Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Lê Mai Tùng, sáng lập ShareCar.vn: Đừng quên thị trường trước khi khởi nghiệp
Hồng Phúc - 09/02/2017 09:12
 
Có hai bài học mà chàng tiến sĩ ngành khoa học máy tính Lê Mai Tùng (33 tuổi) nhận ra khi khởi nghiệp: đó là không tham gia thị trường có quá nhiều sự cạnh tranh và sản phẩm có tốt đến đâu đi chăng nữa, nhưng không có một kế hoạch bán hàng hiệu quả thì mọi thứ vẫn nằm trong ngăn tủ.

Vừa “khai” vừa “phá”

Từ ngày sang Australia học tiến sĩ, Lê Mai Tùng đã dặn bản thân phải giải được bài toán kẹt xe ở Việt Nam và xem đây là “món nợ” để trở về quê nhà. Sau khi hoàn thành chương trình học ở Đại học New South Wales, một trong 50 trường tốt nhất thế giới về ngành khoa học máy tính, Mai Tùng đã có hơn 3 năm làm việc tại đất nước này và vị trí cuối cùng anh làm là quản lý Dự án TripGo có hơn 1 triệu download.

Năm 2015, Tùng trở về TP.HCM khởi nghiệp với phiên bản đầu tiên của PinBike là mô hình đi chung như BlaBlaCar tại châu Âu. Chàng tiến sĩ trẻ tự nhận mình “ngây thơ” khi mải mê với sứ mệnh kết nối những người có nhu cầu đi xe chung để giảm bớt tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường…, nhưng lại quên mất một điều căn bản là xác định thị trường.

Lê Mai Tùng (đứng chính giữa) và các cộng sự.
Lê Mai Tùng (đứng chính giữa) và các cộng sự.

Thống kê cuối năm 2015 cho thấy, PinBike có 2.000 lượt truy cập, nhận được 200 yêu cầu đặt đi chung, nhưng chỉ có 2 cặp kết nối thành công. Vì thế, Mai Tùng phải cải tiến cho ra phiên bản thứ hai hoạt động tương tự “xe ôm công nghệ” của Grabbike với đội ngũ tài xế là sinh viên. Thế nhưng, tình hình không mấy khả quan do chưa có kế hoạch quảng cáo về dịch vụ hiệu quả.

Mai Tùng thấm thía, dù sản phẩm có tốt đến đâu, nhưng không có kế hoạch bán hàng hiệu quả thì mọi thứ vẫn nằm trong ngăn tủ. Nghĩa là, sản phẩm mà không có khách hàng thì mọi thứ cũng không có ý nghĩa gì cả. Cuối tháng 6/2016, Mai Tùng đóng PinBike.

Kinh nghiệm, kiến thức với hơn một năm khởi nghiệp ở Việt Nam hơn hẳn 3 năm làm việc tại Australia. “Chúng tôi nhận ra, phải xây cái có thể bán, chứ không phải cái mình có thể xây. Tôi đã có phần quá đam mê và tự tin với kiến thức của mình mà quên đi nhu cầu của thị trường”, Tùng thừa nhận.

Tiêu tốn khoảng 30.000 USD cho PinBike, nhưng đổi lại, Mai Tùng nhận lại được nhiều bài học quý, đó là để có ngọn lửa lớn phải bắt nguồn từ những đốm lửa nhỏ. Mai Tùng cùng người đồng sáng lập PinBike là Lương Đức Duy, người mà Tùng miêu tả là có con mắt thiết kế rất nghệ thuật tiếp tục bướng bỉnh khởi nghiệp với ShareCar, ShareCarForAds và sau này là ShareCarForWork. 

Bướng bỉnh với ý tưởng “Share”

Ý tưởng xây dựng ShareCar tương tự PinBike, đó là kết nối những người có cùng lộ trình và thời gian đi chung để tiết kiệm chi phí dựa trên nền tảng công nghệ. Nhưng ShareCar tạm thời chỉ tập trung vào các tuyến cố định như từ sân bay Tân Sơn Nhất đến TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương); từ Biên Hòa (Đồng Nai) đến Bệnh viện Đại học Y dược cơ sở 1 (quận 5, TP.HCM)… Các khách hàng đều được đưa, đón bằng các dòng xe Toyota, Honda, Chevrolet… từ 4 đến 7 chỗ.

Rút kinh nghiệm từ sự thất bại trước đó, Mai Tùng cùng các cộng sự xuất phát từ việc khảo sát nhu cầu thị trường. Họ cũng làm một phép thử thị trường bằng cách tạo một fanpage có tên là ShareCar với vài bài viết giới thiệu về dịch vụ. Ấy vậy, vẫn có người vào hỏi đặt xe, tuần đầu tiên có 2 chuyến. Sau đó, Tùng đăng tải thêm nhiều bài viết về dịch vụ và dùng một ít tiền để chi cho quảng cáo trên Facebook thì số chuyến ghép đôi tăng lên 10. Đến khi đạt 60 chuyến/tuần thì cả nhóm mới quyết định chính thức cho ra đời ShareCar vào tháng 8/2016.

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Lê Mai Tùng

ShareCar đang phải đi từng bước nhỏ và phải mất một khoảng thời gian đủ dài để người Việt quen dần với dịch vụ. Trong quá trình đi từng bước nhỏ và có thể chậm chạp ấy, anh có lo ngại những đơn vị lớn lắm của, nhiều tiền nhảy vào làm?

Việc chia sẻ xe hơi cho những người có cùng lộ trình và thời gian di chuyển là điều mà những “người khổng lồ” như Uber đã nhận ra và có ý định thực hiện. Thế nhưng, ShareCar vẫn có thị trường ngách riêng, đó là phục vụ phân khúc khách hàng đi trên 30 km và dưới 200 km.

Sống, học tập và làm việc ở Australia gần 8 năm và quãng thời gian khởi nghiệp ở Việt Nam, Mai Tùng học được những gì?

Không phải nước ngoài có gì thì mình có thể áp dụng với Việt Nam. Mọi thứ cần được địa phương hóa để phù hợp mà bài học từ PinBike là ví dụ. Hồi làm việc ở Australia, tôi quản lý 20 người, nhưng đó là đội ngũ thuần kỹ thuật, nên kinh nghiệm thị trường không bằng hơn một năm “bơi” ở Việt Nam.

“Khách hàng tìm đến ShareCar không chỉ nhờ từ marketing ở Facebook, mà còn qua kênh truyền miệng hay đặt lại từ khách cũ. Lợi nhuận của ShareCar dù chưa nhiều, nhưng là ‘tiền tươi thóc thật’, đủ để trả lương cho marketing và dịch vụ khách hàng”, Tùng chia sẻ.

Tận dụng lợi thế sẵn có, Mai Tùng còn cho ra đời dịch vụ quảng cáo trên xe ShareCarForAds với 3 điểm nhấn: không chỉ dán ở cửa, mà còn lên cả kính xe khiến nội dung quảng cáo dễ nhận diện, có thể kiểm tra được vị trí của chiếc xe bằng việc lắp đặt GPS, doanh nghiệp chỉ trả tiền quảng cáo cho những xe di chuyển.

Theo Tùng, nếu dán decal quảng cáo trên taxi hoặc xe bus, hình ảnh thương hiệu của một đơn vị sẽ  phải chia sẻ sự chú ý với các thương hiệu của hãng taxi, bus, còn với ShareCarForAds, chiếc xe nhìn chẳng khác gì những chiếc xe do chính doanh nghiệp sở hữu. “Chúng tôi sắp cho ra đời thiết bị nhận biết có bao nhiêu chiếc điện thoại xung quanh chiếc xe được dán quảng cáo vào tháng 4 này”, Mai Tùng nói.

Khách hàng đầu tiên của ShareCarForAds là hoayeuthuong.com với 10 chiếc xe trong vòng 6 tháng. Đến nay, start-up này đã có thêm một số đối tác như Zita.vn, Reetech… Được biết, với doanh thu từ một khách hàng lớn, ShareCarForAds đã có thể sống tốt từ 5 đến 6 tháng tiếp theo.

Sắp tới, Tùng cùng cộng sự còn cho ra mắt dịch vụ ShareCarForWork để đưa đón người đi làm hàng ngày với giá chỉ 6.000 đồng/km. Phí sẽ được trả trước ít nhất 2 tuần và trừ dần vào số chuyến thực đi. Ngày nào khách hàng không đi thì sẽ không bị trừ tiền nếu báo trước cho bộ phận

chăm sóc khách hàng. “ShareCarForWork giúp tôi sớm hiện thực được việc cho ra đời mô hình chia sẻ xe đúng như tầm nhìn khi về Việt Nam”, Tùng hồ hởi.

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam  hợp tác thực hiện chuyên mục này!

Doanh nghiệp nhỏ và vừa “thèm” được hỗ trợ để khởi nghiệp
Không chỉ thiếu tiền, kỹ năng…, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam còn rất thèm được hỗ trợ về vốn, thuê đất, thuế… để hiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư