Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Lao động Việt Nam không lo cạnh tranh trong ASEAN
Mạnh Bôn - 13/03/2015 08:35
 
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được xác lập vào cuối năm nay và lao động trong khối ASEAN được tự do tìm việc làm trong khu vực. Điều này, theo TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, là không đáng lo ngại, vì năng suất lao động của người Việt không thực sự thấp như một số đánh giá đã cảnh báo.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đàm phán đưa thêm lao động Việt Nam sang Campuchia
Đưa lao động trình độ cao ra nước ngoài làm việc
Điều chỉnh tiền lương gắn với kinh tế thị trường
Rộng cửa cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Theo đánh giá của một số tổ chức thì năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 1/15 Singapore, bằng 1/11 Hàn Quốc, bằng 1/7 Malaysia, bằng 1/5 Thái Lan… và bằng 1/2 năng suất lao động bình quân của các nước trong khu vực ASEAN. Ông nhận định ra sao về đánh giá này?

TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Trên lý thuyết thì so sánh năng suất lao động của người Việt và các nước trên thế giới như trên không sai. Lý do là người ta đo năng suất lao động bằng cách lấy GDP chia cho số người đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân, nước nào có GDP bình quân đầu người cao thì đương nhiên năng suất lao động được coi là cao.

Ở các nước có nền kinh tế phát triển, người lao động chủ yếu làm việc trong ngành công nghiệp, xây dựng, chế biến, dịch vụ chính thức có năng suất lao động cao. Trong khi đó, ở nước ta, có tới 68% lao động làm việc ở khu vực phi chính thức, trong đó lao động trong nông nghiệp chiếm 47%, nên có năng suất lao động rất thấp. Minh chứng là lao động trong nông nghiệp chỉ đóng góp vào GDP khoảng 8%, điều này kéo tụt năng suất lao động chung của cả nước xuống mức thấp.

Có nghĩa là, nếu tách khu vực lao động phi chính thức, đặc biệt là khu vực nông nghiệp ra, thì lao động trong khu vực chính thức của Việt Nam không hề thấp?

Muốn đánh giá năng suất lao động một cách chính xác, người ta phải đánh giá lao động cá thể, năng suất lao động trong từng ngành, từng lĩnh vực, trong khu vực có quan hệ lao động và trong khu vực không có quan hệ lao động. Nếu đánh giá như vậy, thì năng suất lao động của người Việt trong nhiều lĩnh vực, như công nghệ - thông tin, không hề kém cạnh với năng suất lao động của nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước có nền kinh tế phát triển hơn nước ta.

Nhưng lĩnh vực công nghệ - thông tin sử dụng rất ít lao động, thưa ông?

Với những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản…, có thể khẳng định, năng suất lao động của công nhân Việt Nam cũng không hề thua kém bất cứ nước nào trong khu vực. Cùng một dây chuyền sản xuất, thiết bị, máy móc hiện đại như nhau, thì năng suất lao động của công nhân Việt Nam thậm chí còn cao hơn công nhân của nhiều nước nhờ tính cần cù, chịu khó, chấp nhận vất vả, chấp nhận làm ngoài giờ để có thu nhập.

Như vậy, khi AEC thành lập, lao động Việt Nam không đáng ngại trong cạnh tranh trong việc tìm việc làm, thưa ông?

Như tôi nói, năng suất lao động trong khu vực chính thức của Việt Nam không hề thấp, nên không ngại. Hơn nữa, người nước ngoài đến Việt Nam làm việc chỉ khi họ nhận được mức lương cao hơn đáng kể, trong khi năng suất lao động của họ không cao hơn người Việt thì không thể cạnh tranh được. Còn đối với khu vực phi chính thức, như xe ôm, giúp việc gia đình, nông nghiệp, làm việc theo mùa vụ, làm việc bán thời gian… với thu nhập không cao chắc người lao động nước ngoài cũng không muốn đến Việt Nam tìm việc làm.

Như ông nói, năng suất lao động trong khu vực chính thức của Việt Nam không hề thua kém các nước trong khu vực. Tuy nhiên, cứ mỗi lần điều chỉnh lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp, giới chủ doanh nghiệp đều dựa vào lý do tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam rất thấp để né tránh tăng lương?

Lập luận tốc độ tăng lương ở khu vực doanh nghiệp hàng năm cao hơn so với tốc độ tăng năng suất lao động là không đúng. Vì năng suất lao động được giới chủ doanh nghiệp nói tới là năng suất lao động chung của cả nước, bao gồm cả lao động ở khu vực không chính thức, trong khi lương chỉ điều chỉnh với khu vực lao động chính thức. Chính vì vậy, mặc dù có sự phản ứng trái chiều của giới chủ sử dụng lao động, nhưng từ năm 2006 đến nay, hầu như năm nào, lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp cũng được tăng với tốc độ cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động chung của cả nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư