Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Lê Lan Anh, COO MimosaTEK: Tham vọng về một nền "nông nghiệp thông tin"
Thu Phương - 12/07/2018 09:18
 
Hình thành một nền nông nghiệp thông tin cho hộ nông dân và doanh nghiệp là mục tiêu và động lực để Lê Lan Anh, Giám đốc vận hành (COO) Công ty MimosaTEK và đội ngũ đang phấn đấu từng ngày.
TIN LIÊN QUAN

Xác định rõ đối tượng khách hàng

MimosaTEK là công ty cung cấp giải pháp nông nghiệp thông minh được thành lập tháng 10/2014. Trong gần 4 năm, cố gắng từng bước nhỏ trên con đường khởi nghiệp, đội ngũ nhân viên Công ty đã gặt hái được nhiều thành công. Trong đó, phải kể đến các giải thưởng như quán quân cuộc thi Venture Cup 2015, quán quân cuộc thi Seedstars World Việt Nam 2016.

.
Lê Lan Anh, COO MimosaTEK

Ngoài những giải thưởng trong nước, MimosaTEK còn đạt được những giải thưởng ở khu vực và quốc tế như: là một trong 7 start-up nông nghiệp nổi bật châu Á, giải thưởng một trong 80 Ag Tech start-up sẽ thay đổi tương lai nông nghiệp thế giới, tổ chức Việt Nam đầu tiên chiến thắng giải thưởng “Securing Water For Food” 2017 (Bảo tồn nguồn nước cho thực phẩm) do Tổ chức Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Hợp tác và Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA), Chính phủ Nam Phi (DST) và Bộ Ngoại giao Vương quốc Hà Lan (MFA-NL) tài trợ.

Để đạt được những thành công trên, theo Lê Lan Anh, Công ty đã xác định rõ đối tượng khách hàng và mỗi nhóm khách hàng MimosaTEK lại có những giải pháp phù hợp.

Hiện nay, Công ty chia làm hai nhóm khách hàng, thứ nhất là các nông hộ nhỏ tự vận hành, thứ hai là các công ty doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Hai đối tượng này phù hợp với mục tiêu từ khi thành lập đến nay của MimosaTEK là đem đến công nghệ để giúp chuyển đổi nền nông nghiệp Việt Nam từ thuần nông sang nền nông nghiệp trên cơ sở thông tin hiện đại.

Giám đốc vận hành MimosaTEK cho rằng, ở Việt Nam, 70% sản lượng nông sản là do hộ nông dân sản xuất ra, bởi vậy, đội ngũ MimosaTEK muốn mang đến lợi ích cho nhóm đối tượng này. Điều này mang ý nghĩa về xã hội và cả ý nghĩa về kinh tế. Nhưng khi triển khai trên thực tế thì đối tượng sẵn sàng tiếp nhận lại là các doanh nghiệp nông nghiệp, bởi họ thực sự có nhu cầu  bức thiết về các giải pháp ứng dụng nông nghiệp trong hoạt động sản xuất mà họ đang triển khai.

“Với mỗi nhóm khách hàng, Công ty đều có những giải pháp phù hợp. Nhóm đối tượng khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu và sẵn sàng bỏ ra chi phí, bởi vậy, MimosaTEK có thể đưa ra nhiều công nghệ tính năng cao hơn, với chi phí lớn hơn dành cho đối tượng khách hàng này”, Lê Lan Anh chia sẻ.

Với chính sách phù hợp và công nghệ ưu việt, hiện MimosaTEK đã triển khai hơn 100 mô hình cho nông hộ và các doanh nghiệp, diện tích triển khai hơn 200 ha. Trong đó có những cái tên nổi bật như VinEco của Tập đoàn Vingroup, một số doanh nghiệp khác như Hải Vinh, Công ty Mía đường Tây Ninh, Công ty Nông Phát TP.HCM…

Thực hành nông nghiệp dựa trên nguồn thông tin chính xác

Trước đây, MimosaTEK tập trung vào mảng công nghệ hỗ trợ cho trồng trọt, bài toán đầu tiên mà Công ty giải quyết là vấn đề về tưới tiêu. Đến thời điểm này, Công ty chuyển sang vấn đề mới là tối ưu hoá về dưỡng chất cho cây trồng.

Lê Lan Anh cho biết, về kỹ thuật, hiện các nông hộ vẫn dùng phân bón theo kinh nghiệm cá nhân, nhưng với MimosaTEK, quản lý dưỡng chất đó vào trong hệ thống để đem lại tính hiệu quả cao. Mục tiêu của Công ty từ quản lý tưới chính xác đến quản lý dưỡng chất thông minh đều mong muốn giúp cho người nông dân và doanh nghiệp tăng được lợi nhuận.

“Tôi muốn thực hành nông nghiệp dựa trên nguồn thông tin chính xác. Bởi vậy, MimosaTEK kết hợp IoT là công cụ để cảm biến. Hệ thống hỗ trợ nông dân đưa ra quyết định. Nông dân có thể dựa vào cả kinh nghiệm bản thân và sự hỗ trợ này để đưa ra quyết định chính xác nhất”, CEO vận hành MimosaTEK bày tỏ.

Chứng minh thông tin sẽ giúp sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, Lê Lan Anh đưa ra trường hợp của một khách hàng ở Đà Lạt đang sử dụng giải pháp của Công ty. Đây là một khách hàng trồng cây ớt chuông. Lúc trước nông hộ này ngày nào cũng tưới cây, nhưng sau khi sử dụng cảm biến độ ẩm đất của MimosaTEK thì nông hộ này đã biết được phần trăm độ ẩm đất, từ đó điều chỉnh quy trình tưới. Cây ớt được tưới đúng lượng nước phù hợp, phát triển tốt hơn, tỷ lệ cây bị chết do úng thấp hẳn, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho hộ nông dân này.

“Chúng tôi rất vui khi đã trợ giúp thông tin để người nông dân thay đổi quyết định của mình. Việc thay đổi đó dựa trên cơ sở khoa học, kết quả vừa có thể tiết kiệm được nguồn tài nguyên vừa tăng năng suất cây trồng”, Lê Lan Anh chia sẻ.

Chát với Lê Lan Anh:

Để phát triển một giải pháp công nghệ hiện đại “Made in Việt Nam”, đội ngũ MimosaTEK có nhờ đến sự giúp đỡ của cố vấn không?

Giải pháp về công nghệ của Công ty là do chúng tôi tự thiết kế và phát triển. Song, để hiểu về nông nghiệp và có thể đưa ra các quyết định đúng đắn, MimosaTEK được sự giúp đỡ của chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Bá Hùng, ông đã hướng dẫn và cho nhân viên Công ty thí nghiệm trên trang trại ở Đà Lạt.

Dự định tương lai của Mimosa TEK là gì?

Trong vài năm tới, ở cả hai đối tượng nông hộ và doanh nghiệp nông nghiệp, Mimosa TEK sẽ phát triển lan rộng hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Hiện giải pháp mới triển khai ở 10 tỉnh, thành phố. Dự định xa hơn, chúng tôi sẽ có mặt không chỉ ở thị trường trong nước, mà có thể ra các nước trong khu vực.

Lan Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn khởi nghiệp đi sau?

Đối với tôi, quan trọng nhất là phải xây dựng được đội ngũ nhân sự nòng cốt, nhất là đối với một công ty khởi nghiệp thì vấn đề nhân sự càng phải được ưu tiên. Đội ngũ này phải đoàn kết, có năng lực, có niềm đam mê và trách nhiệm với công việc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư