Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Liên minh VBF lo ngại nhập siêu ngày càng lớn với thị trường có FTA
Hà Nguyễn - 04/07/2018 09:34
 
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) sáng nay, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ lo ngại khi nhập siêu với các thị trường có ký FTA ngày càng lớn, chứng tỏ Việt Nam chưa tận dụng được FTA.

Đánh giá các nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt liên quan tới xuất nhập khẩu và đầu tư, góp phần giúp doanh nghiệp giữ vững và gia tăng xuất khẩu trong bối cảnh quốc tế phức tạp, cũng như trong ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), song phát biểu tại VBF giữa kỳ, ông Vũ Tiến Lộc, đại diện Liên minh VBF cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan ngại.

Một trong những điểm quan trọng, đó là mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhưng trên thực tế không phải tất cả các bộ ngành, các địa phương đều có hành động cụ thể và thực chất.

.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại VBF giữa kỳ 2018

Ví dụ được ông Lộc đưa ra, đó là sau 4 năm đưa vào thực hiện, cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế nền tảng để hiện đại hóa và cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu, mới chỉ triển khai được 47/245 thủ tục (chiếm 19% tổng số thủ tục xuất nhập khẩu). Trong số 47 thủ tục đã được thực hiện, không ít trường hợp chưa điện tử hóa đồng bộ, thậm chí còn gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.

“Về cải cách trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vũng vậy, kết quả sau 3 năm thực hiện chưa được như kỳ vọng. Số mặt hàng được loại khỏi diện kiểm tra chuyên ngành chỉ chiếm chưa đầy 6%”, ông Lộc nói và tiếp tục bày tỏ quan ngại về việc mặc dù Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ ngành phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh, nhưng cho đến thời điểm này, mới chỉ có Bộ Công thương đã soạn thảo và trình Chính phủ Nghị định theo yêu cầu.

Ngoài ra còn 4 bộ khác là Nông nghiệp, Xây dựng, Tài chính, Y tế đã soạn thảo nghị định, gửi VCCI lấy ý kiến doanh nghiệp. “Còn lại các bộ khác đang làm gì, làm tới giai đoạn nào, giải pháp cắt giảm có phù hợp không thì doanh nghiệp không được biết, cũng không được tham gia ý kiến”, ông Lộc than thở.

Trước thực tế này, theo ông Lộc, cộng đồng doanh nghiệp trong và nước ngoài đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện triệt để các mục tiêu cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong đó, cần tiếp tục các chỉ đạo cương quyết thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là về thủ tục xuất nhập khẩu, cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đồng thời, tăng cường các hành động thực thi các nghĩa vụ về tạo thuận lợi thương mại trong Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO.

Bên cạnh đó, tận dụng tối đa cơ hội từ việc rà soát chuẩn bị phê chuẩn và thực thi CPTPP để tạo ra đột phá trong cải cách toàn diện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế theo các chuẩn mực mới.

Giải pháp tiếp theo, theo ông Lộc, đó là cần tăng cường các nỗ lực mở các con đường ưu tiên cho doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các FTA. “Tận dụng triệt để các lợi thế xuất khẩu từ các FTA là một trong những giải pháp để xuất khẩu Việt Nam tìm được con đường riêng, ổn định trong bối cảnh thương mại thế giới diễn biến phức tạp”, ông Lộc khẳng định.

Chính vì vậy, đề xuất từ Liên minh VBF là Chính phủ tiến hành các thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP (tốt nhất là vào kỳ họp Quốc Hội cuối năm nay) để hiệp định này sớm có hiệu lực với Việt Nam và triển khai ngay công tác chuẩn bị thực hiện các cam kết trong Hiệp định.

Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU càng sớm càng tốt, đồng thời cố gắng cùng với các đối tác hoàn tất rà soát pháp lý đối với Hiệp định bảo hộ đầu tư để tiến tới ký kết, phê chuẩn.

Và không kém phần quan trọng, là thúc đẩy thực thi có hiệu quả các FTA khác. “Các hiệp định thương mại tự do đang mở ra cơ hội tốt cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Nhưng xu hướng nhập siêu đang ngày càng gia tăng với các thị trường chúng ta đang có FTA cho thấy Việt Nam đã chưa tận dụng tốt các cơ hội mở ra từ các FTA như các đối tác thương mại của mình”, ông Lộc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lộc, điều này đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực hơn để hướng dẫn, hỗ trợ và tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp. Trước hết, phải rà soát và loại bỏ ngay các bất cập trong thực tiễn đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi mở ra từ các FTA, đặc biệt là phải cải cách nhanh hơn các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu như đã đề cập ở phần trên.

“Đó là yêu cầu rất cấp bách”, ông Lộc kết thúc bài phát biểu của mình tại VBF như vậy.

Khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: “Tối hậu thư” cải cách
Một lần nữa, “tối hậu thư” cải cách đã được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư