Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Lập "bộ máy" cổ phần hóa VNPT
Hữu Tuấn - 26/01/2018 17:00
 
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa công bố thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa VNPT gồm 14 thành viên để thúc đẩy việc cổ phần hóa tập đoàn này theo đúng lộ trình, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Hoàn thiện bộ khung cổ phần hóa

Đầu tuần này, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Tập đoàn VNPT đã có cuộc họp đầu tiên và công bố Quyết định phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo. Theo đó, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn làm Trưởng ban; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải làm Phó trưởng ban; ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT) làm thành viên thường trực; ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT và một số lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT, Bộ Tài chính làm thành viên.

.
Trong năm 2018 VNPT sẽ triển khai kế hoạch tái cơ cấu, chốt sổ cổ phần hóa vào ngày 31/12/2018, để từ tháng 1/2019 thực hiện cổ phần hóa.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và các thành viên rất nặng nề. Theo đó, Ban Chỉ đạo có các nhiệm vụ: chỉ đạo Tập đoàn VNPT căn cứ kế hoạch cổ phần hóa đã được phê duyệt, chủ động thực hiện chuẩn bị hồ sơ, tài liệu pháp lý về tài sản của doanh nghiệp (bao gồm cả nhà cửa, đất đai); phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa; kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ tại thời điểm lập báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật; xây dựng kế hoạch tiến độ cổ phần hóa trình Bộ TT&TT phê duyệt để thực hiện.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo Tập đoàn VNPT phối hợp với tổ chức tư vấn tiến hành xử lý các vấn đề về tài chính, lao động; Chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp với Tập đoàn VNPT tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp; Báo cáo Bộ TT&TT lựa chọn phương thức bán cổ phần lần đầu; Chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng phương án cổ phần hóa và dự thảo Điều lệ lần đầu của công ty cổ phần; Chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng phương án sử dụng lao động trình Bộ TT&TT phê duyệt.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ thẩm tra và trình Bộ TT&TT quyết định lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa, lựa chọn tổ chức bán đấu giá cổ phần, công bố giá trị doanh nghiệp, quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa; Chỉ đạo Tập đoàn VNPT phối hợp với các tổ chức đấu giá bán cổ phần theo quy định; Chỉ đạo Tập đoàn VNPT xác định số tiền thu về cổ phần hóa phù hợp với hình thức cổ phần hóa công ty, lập báo cáo quyết toán, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…

IPO vào đầu năm 2019

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV VNPT cho biết, theo lộ trình, trong năm 2018 sẽ triển khai kế hoạch tái cơ cấu, “chốt sổ” cổ phần hoá vào ngày 31/12/2018, để từ tháng 1/2019 thực hiện cổ phần hóa.

Tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa (hoàn thành bán cổ phần lần đầu) theo từng năm của giai đoạn 2017 - 2020, theo đó sẽ hoàn thành cổ phần hóa Tập đoàn VNPT năm 2019.

“Còn rất nhiều việc VNPT phải làm trong lộ trình thực hiện cổ phần hoá như thuê tư vấn, xác định giá trị doanh nghiệp, chọn đối tác chiến lược, roadshow, lên sàn… Trong đó, chỉ riêng thuê tư vấn các hạng mục đều phải tách ra và chọn các nhà tư vấn cho các hạng mục khác nhau. Về chủ trương, VNPT sẽ đề xuất thuê các nhà tư vấn danh tiếng và uy tín của nước ngoài”, ông Hùng cho biết.

Còn ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, dự kiến cuối năm 2018, VNPT sẽ hoàn thành định giá thương hiệu và IPO vào đầu năm 2019.

“Sở dĩ chọn thời điểm IPO vào năm 2019 là do đây là thời điểm có lợi nhất cho VNPT và Nhà nước sau 5 năm liên tục tăng trưởng ổn định, lợi nhuận tăng trưởng hơn 20%. Để chuẩn bị cho cổ phần hóa, VNPT đã thành lập bộ phận để thực hiện các công việc này. VNPT cũng chủ động trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cổ phần hóa của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như Petrolimex, Vietnam Airlines… Về nguyên tắc và chủ trương, VNPT sẽ đấu thầu chọn phương án cổ phần hóa, chọn doanh nghiệp định giá và IPO lần đầu”, ông Long cho biết. 

Theo ông Long, cùng với các việc này, VNPT đã tiến hành xác định giá trị tài sản đã bắt đầu được tiến hành từ năm 2016. Trong đó, việc xác định tài sản gắn liền với đất tại 61/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xong, chỉ còn Hà Nội và Lâm Đồng. Một hạng mục tương đối khó trong xác định tài sản của VNPT là hệ thống cống hộp, cáp Internet cũng đang được kiểm đếm bằng công nghệ QR code.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải chỉ đạo, năm 2018, VNPT sẽ tái cơ cấu tại Tập đoàn, bắt đầu thực hiện cổ phần hóa theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Tập đoàn, vì vậy, VNPT phải tập trung triển khai. VNPT cần tham khảo thêm kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thành công tại Việt Nam và quốc tế, nhằm tối đa hóa nguồn vốn tài sản của Nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Chính phủ phê duyệt Phương án cơ cấu lại VNPT
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định 2129/QĐ-TTg phê duyệt phương án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư