Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Lựa chọn kênh đầu tư 2015: M&A mạo hiểm nhưng dễ kiếm bộn tiền
Hà Tâm - 07/01/2015 08:16
 
Ngoài vàng, ngoại hối, bất động sản, chứng khoán, tiết kiệm, có một kênh đầu tư hấp dẫn nhưng đầy mạo hiểm và dự báo sẽ nóng trong năm 2015 là đầu tư vào các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A).
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Dòng tiền phân vân chảy vào bất động sản?
Tiền nhàn rỗi vẫn đổ vào ngân hàng
Nhận biết 5 kênh đầu tư sinh lời cao
Vàng, USD lặng sóng, ngân hàng đắt khách tiết kiệm
Mua nhà cho thuê: Lời đơn lãi kép
Có nên mua căn hộ cao cấp để cho thuê?

Tiền “không thông minh” chảy vào ngân hàng

Như thường lệ, đầu năm mới, các nhà đầu tư lại trăn trở tìm hướng đầu tư cho dòng tiền nhàn rỗi. An toàn và có tính thanh khoản cao nhất là kênh gửi tiết kiệm.

Lựa chọn Kênh đầu tư 2015: M&A mạo hiểm nhưng dễ kiếm bộn tiền
Vinmart - hệ thống siêu thị hình thành sau thương vụ Vingroup mua lại 70% cổ phần tại Ocean Retail. Ảnh: Đức Thanh

Chuyên gia ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực nhận định, dù lãi suất đã giảm, song ngân hàng vẫn luôn là kênh đầu tư an toàn và đảm bảo mức độ lợi nhuận, thu nhập dương nhất định đối với người dân, đặc biệt là với thành phần hưu trí có tiền nhàn rỗi.

Đồng tình với ý kiến trên, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, không phải ai cũng có số tiền đủ lớn để đầu tư bất động sản, các kênh đầu tư khác đều rủi ro và đòi hỏi kiến thức nhất định. Vì vậy, gửi tiền vào ngân hàng vẫn là lựa chọn của nhiều người. Để nâng cao lợi nhuận từ kênh tiết kiệm, các ngân hàng khuyến cáo, người dân nên chọn những kỳ hạn dài.

Trên thực tế, năm 2014, lãi suất giảm khá mạnh so với năm 2013, song tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn đứng ở mức tương đương năm 2013 (tăng trên 15%). Điều này cho thấy, dòng tiền vào ngân hàng vẫn ổn định.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, gửi tiền vào ngân hàng thời điểm này chỉ là kênh “tạm trú” để chờ đầu tư vào kênh khác. Với xu hướng lãi suất tiếp tục hạ như hiện nay (có thể giảm thêm 0,5-1%), gửi tiết kiệm rõ ràng không còn là kênh đầu tư hấp dẫn và tiền có thể sẽ chảy ra khỏi ngân hàng trong năm 2015, bởi không giống như năm 2014, năm nay, một số kênh đầu tư khác đã có dấu hiệu ấm lên.

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) nói vui, nếu lãi suất tiếp tục giảm,  tiền sẽ chảy ra thị trường. Chỉ có dòng tiền “không thông minh” mới chảy vào ngân hàng.  

Vàng, USD nguội; chứng khoán, bất động sản nóng?

Được xem là kênh đầu tư truyền thống, vàng và USD luôn giữ được vị trí quan trọng trong giỏ đầu tư của một bộ phận người dân.

Thế nhưng, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, không nên đầu tư vào vàng năm 2015, bởi giá vàng biến động rất khó lường; thị trường vàng trong nước không liên thông với thị trường vàng thế giới; chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện đang rất cao, trên 4 triệu đồng/lượng. Với những yếu tố này, dù giá vàng thế giới tăng, người đầu tư vàng vẫn có thể thua lỗ, chưa kể thị trường vàng trong nước lâu nay không có sóng, nên vàng không còn hấp dẫn.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, muốn đầu tư vào vàng, nhà đầu tư phải trường vốn, phải dự báo được các tình huống, chính sách và điều này không hề dễ với các nhà đầu tư nhỏ lẻ như người dân, nên kênh này không hiệu quả. 

Ngược với sự đi xuống của giá vàng, USD đang có xu hướng đi lên, song đầu tư USD ở nước ta không dễ kiếm lợi. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục khẳng định chính sách ổn định tỷ giá, mức biến động không quá 2%. Cho nên, đầu tư USD có thể không lỗ, song khả năng sinh lời là không cao. Trong khi đó, chứng khoán và bất động sản đang hứa hẹn nhiều tiềm năng.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng nhận định, vàng và USD chỉ phù hợp với nhu cầu tích trữ hơn là đầu cơ. Trong khi đó, thị trường bất động sản đang ấm dần, lãi vay mua nhà của các ngân hàng rất hấp dẫn, cho nên đầu tư mua nhà thời điểm này là lựa chọn khôn ngoan. Cũng theo phân tích của vị lãnh đạo ngân hàng trên, mua nhà thời điểm này để cho thuê có thể thu tiền lãi cao hơn lãi vay ngân hàng.

Tuy vậy, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhà đầu tư đã “khôn ngoan” hơn trước và chỉ bỏ vốn vào bất động sản khi nhìn thấy xu hướng tăng bền vững. Nói cách khác, sự phục hồi của thị trường bất động sản, nếu nhanh cũng phải vài ba năm nữa.

Với chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là kênh đầu tư khả dĩ nhất và cũng “kén” nhà đầu tư nhất hiện nay. Lời khuyên mà chuyên gia này đưa ra cho nhà đầu tư chứng khoán là đa dạng hóa danh mục đầu tư, có chiến lược và định ra danh mục phù hợp với mình, phù hợp với xu thế thị trường. Riêng với nhóm cổ phiếu dầu khí, các nhà đầu tư chưa nên mua vào thời điểm này, vì nhiều dự báo cho rằng, năm 2015, giá dầu sẽ tiếp tục hạ xuống đến 40 USD/thùng.

M&A là kênh kiếm tiền tốt nhất

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, năm 2014, công ty này đã đứng ra mua lại một doanh nghiệp nhỏ của Hàn Quốc chuyên sản xuất bao bì. Chỉ trong vòng một quý, công ty này đã thu lãi và nếu bán lại, đã có thể kiếm bộn tiền.

Nhận xét về ví dụ trên, TS. Lê Xuân Nghĩa bình luận: “Trong bối cảnh nền kinh tế dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong năm 2015, lĩnh vực M&A doanh nghiệp sẽ tiếp tục nóng. Đầu tư vào các thương vụ M&A chính là một trong những cơ hội kiếm tiền tốt nhất năm 2015”.

Năm 2014, thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A đình đám trên nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực tiêu dùng, các thương vụ tiêu biểu như Công ty BJC (Thái Lan) mua toàn bộ hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam; Tập đoàn Vingroup mua lại 70% cổ phần tại Công ty Ocean Retail; Công ty Masan Consumer chào mua công khai 49% cổ phần của Công ty Cholimex Foods; Công ty cổ phần Kinh Đô bán 80% cổ phần mảng kinh doanh bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelèz International và thương thảo mua lại 50% cổ phần của một doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống…

Trong lĩnh vực bất động sản, nhiều thương vụ lớn cũng diễn ra với hàng loạt dự án lớn của các doanh nghiệp tên tuổi như Khu đô thị mới Nam An Khánh (Hà Nội), Dự án Khu nhà ở Phước Long A (TP.HCM), Dự án Đông Nam (TP.HCM), Khu đô thị Alaska Carden City (xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội), Dự án ION Complex (số 36 - Phạm Hùng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và Khu phức hợp Lavender (quận Hà Đông, Hà Nội)…

Trong lĩnh vực ngân hàng, một loạt thương vụ sáp nhập giữa công ty tài chính với ngân hàng cũng đã diễn ra như Tài chính Hóa chất với Techcombank, Tài chính Than Khoáng sản với VPBank…

Theo dự báo của giới chuyên gia, sóng M&A trong lĩnh vực tiêu dùng và bất động sản sẽ tiếp tục nổi mạnh. Đặc biệt, M&A ngân hàng sẽ chứng kiến cơn bão lớn với 6-8 thương vụ. Đây sẽ là cơ hội kiếm tiền hấp dẫn, song cũng không ít mạo hiểm đối với nhà đầu tư.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư