Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Lựa chọn khôn ngoan hay bắt buộc?
Hà Tâm - 29/05/2013 07:47
 
Theo TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoãn áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN trong một năm là hoàn toàn hợp lý. Việc “siết” phân loại nợ xấu ngay thời điểm này không chỉ khiến khó xử lý triệt để nợ xấu, mà còn có thể gây đổ vỡ.
TIN LIÊN QUAN

TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh,
Đại học Ngân hàng TP.HCM

Thưa ông, việc NHNN vừa hoãn thực hiện Thông tư 02 thêm một năm nữa liệu có hợp lý?

Theo tôi, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nếu áp dụng ngay Thông tư 02 về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro thì doanh nghiệp, ngân hàng, nền kinh tế sẽ chuyển sang giai đoạn rất xấu.

Cụ thể, các doanh nghiệp vừa mới vực dậy thì nay có nguy cơ rơi trở lại vào khó khăn, không thể tiếp tục vay được vốn do bị quay trở lại nhóm nợ xấu. Nợ xấu gia tăng cũng buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, không thể tăng trưởng tín dụng.

Nói cách khác, nếu NHNN bắt buộc các ngân hàng phải phân loại nợ xấu theo Thông tư 02 ngay từ ngày 1/6 tới, có thể sẽ khiến nợ xấu rõ ràng hơn. Song đổi lại, cộng đồng doanh nghiệp sẽ chết, nền kinh tế khó chồng khó. Vì vậy, không thể cực đoan trong điều hành, mà người quản lý bao giờ cũng phải chọn phương án ít xấu nhất trong những phương án xấu. Việc NHNN hoãn áp dụng Thông tư 02 trong vòng 1 năm là lựa chọn khôn ngoan.

Việc hoãn Thông tư 02 đáp ứng được kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp, song nếu hoãn áp dụng Thông tư 02, nợ xấu vẫn sẽ là một ẩn số. Trong khi đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để xử lý nợ xấu hiệu quả, điều kiện tiên quyết là bức tranh nợ xấu phải rõ ràng. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Vấn đề nào cũng có hai mặt. Thông tư 02 mang tính chiến lược, có tác dụng chuẩn hóa nợ xấu, làm rõ bức tranh nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Việc thực hiện Thông tư 02 sẽ giúp ngành ngân hàng chủ động quản trị rủi ro, giống như đóng chuồng rồi mới mua bò (tức là lập chuẩn rồi mới cho vay). Trong khi đó, từ trước đến nay, hệ thống ngân hàng nước ta vẫn quản trị rủi ro theo cách bị động, tức cho vay thiếu chuẩn rồi lại vất vả đi đòi nợ xấu, giống như nuôi bò thả rông, không có chuồng vậy.

Tuy nhiên, trong bối cảnh “nhà nghèo” như chúng ta, việc hoãn Thông tư 02 là hoàn toàn hợp lý. Đây là giải pháp tình thế, mà giải pháp tình thế thì không thể so sánh với giải pháp dài hạn được.

Năm 2012, khi NHNN chưa áp dụng Thông tư 02, mới chỉ yêu cầu các ngân hàng thương mại trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định hiện hành, mà nhiều ngân hàng đã bị lỗ nặng. Còn bây giờ, nếu thực hiện ngay Thông tư 02, chắc chắn nhiều ngân hàng sẽ gặp nguy. Khi đó, doanh nghiệp cũng bị vạ lây. Còn với ý kiến nói rằng, hoãn Thông tư 02 sẽ khiến nợ xấu chưa được làm rõ. Điều này đúng, nhưng kể cả khi làm rõ nợ xấu, chúng ta cũng không thể xử lý hết ngay một lúc được. Do đó, trước hết, chúng ta phải ưu tiên xử lý nợ xấu cũ hiện tại đã, đồng thời hoàn thiện công tác chuẩn bị, hoàn thiện cách làm, rồi dần dần bổ sung thêm. Nếu giờ “siết” phân loại nợ ngay, không chỉ xử lý không xuể, mà còn có thể gây ra đổ vỡ.

Cùng với hoãn thực hiện Thông tư 02, từ ngày 9/7 tới đây, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ chính thức hoạt động. Theo ông, những giải pháp này có giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn tín dụng hơn trong thời gian tới?

Việc doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn hay không còn phụ thuộc vào mức độ thành công trong triển khai 2 giải pháp trên trong thực tiễn. Giống như việc triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, chủ trương thì đúng, nhưng nhà đâu mà mua?

Cho nên, vấn đề quan trọng nhất là công tác chuẩn bị phải chu đáo. Ít nhất phải giành 3/4 thời gian để chuẩn bị, nếu chuẩn bị không tốt, việc triển khai dễ bị tắc.

Về xử lý nợ xấu, tôi nhắc lại, trách nhiệm chính vẫn thuộc về ngân hàng, Nhà nước chỉ hỗ trợ, tạo cú hích. VAMC cũng không thể giải quyết toàn bộ cục nợ xấu mà chỉ giải quyết trọng tâm, trọng điểm, cụ thể là những khoản nợ xấu có tài sản thế chấp, những ngân hàng có nợ xấu trên 3%.n

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư