Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Lê Anh, sáng lập Xưởng sản xuất nước mắm Lê Gia: Lo nhất vấn đề thị trường
Hồng Phúc - 16/03/2017 08:17
 
Khi khởi nghiệp, việc tạo ra một sản phẩm tốt không khó bằng việc tiêu thụ sản phẩm đó. Đó là chia sẻ của Lê Anh, chủ Xưởng sản xuất nước nắm Lê Gia.
TIN LIÊN QUAN

“2/3 bán cầu não dành cho nước mắm”

Quê anh (Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã làm mắm từ hàng trăm năm trước. Mùi vị mắm và mùi rơm rạ là 2 mùi luôn in đậm, gắn bó với anh suốt cuộc đời. Thế nên, chính niềm tự hào về giọt nước mắm đậm đà hương vị quê hương đã thôi thúc anh phát triển nghề truyền thống này.

Ban đầu, Lê Anh phải vừa làm việc tại một công ty Hàn Quốc, vừa tập trung gây dựng cơ sở sản xuất nước mắm. Anh cho biết, mọi thứ lúc nào cũng căng như dây đàn. Vừa phải đảm bảo công việc ở công ty, vừa phải dốc sức xây dựng thương hiệu Lê Gia.

Lê Anh và vợ trong buổi giới thiệu sản phẩm nước mắm Lê Gia.
Lê Anh và vợ trong buổi giới thiệu sản phẩm nước mắm Lê Gia.

Bản thân không tham vấn ai khi quyết định làm nước mắm. Anh chỉ gọi điện cho bố hỏi mượn mảnh đất làm nhà xưởng. Mẹ anh tưởng chỉ là nói đùa, còn bố thì phản đối dữ dội.

“Tôi không thuyết phục được bố. Tôi biết, ông cụ lo cho mình và cho rằng, từ bỏ một công việc với thu nhập tính bằng đô-la để về làm cái việc nặng nhọc hôi hám là quyết định điên khùng. Bố mẹ nào chẳng lo cho con”, Lê Anh chia sẻ.

Quyết là làm. Ngày đầu tiên, mua gạch, xi măng về xây nhà xưởng, chỉ mỗi mình anh làm. Bố thì vẫn phản đối ra mặt. Anh vẫn nhớ giọt nước mắt của mẹ khi thấy hai bố con ở hai “chiến tuyến”. “Con nhất định làm, trong khi bố nhất định cản”, Lê Anh nói.

Đến khi đất không chịu trời thì trời chịu đất. Thấy con mình quyết tâm, không cản được, ông quay sang… ủng hộ, giúp anh xây dựng nhà xưởng, chăm lo sản xuất và giữ tâm lý dè dặt. Chỉ khi làm ra sản phẩm, được mọi người khen ngợi thì ông mới gỡ bỏ tâm lý.

“Một trong những nỗi cô đơn của start-up không chỉ là chiến đấu với bên ngoài, mà còn phải thuyết phục và tạo sự đồng lòng ở nội bộ”, Lê Anh chia sẻ.

Nói về chuyện manh nha khởi nghiệp, Lê Anh cho biết, việc đầu tiên anh làm sau khi có quyết định sản xuất nước mắm là tham vấn chuyên gia và chọn hướng đi. Lê Anh tìm đến TS. Trần Thị Dung, chuyên gia hàng đầu về mắm để nhờ tư vấn, tư vấn kiến thức và quy trình để cho ra sản phẩm mắm đậm đà truyền thống và hạn chế những điểm bất lợi của sản phẩm do đặc tính vùng miền như khí hậu khiến nước mắm nặng mùi, gắt dù nguyên chất.

Sau đó, anh lang thang khắp làng nghề làm mắm, để tìm hướng đi và chọn phương pháp ủ cá cơm và muối tinh trong thùng gỗ (giống với quy trình của nước mắm Phú Quốc). Cách làm này phải đầu tư nhiều tiền bạc do làm thùng gỗ rất khó và rất đắt, cá cơm - loại cá cho nước mắm ngon nhất thì giá cao, thời gian lâu mới cho ra sản phẩm (ít nhất 1 năm rưỡi với miền Bắc), số lượng nước mắm làm ra ít hơn so với phương pháp đánh khuấy – thường cho thêm nước, nhưng bù lại, nước mắm có chất lượng tốt hơn.

Nguyên liệu là cái quyết định chất lượng sản phẩm. Anh dành thời gian đi khắp các cảng cá khu vực Bắc và Trung Bộ để hỏi cách thức đánh bắt và chọn nguồn nguyên liệu. Lê Anh quyết định chỉ làm mắm từ cá cơm - loại cá tuy đắt, nhưng cho ra nước mắm ngon nhất. Muối anh lấy từ Bà Rịa, Ninh Thuận - nơi làm ra hạt muối tinh khiết, hạt to, cho ra nước mắm ổn nhất.

Rồi anh vừa đi vay tiền, vừa tìm thợ đóng thùng, xây nhà xưởng.

“Trong 2 năm đầu, 2/3 bán cầu não của tôi dành cho nước mắm. Có buổi chiều đi làm về tôi liền đi vào nhà tắm và… đánh răng. Sau đó mới phát hiện ra mình chưa ăn tối. Khi ấy, Lê Gia như đứa trẻ sơ sinh đang bú sữa bình. Còn lo lắm”, Lê Anh cho biết.

Khởi nghiệp, lo nhất là vấn đề thị trường

Rủi ro lớn nhất đối với sản phẩm nước mắm Lê Gia là thị trường người tiêu dùng. Sản phẩm mới, lại thuộc phân khúc giá tầm trung - cao cấp, nên việc tiếp cận khách hàng khá nan giải. Ban đầu, rất khó để thuyết phục khách hàng thử, chứ chưa nói đến việc mua sản phẩm mới.

Rủi ro thứ hai là nguồn nguyên liệu cá cơm ngày càng cạn kiệt, do ngư trường thu hẹp, đánh bắt tận diệt, khiến cho những loại cá ngon như cá cơm ngày càng khan hiếm. Trong khi đó, cá cơm về cảng, ngư dân ưu tiên bán cho các cơ sở hấp cá khô bán, khiến những người làm mắm muốn mua cá ngon, cá tươi thì phải mua giá cao hơn, nên ảnh hưởng đến chi phí và giá thành sản phẩm.

Anh cho biết, nước mắm của Lê Gia chỉ làm từ cá cơm và muối, không dùng chất bảo quản.

“Cái được lớn nhất của Lê Gia là sản phẩm được khách hàng đón nhận. Đến nay, tỷ lệ dùng thử và tin dùng đạt trên 80%. Đặc biệt, sản phẩm nước mắm Cho bé được hệ thống cửa hàng mẹ và bé (Bibomart, Shoptretho) bán với doanh số tốt. Nghe các mẹ nói, muốn chọn nước mắm ngon và an toàn cho con trẻ thì nên dùng sản phẩm Lê Gia. Đó là niềm an ủi rất lớn”, Lê Anh nói.n

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hợp tác thực hiện chuyên mục này

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư