Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Luật Đấu giá tài sản chính thức có hiệu lực
Anh Ngọc - 02/07/2017 08:02
 
Từ ngày 1/7/2017, Luật Đấu giá tài sản đã chính thức có hiệu lực, với 8 Chương, 81 Điều.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Luật Đấu giá tài 2016 được Quốc hội thông qua vào ngày 17/11/2016 với tỷ lệ trên 84% đại biểu  biểu quyết tán thành. Luật gồm 8 Chương và 81 Điều quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản; xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại; quản lý nhà nước về đấu giá tài sản

Theo đó, Luật quy định tài sản bán đấu giá bao gồm tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản do tổ chức, cá nhân tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá.

Đối với tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, Luật liệt kê cụ thể các loại tài sản này trên cơ sở rà soát quy định tại pháp luật chuyên ngành nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ trình tự, thủ tục quy định tại Luật khi bán đấu giá các loại tài sản đó.

Luật có quy định mở trong trường hợp pháp luật chuyên ngành sau này có quy định tài sản phải bán thông qua đấu giá thì cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, ví dụ như pháp luật chuyên ngành quy định biển số xe, quyền sở hữu trí tuệ, quyền khai thác cảng biển, sân bay... phải bán thông qua đấu giá thì được thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật.

Các nguyên tắc đấu giá tài sản bao gồm bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên.

Để đề cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động đấu giá tài sản, Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên và tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Luật quy định theo hướng người muốn trở thành đấu giá viên phải tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá với thời gian là sáu tháng (người có ít nhất ba năm công tác trong lĩnh vực được đào tạo mới được tham gia khóa đào tạo nghề); tập sự hành nghề đấu giá trong thời gian sáu tháng và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.

Luật cũng thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá, theo đó chỉ những người đã qua các khóa đào tạo về nghề nghiệp, có kỹ năng hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và lĩnh vực có liên quan như luật sư, công chứng viên, quản tài viên, thừa phát lại... mới được miễn đào tạo.

Luật quy định tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (tên gọi của VAMC theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp) chỉ được đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua.

Trong trường hợp nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được bán đấu giá theo quy định của pháp luật, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá tài sản hoặc tự thực hiện đấu giá tài sản theo trình tự, thủ tục quy định của Luật.

Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.

Luật đấu giá tài sản phải ngăn được tình trạng "quân xanh - quân đỏ"
Đó là yêu cầu của nhiều Đại biểu Quốc hội đặt ra với Dự án Luật Đấu giá tài sản trình Quốc hội cho ý kiến vào ngày 24/10.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư