Chính vì vậy, khi giao cơ nghiệp cho người thừa kế, nếu người giao cơ nghiệp chuẩn bị đầy đủ, chuyển giao cả kinh nghiệm vượt khó và các mối quan hệ thì người thừa kế sẽ đỡ vất vả hơn”, anh Tuấn nói tại buổi Tọa đàm.

Cũng tại tọa đàm, hơn 100 doanh nhân tham dự cho biết muốn truyền doanh nghiệp lại cho con, cháu để kế nghiệp nhưng vẫn còn phân vân về việc lựa chọn người thừa kế có đúng hay không, đặc biệt việc nếu một gia đình có nhiều người con để kế nghiệp thì sẽ giao cơ nghiệp cho ai?. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Chung cho rằng, nếu một gia đình có nhiều con để kế nghiệp thì hãy chọn cho những người kế nghiệp một môi trường thử thách, "buông" cho người kế nghiệp bươn trải, vấp váp, kể cả "làm thuê" cho doanh nghiệp khác.

“Cần trang bị những kiến thức vượt nghịch cảnh cho người kế nghiệp để cho thế hệ này được những bài học lớn, đồng thời cho người kế nghiệp niềm tin để phát triển, khẳng định bản thân, từ đó sẽ tìm ra người có thể kế nghiệp xứng đán”, ông Chung nói.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng, người kế nghiệp nên lăn lộn bên ngoài trước khi nắm hoạt động doanh nghiệp gia đình và cũng chỉ nên giao những vị trí vừa sức, phù hợp.

“Người kế nghiệp cần cẩn trọng với cách hành xử của bản thân, đừng tự đặt quá nhiều áp lực lên cho mình và đặc biệt phải yêu cầu sự đánh giá đúng mực dành cho mình. Khi thay đổi cần thực hiện những thay đổi một cách thận trọng. Việc chuyển giao cơ nghiệp là một quá trình, không phải một sự kiện nên cần cẩn trọng và tham khảo ý kiến người trao quyền kế nghiệp trước khi thực hiện”, bà Phương nói.

Người kế nghiệp và chiếc ghế nóng
Được đào tạo bài bản về kinh doanh, được chuẩn bị sẵn một sân chơi để thể hiện năng lực, nhưng người kế nghiệp của Tập đoàn Tân Á...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư