Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Luật Giáo dục nghề nghiệp: Băn khoăn trước thời điểm thi hành
Hà Hải - 24/05/2015 09:56
 
Luật Giáo dục nghề nghiệp được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 27/11/2014 và sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7 tới. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn nhiều băn khoăn.

 

Càng lo thừa thầy thiếu thợ

Từ 1/7, với quy định cho phép người tốt nghiệp cao đẳng nghề được công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành học trong thời gian 2,5 năm tại khoản 1 Điều 38 Luật Giáo dục nghề nghiệp, thì việc trở thành một kỹ sư được xem là khá dễ dàng. Điều này càng khiến nỗi lo thừa thầy thiếu thợ tăng lên.

Vì hiện tại, trong năm học 2015, có tới 80% học sinh cả nước đăng ký theo học các trường cao đẳng, đại học; chỉ có 20% đăng ký vào trường dạy nghề.

Khi việc sáp nhập tới đây giữa hệ thống trường cao đẳng chuyên nghiệp với trường cao đẳng nghề, thì rất có thể, tỷ lệ học sinh đăng ký học nghề ít ỏi sẽ lại chuyển sang hệ đào tạo kỹ sư thực hành. Rất có thể không còn học sinh muốn học để làm thợ nữa.

Tuy vậy, các trường cao đẳng chuyên nghiệp cũng không vì vậy mà được lợi. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Trần Công Chánh, Chủ tịch Hiệp hội Các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế kỹ thuật Việt Nam, tỏ ra băn khoăn khi Luật Giáo dục nghề nghiệp gộp hệ thống cao đẳng nghề và hệ thống cao đẳng chuyên nghiệp thành hệ thống cao đẳng cùng một khuôn mẫu giáo dục nghề, cấp bằng cao đẳng nghề, khiến việc học liên thông lên đại học như hiện nay sẽ gặp khó khăn.

Hiệu trưởng một trường cao đẳng chuyên nghiệp tại TP.HCM cũng lo ngại, nếu mô hình trường cao đẳng này chỉ được cấp bằng cao đẳng nghề, thì việc tuyển sinh sẽ gặp khó do mô hình trường cao đẳng dạy nghề hiện tại không có chương trình liên thông lên đại học.

“Hiện tại, nhu cầu học liên thông từ cao đẳng lên đại học của sinh viên rất lớn. Nếu không làm rõ quy định này theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, rất khó cho nhà trường trong việc lên kế hoạch tuyển sinh”, vị đại diện này nói.

Cũng phải nói thêm, ông Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã phân tích, trong các quy định về đào tạo kỹ sư của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), không có mô hình đào tạo kỹ sư “ngắn hạn” như vậy.

Hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện tại cũng chỉ công nhận người học là kỹ sư sau khi đã tốt nghiệp và được đào tạo trong 5 năm.

Cùng với đó, việc cho phép người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được toàn quyền tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn và phê duyệt các chương trình đào tạo (tại khoản 2 Điều 34) khiến nguy cơ sẽ tạo ra một đội ngũ kỹ sư thực hành ”thiếu chuẩn” trong thời gian tới không hề nhỏ.

Ông Khuyến cũng cho biết, theo thông lệ chung, giáo dục nghề là đào tạo nhân lực trực tiếp tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tức là đào tạo thợ và nhân viên, trong khi giáo dục chuyên nghiệp đào tạo chuyên gia (kỹ thuật viên, cán sự, giáo viên, kỹ sư, chuyên viên, bác sĩ, luật sư…).

Tiêu chuẩn quốc tế về giáo dục của UNESCO cũng phân định rõ, giáo dục nghề chỉ có ở bậc học dưới đại học, còn giáo dục chuyên nghiệp (có cả cao đẳng chuyên nghiệp) chỉ tồn tại ở bậc học đại học.

Các trường kẹt giữa quản lý của 2 bộ 

Cho tới thời điểm này, mặc dù Luật Giáo dục nghề nghiệp không quy định rõ, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo là các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Theo ông Chánh, nội dung này vẫn chưa được công bố chính thức bằng văn bản, nhưng nhiều khả năng sau thời điểm Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, hệ thống các trường cao đẳng nghề sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ quản lý các trường nghề. Hiện nay, hệ thống cao đẳng nghề đang do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

Nếu điều này xảy ra, các trường cao đẳng nghề sẽ phải có những thay đổi nhất định không chỉ theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, mà còn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với tư cách là cơ quan quản lý.

Trong khi đó, các trường chuyên nghiệp hiện nay khi phải đưa mình vào khuôn mẫu giáo dục nghề, sẽ phải tốn khá nhiều chi phí đào tạo lại đội ngũ giáo viên, bởi theo quy định của trường nghề, hệ thống giáo viên phải có chứng chỉ nghề thực hành.

Chính GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, mặc dù điểm mới của Luật Giáo dục nghề nghiệp là xóa bỏ phân biệt khiên cưỡng giữa trung cấp và cao đẳng chuyên nghiệp với trung cấp và cao đẳng nghề, nhưng việc vẫn giao công tác quản lý nhà nước cho 2 bộ thì rất khó tạo ra sự thay đổi về chất trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp so với hiện tại.

Đây là lý do TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội đề nghị nên thống nhất một bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, chứ không nên phân chia Bộ Giáo dục - Đào tạo làm việc này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc kia. “Khi đó, quản lý về giáo dục là việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện công việc dự báo nguồn nhân lực, cơ sở đầu vào cho các kế hoạch đào tạo của các trường”, ông Lâm nói.

Đặc biệt, ông Lâm cũng bình luận rằng, thực tế trong quy định liên quan đến giáo dục đào tạo nghề cho thấy, các bộ chưa đứng trên quan điểm và lợi ích của người lao động và các trường để xây dựng và hoạch định chính sách. “Bộ nào cũng muốn có quyền lực mà không phân tích trên cơ sở cái nào có lợi và thuận tiện cho người học và cho cơ sở đào tạo là các nhà trường”, ông Lâm nói.

Những điểm mới trong dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi)
Điều chỉnh các hoạt động thống kê ngoài nhà nước; làm rõ các hệ thống thông tin thống kê; quy định rõ hơn trách nhiệm, vai trò của Cơ quan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư