Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Lập luận tăng thuế giá trị gia tăng: Hãy đặt mình vào vị trí người dân lam lũ
Tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) cần được các chuyên gia trong và ngoài nước đề xuất trên cơ sở thấu hiểu sâu sắc bối cảnh Việt Nam, nhất là phải đặt mình vào cuộc sống của đa phần người dân, với cuộc sống lam lũ quanh năm.

Thêm một lần nữa, đại diện Bộ Tài chính chủ quan trước đời sống còn nhiều khó khăn của những người thu nhập thấp và người nghèo khi vẫn lập luận rằng, nhóm đối tượng này không chịu tác động hoặc chịu tác động không đáng kể từ việc tăng thuế GTGT.

Chưa xem xét thấu đáo ý kiến của người dân và các phân tích độc lập, đại diện Bộ Tài chính và cả cố vấn từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, nhóm thu nhập thấp nhất không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không đáng kể từ đề xuất tăng thuế GTGT bởi nhóm này dành gần 59,6% thu nhập, trong khi nhóm thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% thu nhập để chi mua lương thực, thực phẩm, y tế và giáo dục – là nhóm không chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế suất rất thấp. Rõ ràng, lập luận này của Bộ Tài chính và nhiều lập luận khác nữa của vị cố vấn WB là không ổn vì có nhiều sự nhầm lẫn trong đó:

Khoảng cách thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất ở Việt Nam hiện rất lớn. Trong ảnh: Bán hàng rong ở Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh
Khoảng cách thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất ở Việt Nam hiện rất lớn. Trong ảnh: Bán hàng rong ở Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh

Thứ nhất, phải chăng đại diện Bộ Tài chính đã nhầm lẫn hoặc cố tình đánh đồng tên gọi các mặt hàng lương thực, thực phẩm, giáo dục, y tế vào nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT.

Thực tế không phải nhóm hàng hóa nào có tên gọi lương thực, thực phẩm, hay giáo dục, y tế thì đều thuộc diện không chịu thuế GTGT. Điều 5, Luật thuế GTGT quy định 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, trong đó các hàng hóa có liên quan đến nhóm lương thực, thực phẩm như các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến hoặc chỉ sơ chế đối với tổ chức/cá nhân tự sản xuất bán ra mới được miễn thuế.

Đáng tiếc là lẽ ra, Bộ Tài chính, hơn ai hết, phải hiểu rõ sự dịch chuyển gánh nặng thuế như thế nào. Với sản phẩm chưa chế biến hoặc chỉ sơ chế sau khi mua về sẽ được doanh nghiệp chế biến rồi bán ra thị trường vẫn phải chịu thuế GTGT. Đối với người nông dân, trừ những người tự sản tự tiêu - nhóm này không phải phổ biến và tỷ lệ tự sản tự tiêu không phải 100%, việc bán sản phẩm của họ chỉ mới là giai đoạn đầu để hình thành thu nhập. Thu nhập này sau đó được dùng để chi tiêu hay mua các sản phẩm đã chế biến trên thị trường và như vậy cũng phải chịu gánh thuế như mọi người. Hơn nữa, ở khâu đầu khi người nông dân bán sản phẩm thô hoặc sơ chế của mình, dù không chịu thuế, nhưng do những mắt xích sau của chuỗi sản xuất và tiêu dùng vẫn chịu thuế, nên gánh nặng thuế sẽ được dịch chuyển một cách tinh vi vào giá bán khiến cho mức giá mờ (shadow price) người nông dân nhận được khi bán cho doanh nghiệp chế biến sẽ bị giảm đi ít nhiều mà bình thường chúng ta không dễ nhìn thấy được.

Suy giảm thặng dư tiêu dùng và cả thặng dư sản xuất (ở góc độ người bán nông sản) chính là tổn thất phúc lợi đối với người dân. Luật thuế cũng miễn thuế cho nhóm sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng; dịch vụ tưới, tiêu nước; cày, bừa đất… Rõ ràng, ưu đãi này chỉ dành cho đối tượng là những hộ nông dân trực tiếp làm nông nghiệp trong khi những người làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp thì không hề liên quan, không hưởng lợi từ ưu đãi trên, nhưng nhóm này vẫn phải chịu gánh nặng thuế khi mua các sản phẩm đầu ra sau chế biến trên thị trường.

Thứ hai, việc người dân chi cho giáo dục hay chăm sóc y tế thì không phải tất cả các khoản chi đó đều thuộc đối tượng được miễn thuế GTGT.

Việc đánh đồng các khoản chi cho y tế và giáo dục đều thuộc diện miễn thuế thật khó chấp nhận. Chẳng hạn khi người dân trả lời họ chi 100 đồng cho giáo dục, thì đâu phải tất cả 100 đồng chi ra đó điều được miễn thuế. Chi phí cho giáo dục không phải chỉ có học phí, sách giáo khoa, giáo trình, mà còn rất nhiều khoản chi liên quan khác như tài liệu học tập, đồ dùng học tập, văn phòng phẩm, sách tham khảo, đồng phục, phương tiện đi lại, giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập như mô hình, hình vẽ, bảng, phấn, thước kẻ, com-pa… Hầu hết khoản chi trong số này vẫn phải chịu thuế GTGT ít nhất 5%, thậm chí 10%.

Tương tự, đối với dịch vụ y tế, tiềm khám bệnh có thể không phải là khoản chi phí y tế lớn nhưng tiền chữa bệnh, tiền thuốc, nội trú, tiền sử dụng các thủ thuật y tế,… luôn là nỗi ám ảnh của người bệnh.

Hiện nay, khoản thu từ tiền thuốc chữa bệnh nếu nằm trong gói dịch vụ chữa bệnh thì sẽ không chịu thuế GTGT, nhưng nếu thuốc bán theo đơn, không nằm trong gói dịch vụ chữa bệnh thì vẫ#n phải chịu thuế GTGT. Ngoài ra, các máy móc thiết bị chuyên dùng trong y tế như máy soi, chiếu, chụp; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai và các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng cho y tế khác vẫn chịu thuế GTGT 5% (nếu được xác nhận của Bộ Y tế) hoặc lên đến 10% (nếu không có xác nhận của Bộ Y tế).

Như vậy, người bệnh có thể không trực tiếp chịu thuế trên hóa đơn, nhưng trong giá sử dụng các dịch vụ y đã ẩn một phần gánh nặng chi phí thuế trong đó.

Việc Bộ Tài chính và nhóm cố vấn từ WB gom hết các khoản chi cho giáo dục và y tế, cả diện chịu thuế lẫn không chịu thuế vào chung một nhóm và không tính đến các khoản thuế ẩn trong giá mờ là sự nhẫm lẫn đáng tiếc.

Thứ ba, cũng theo đại diện Bộ Tài chính và cố vấn WB, 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% số thuế GTGT, trong khi 20% hộ gia đình giàu nhất trả gần 40% số thuế GTGT. Như vậy, số thuế GTGT mà nhóm người giàu nộp nhiều gấp 4,4 lần số thuế mà nhóm người nghèo nhất nộp. Căn cứ vào đây, đại diện Bộ Tài chính và cố vấn WB cho rằng, người giàu nộp thuế nhiều hơn người nghèo.

Rõ ràng, đây là sự so sánh phi thực tế khi hiện nay, chênh lệch thu nhập giữa nhóm giàu nhất so với nhóm nghèo nhất đã lên đến hơn 10 lần và đang tiếp tục được nới rộng hơn nữa. Nếu muốn so sánh con số 9% với 40% thì Bộ Tài chính và cố vấn WB cũng cần phải so sánh thêm giữa tỷ trọng trong thu nhập của số thuế GTGT chiếm 9% trong tổng thu thuế GTGT mà nhóm nghèo nhất phải nộp so với tỷ trọng trong thu nhập của số thuế GTGT chiếm 40% trong thu nhập của người giàu nhất là như thế nào.

Từ lập luận của cố vấn WB, một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế GTGT thấp, thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Xin lưu ý, 10.000 đồng đó chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều trong thu nhập của người nghèo so với tỷ trọng 40.000 đồng thuế GTGT chiếm trong thu nhập của nhóm người giàu.

Nhân đây cũng xin nhắc lại một nghiên cứu của Oxfam được công bố đầu năm 2017 về tình trạng bất bình đẳng tại Việt Nam cho thấy khoảng cách thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất ở Việt Nam hiện rất lớn. Người giàu nhất có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất Việt Nam trong 10 năm. Trong một giờ, người giàu nhất có thu nhập từ nguồn tài sản cao hơn gần 5.000 lần thu nhập của nhóm 10% nghèo nhất Việt Nam chi hàng ngày cho các nhu cầu thiết yếu. Thu nhập một năm của nhóm 210 người siêu giàu ở Việt Nam dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt nghèo cùng cực trên cả nước.

Thứ tư, việc Bộ Tài chính và nhóm cố vấn WB chỉ tập trung con số 59,6% và 39,6% thu nhập mà hai nhóm dùng chi mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm, giáo dục, y tế, trong khi lại không xem xét đến phần thu nhập còn lại tương ứng 40,4% và 60,4% mà hai nhóm này sẽ sử dụng như thế nào là một sự bỏ qua đáng tiếc.

Chúng ta không khó nhận thấy rằng, đối với nhóm thu nhập thấp, phần lớn trong 40% thu nhập còn lại của họ cũng được dùng để chi tiêu, trong khi những người thu nhập cao thường dùng tỷ phần lớn hơn để tiết kiệm. Do thu nhập của những người thu nhập thấp chưa đủ sống, nên khoản tiết kiệm của họ là không có hoặc rất ít, chủ yếu để phòng ngừa rủi ro bất trắc chứ không phải để tích lũy và làm giàu. Trong khi nhóm thu nhập cao có thể chi tiêu nhiều hơn xét về số tuyệt đối so với nhóm thu nhập thấp, nhưng khuynh hướng tiết kiệm biên của họ thường vẫn cao hơn người nghèo.

Đáng tiếc là đại diện WB lại cho rằng, các hộ gia đình giàu thường có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn. Chắc chắn vị này đã nhầm lẫn giữa tiêu dùng nhiều theo số tuyệt đối và tương đối.

Suy giảm thặng dư tiêu dùng và cả thặng dư sản xuất (ở góc độ người bán nông sản) chính là tổn thất phúc lợi đối với người dân.

Xét về số tuyệt đối thì số tiền người giàu tiêu dùng nhiều hơn người nghèo, nhưng xét về tỷ trọng thu nhập mà người giàu dùng để tiêu dùng thường thấp hơn so với tỷ trọng thu nhập dùng cho tiêu dùng của người nghèo.

Nhiều nghiên cứu ước lượng khuynh hướng tiêu dùng biên của các nhóm thu nhập từ 0,2 đến 0,6 tùy thuộc phương pháp, trong đó nhóm thu nhập thấp bình quân thường có khuynh hướng tiêu dùng biên cao hơn nhóm thu nhập cao (xem các nghiên cứu của Carrol et al. (2017), Jappelli and Pistaferri (2010, 2014), Souleles (2002), Krusell and Smith (1997, 1998), Lusardi (1996)). Chính vì vậy, hầu hết các khoản thuế tiêu dùng, trừ thuế tiêu thụ đặc biệt có thể cải thiện tính lũy tiến, trong đó có thuế GTGT lại thường có tính lũy thoái. Tăng thuế GTGT nói chung sẽ khiến cho tỷ trọng thuế GTGT mà người nghèo phải đóng trên thu nhập của mình cao hơn so với tỷ trọng thuế GTGT mà người giàu đóng trong thu nhập của họ. Nói khác đi, gánh nặng thuế mà người nghèo phải chịu lớn hơn tương đối so với người giàu. Đó chính là sự bất bình đẳng của thuế gián thu.

Thứ năm, rà soát danh mục 25 nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT theo quy định tại Điều 5, Luật thuế GTGT 2008 cho thấy, ngoài các nhóm sản phẩm liên quan đến lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục như đã phân tích trên đây, không phải đa số người dân nào cũng có giao dịch, lại càng hiếm có giao dịch chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập của họ dành cho nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện này.

Với các giao dịch như vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh thì chắc chắn, người dân không hề tham gia. Với giao dịch chuyển nhượng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê thì không phải người dân nào cũng có cơ hội. Sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác cho người tàn tật cũng không phải là phổ biến. Trong khi đó, một số nhóm sản phẩm dịch vụ không chịu thuế có lẽ chỉ dành cho người có thu nhập cao (chẳng hạn dịch vụ bảo hiểm nhân thọ, kinh doanh chứng khoán, chuyển nhượng vốn, dịch vụ tài chính phái sinh).

Đó là chưa kể, trong đề xuất của mình Bộ Tài chính còn muốn thu hẹp thêm một số nhóm đối tượng miễn thuế chẳng hạn phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; giao dịch chuyển quyền sử dụng đất... với lý do không quản lý được.

Việc đại diện Bộ Tài chính đưa ví dụ minh họa và cho rằng, số thuế 70.000 đồng/người/tháng (tương đương 840.000 đồng/năm) mà nhóm thu nhập thấp nhất phải đóng thêm, xin nhấn mạnh là đóng thêm, chứ không phải là tổng số thuế GTGT phải nộp và cho rằng, nó không đáng kể là rất khó chấp nhận được.

Đúng là con số này có thể không lớn so với thu nhập của nhóm người giàu, đặc biệt là không thấm vào đâu nếu đặt bên cạnh những con số hàng ngàn tỷ đồng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả của nhiều dự án đầu tư công. Tuy nhiên, 840.000 đồng này vẫn là mồ hôi, công sức, thậm chí là nước mắt mà nhiều người nghèo phải lam lũ, bươn chải mới có thể kiếm được.

Có một điểm chúng ta phải đồng ý với đại diện Bộ Tài chính rằng, cùng với đề xuất tăng thuế GTGT, Chính phủ cần có những giải pháp hỗ trợ về an sinh, xã hội để giảm thiểu tác động của việc tăng thuế lên nhóm có thu nhập thấp này. Tuy nhiên, cần phải sòng phẳng và tách bạch hai chuyện này, bởi không ai lấy gì đảm bảo tiền tăng thuế sẽ dùng để tăng chi phúc lợi cho người dân. Bên cạnh đó, việc lấy lý do nợ công tăng cao để phải tăng thuế là một lập luận thiếu trách nhiệm, vì nó càng khuyến khích tăng nợ công để dọn đường và biện hộ cho đề xuất tăng thuế.

Nhân đây cũng xin nói thêm rằng, từ đề xuất của nhóm tư vấn WB, người dân tin rằng, các chuyên gia này đã không sống thường xuyên ở Việt Nam và chắc chắn rằng, các vị đó không phải là người thu nhập thấp. Thiết nghĩ, để có thể tham vấn tốt cho Việt Nam, các vị cần phải hiểu sâu sắc bối cảnh Việt Nam. Bên cạnh việc trao đổi với các cơ quan nhà nước, các vị cũng cần phải trao đổi với người dân hay đại diện doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Tăng thuế VAT lên 12% là đánh vào người nghèo
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trong bối cảnh Chính phủ chủ trương kích cầu. thì đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 12% là rất mâu thuẫn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư