Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Liên kết xúc tiến đầu tư nông nghiệp Vùng ÐBSCL
Trần Hữu Hiệp - 05/11/2014 11:06
 
Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long 2014 (MDEC - Sóc Trăng 2014), ngày mai (6/11) sẽ diễn ra Hội nghị Xúc tiến thương mại - đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là điểm nhấn của MDEC - Sóc Trăng 2014 với chủ đề “Tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới Vùng ĐBSCL”.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Nhật Bản muốn hợp tác phát triển nông nghiệp tại ĐBSCL
MDEC đóng góp thiết thực cho phát triển ĐBSCL
Kéo vốn tư nhân Hàn Quốc vào nông nghiệp Việt Nam
Nông nghiệp kết duyên CNTT: Hái ra tiền hơn sản xuất smartphone!
Doanh nghiệp nông nghiệp cần gì?
Đại gia Việt bàn chuyện làm nông nghiệp

“Vùng trũng” và tín hiệu mới

   
 

Nông nghiệp không phải là một ngành “dễ ăn”, không thể kiếm tiền được từ lĩnh vực này nếu làm ăn không chuyên nghiệp và nghiêm túc

Số liệu thống kê cho thấy, trong khi cả nước hiện có khoảng 16.000 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 235 tỷ USD, thì lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ có hơn 500 dự án, với tổng vốn đăng ký 3,36 tỷ USD.

Tính đến cuối tháng 9/2014, ĐBSCL có 903 dự án FDI được cấp phép còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 11,8 tỷ USD, chiếm gần 5,3% về số dự án và 4,9% về vốn đăng ký, đứng thứ 4/7 vùng của cả nước. Trong đó, số dự án cũng như số vốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL rất khiêm tốn so với tiềm năng.

Trong bối cảnh đó, một tín hiệu đáng mừng là, gần đây, có rất nhiều đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc… tới tham quan, khảo sát tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ở Vùng ĐBSCL. Đặc biệt, đầu tháng 10/2014, các doanh nhân Nhật Bản đã có chuyến nghiên cứu và làm việc với tỉnh Đồng Tháp, khẳng định quyết tâm chọn ĐBSCL là điểm đến đầu tư sắp tới.

Là tỉnh có sản lượng lúa đứng thứ 3 cả nước, Đồng Tháp đang có kế hoạch hình thành khoảng 10.000 ha chuyên canh lúa theo mô hình cánh đồng lớn, dọn đường cho vốn ngoại từ Hàn Quốc vào đồng lúa địa phương. Các chuyên gia nhận định, đang có làn sóng đầu tư từ Nhật Bản và sự quan tâm của các quốc gia và vùng lãnh thổ, như  Hàn Quốc, Đài Loan đối với ĐBSCL.

Làm gì để “thoát chỗ trũng”, đón sóng đầu tư nông nghiệp?

Nông nghiệp đang là “vùng trũng” đầu tư nước ngoài. Song, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sắp tới, lĩnh vực này không chỉ đóng vai trò là “chiếc phao cứu sinh cho nền kinh tế” như trong thời điểm khó khăn vừa qua, mà còn rất nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, cần tháo gỡ các nút thắt thể chế, kết nối cung cầu, đẩy nhanh hơn nữa tiến bộ khoa học - công nghệ và các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp.

Việc các đại gia ngân hàng, bất động sản trong nước đổ cả tỷ USD cho các dự án nông nghiệp, chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực này bằng các dự án nghiêm túc là tín hiệu đáng mừng cho bước “lột xác” đầu tư. Sự kiện 1.724 nông dân miền Tây đã mua hơn 1,8 triệu cổ phiếu, với số tiền hơn 56 tỷ đồng của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, đang mở ra kỳ vọng về hướng đi mới của ngành nông nghiệp, hiện thực hóa ước mơ “doanh nhân hóa nông dân”.Trong bối cảnh đó, ĐBSCL đã và sẽ chuẩn bị gì?

Các tỉnh ĐBSCL giới thiệu hơn 100 dự án kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, để việc thu hút đầu tư nước ngoài vào ĐBSCL có hiệu quả, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương không chỉ cần thay đổi cách làm mới, năng động, cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, mà cần phải liên kết vùng và chủ động, tích cực chuẩn bị là yêu cầu quan trọng.

Nông nghiệp không phải là một ngành “dễ ăn”, không thể kiếm tiền được từ lĩnh vực này nếu làm ăn không chuyên nghiệp và nghiêm túc. Việc thu hút vốn ngoại nhiều hơn vào nông nghiệp, cần được tiến hành đồng thời với việc thúc đẩy phát triển sáng tạo, đầu tư dài hạn. Cần liên kết đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề, lao động nông nghiệp có trình độ chuyên môn cao, phù hợp với yêu cầu làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài. Các đối tác trong nước - doanh nghiệp ở ĐBSCL cũng cần nâng cao năng lực để hợp tác dài hạn với doanh nghiệp ngoại.

Tư duy về lợi thế của ĐBSCL cần được thể hiện trong một chiến lược quốc gia, vùng miền để tạo sức cạnh tranh hơn là quanh quẩn trong địa giới hành chính tỉnh, ranh giới huyện như vừa qua. Nông sản có được phát huy lợi thế cạnh tranh hay không bằng chính tư duy, tầm nhìn và cách làm. Hy vọng rằng, sau hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại này là hành động liên kết, hợp tác thực sự giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư