Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Lộ diện ông vua lợi nhuận trên sàn chứng khoán năm qua
Nguyễn Khánh (Dân trí) - 17/02/2018 15:53
 
Năm 2017 kết thúc với lượng doanh nghiệp niêm yết báo lãi tăng lên đột biến. Trong top 10 doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận lớn nhất năm 2017 thì có đến 5 doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế trên 5.000 tỷ đồng.
Năm 2017,
Năm 2017, "bảng xếp hạng" những doanh nghiệp kiếm lãi nghìn tỷ cũng xuất hiện thêm nhiều cái tên mới.

Không ngạc nhiên khi Vinamilk tiếp tục là doanh nghiệp đầu tàu. Năm 2017, doanh nghiệp sữa Việt này đã vượt mốc 10.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng gần 10% so với năm trước.

Được biết, doanh thu năm nay của Vinamilk tại thị trường trong nước tăng trưởng trên 13%. Công ty cũng đã thực hiện chiến lược tập trung vào các nhóm hàng có giá trị tăng cao hơn, hiệu quả hơn. Năm 2017, Vinamilk cũng ghi nhận thêm 430 tỷ đồng lãi từ việc sáp nhập Công ty TNHH MTV Sữa Lam Sơn.

Năm 2017 cũng là một năm thành công với cổ phiếu VNM. Việc Bộ Công thương tiếp tục thoái vốn khỏi VNM thu hút các đại gia ngoại đã góp phần làm "nóng" giá trị cổ phiếu này, đẩy thị giá cổ phiếu VNM vượt mốc 200.000 đồng/cp.

Cùng với VNM, cả Hòa Phát (HPG) và Sabeco (SAB) cũng đạt mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay trong lịch sử doanh nghiệp.

Lợi nhuận sau thuế năm 2017 của Hòa Phát đạt 8.000 tỷ đồng, vượt 33% so với kế hoạch và tăng 21% so với năm 2016. Đây cũng là năm HPG xác lập kỷ lục kinh doanh cao nhất từ trước đến nay với 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 25% so với năm 2016. Trong tổng sản lượng trên, thép xây dựng chiếm 2,2 triệu tấn, ống thép đóng góp 600.000 tấn và còn lại là tôn mạ kẽm.

Sabeco có một năm rực rỡ với thương vụ thoái vốn khủng của nhà nước khi tỷ phú Thái Lan Thai Bev chấp nhận bỏ ra mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu để mua 343,64 triệu cổ phiếu SAB. Cổ phiếu SAB trên sàn chứng khoán cũng đã chạm tới mức đỉnh 340.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 11/2017. Tính cả năm vừa qua, Sabeco lãi sau thuế 5.137 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước và vượt kế hoạch hơn 9%.

Đạt kế hoạch lợi nhuận ngoạn mục năm 2017 không thể không nhắc đến PV GAS khi ĐHĐCĐ thường niên 2017, ban lãnh đạo vẫn đang khá dè dặt với tình hình kinh doanh sau khi "nếm mùi" sụt giảm doanh thu lợi nhuận 2015 và 2016 bởi diễn biến xấu của giá dầu thế giới.

Tuy nhiên, năm 2017 lại quá thành công với PV GAS khi lợi nhuận sau thuế đạt hơn 9.843 tỷ đồng, tăng trưởng 37%. Giá dầu bật tăng trong năm đã giúp GAS hoàn thành 187% kế hoạch lợi nhuận năm đề ra.

Kế hoạch kinh doanh của PV GAS được lập dựa trên phương án giá dầu 50USD/thùng, trước tình hình những ngày cuối năm 2017 giá dầu tăng, PV Gas đã quyết định thông qua điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2017 đối với công ty mẹ với chỉ tiêu tổng doanh thu điều chỉnh tăng từ 47.842 tỷ đồng lên 52.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế điều chỉnh tăng từ 5.152 tỷ đồng lên 6.100 tỷ đồng.

Đại diện cho lĩnh vực bất động sản là Vingroup cũng đã có 1 năm tăng trưởng lợi nhuận tới 55%, đạt 5.440 tỷ đồng để lọt vào top 5 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất thị trường, trong đó riêng quý IV đã đóng góp tới 2.675 tỷ đồng lợi nhuận.

Top 10 còn có sự hiện diện của các "ông lớn" đầu ngành khác như Vietjet Air, ACV, Petrolimex, Masan và FPT. Trong đó có 2 doanh nghiệp đến từ ngành hàng không. Cụ thể, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lãi sau thuế trên 4.200 tỷ đồng năm 2017; còn Hãng hàng không Vietjet (VJC) lãi sau thuế cả năm trên 4.500 tỷ đồng.

Nằm trong danh sách những doanh nghiệp siêu lợi nhuận không thể không nhắc tới Petrolimex. Đáng lưu ý, mặc dù năm 2017 doanh thu tăng "ông lớn" xăng dầu tăng mạnh song do vốn bán hàng tăng, lãi từ các công ty liên doanh liên kết giảm… lợi nhuận sau thuế đạt 3.984 tỷ đồng, giảm 1.164 tỷ đồng so với năm 2016. Tuy nhiên với mức lãi lớn này, Petrolimex vẫn giữ được vị trí doanh nghiệp có khoản lợi nhuận sau thuế cao ngất ngưởng năm 2017.

Một "đại gia" ngành công nghệ đó là FPT đã công bố số lãi sau thuế năm 2017 đạt 3.522 tỷ đồng, tăng 36,7% so với năm 2016, trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ 2.927 tỷ đồng.

Năm 2017, "bảng xếp hạng" những doanh nghiệp kiếm lãi nghìn tỷ cũng xuất hiện thêm nhiều cái tên mới. Chẳng hạn như Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) với số lãi sau thuế 1.161 tỷ đồng, tăng trưởng 22,8% so với năm 2016. Đây cũng là công ty chứng khoán duy nhất "lọt" top doanh nghiệp có lãi trên nghìn tỷ năm 2017.

Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp có doanh thu tăng mạnh tuy nhiên lợi nhuận thì vẫn chỉ "ngấp nghé" mục tiêu đặt ra như trường hợp Novaland. Năm 2017, doanh thu của "đại gia" địa ốc này đạt 11.759 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 2.061 tỷ đồng, kém xa với mục tiêu hơn 3.144 tỷ đồng đặt ra.

Một doanh nghiệp khác - Tập đoàn Hoa Sen - vốn là "ông lớn" ngành thép, có doanh thu năm 2017 đạt 26.148 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng trên 52% so với năm 2016. Tuy nhiên do chi phí cho giá vốn và chi phí bán hàng cao nên lợi nhuận sau thuế còn 1.331 tỷ đồng, giảm 11,5% so với năm 2016.

Nếu tính những doanh nghiệp có mức lãi trên nghìn tỷ thì danh sách sẽ dài hơn rất nhiều. Một mùa báo cáo tài chính cũng đã dần khép lại. Bên cạnh việc công bố những con số lời lãi trong năm 2017, nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầy "vạch" ra những mục tiêu kinh doanh mới cho một năm mới bắt đầu...

Tăng trưởng lợi nhuận 16%, FECON liên tiếp trúng thầu đầu năm 2018
Vừa công bố báo cáo tài chính 2017 với mức tăng trưởng 10%, doanh thu, và 16% lợi nhuận sau thuế, CTCP FECON tiếp tục công bố những gói hợp đồng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư