Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Luật hoá quản lý vốn nhà nước để tránh Vinalines, Vinashin
Mạnh Bôn - 06/06/2014 21:40
 
“Dư luận xã hội rất đồng tình trước việc Thủ tướng Chính phủ kịp thời trích ngân sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt, giúp ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền đất nước. Trị giá mỗi con tàu 5-7 tỷ đồng, nếu mà không để thất thoát, lãng phí tại Vinalines, Vinashin thì chúng ta đóng được hàng chục ngàn con tàu vỏ sắt cho ngư dân”, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng mở đầu bài phát biểu về sự cần thiết phải luật hoá việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Công tác cán bộ nhìn từ lộ trình tiến thân của Dương Chí Dũng
Quy định thế này thì tư nhân hết ‘đất’ đầu tư!
Nhà nước lại “ôm” doanh nghiệp
Quyết không để SBIC bình mới, rượu cũ
Kiến nghị xử nghiêm 10 vụ án tham nhũng lớn
  Ông Thân Đức Nam, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội  
  Ông Thân Đức Nam, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội   

Cũng như nhiều đại biểu Quốc hội khác, khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Hùng bày tỏ sự bức xúc trước thực trạng doanh nghiệp nhà nước đầu tư kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhân dân.

Ông Hùng đã từng hy vọng, khi luật hoá được việc quản lý vốn thì tình trạng thất thoát, lãng phí, đầu tư kém hiệu quả sẽ được xử lý triệt để.

Tuy nhiên, khi đọc kỹ Dự thảo luật, ông thấy, nếu Ban soạn thảo không chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung thì những hạn chế này khó mà khắc phục được, bởi trong Dự thảo chủ yếu luật hoá quyền của đại diện chủ sở hữu, của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản trong khi trách nhiệm, đặc biệt là chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân trong cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định đầu tư, vay vốn gây thất thoát, lãng phí rất mờ nhạt.

“Với những quy định trong Dự thảo, nếu doanh nghiệp nhà nước đầu tư kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí thì chỉ có lãnh đạo doanh nghiệp chịu trách nhiệm, còn lại là vô can”, ông Hùng phát biểu.

Tiền và tài sản của nhân dân thì nhân dân có quyền giám sát, không giám sát trực tiếp thì ít nhất cũng giám sát qua cơ quan dân cử. “Nhưng tôi thấy trong Dự thảo, quyền hạn, đặc biệt là quyền giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp rất mờ nhạt và không kịp thời”, ông Hùng bình luận và đề nghị phải luật hoá quyền giám sát hoạt động đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội và HĐND các cấp.

“Vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước hiện tại lên đến 1,3 triệu tỷ đồng, nhưng vai trò giám sát hoạt động đầu tư, quản lý vốn của Quốc hội quá mờ nhạt. Tôi thấy, nếu như Quốc hội thông qua Dự thảo này, thì chẳng khác gì Quốc hội tự đứng sang bên lề trong việc thực hiện giám sát tài sản quốc gia”, TS. Trần Du Lịch nhận định.

Vốn và tài sản của Nhà nước cũng như ngân sách nhà nước chính là tài sản của nhân dân, Quốc hội phải có nghĩa vụ, trách nhiệm giám sát để làm sao không chỉ tránh được thất thoát, lãng phí mà còn phải để đồng vốn sinh sôi nảy nở.

“Lấy tiền ở đâu, đầu tư vào đâu, đầu tư bao nhiêu, đầu tư khi nào hoàn toàn là quyền của Quốc hội được nhân dân giao phó. Nhưng với những quy định đơn giản, mờ nhạt như trong Dự thảo, chẳng khác gì Quốc hội tự đứng ra bên lề việc giám sát”, ông Lịch nói.

Theo Dự thảo Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ hai của năm sau về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác trên toàn quốc.

Trách nhiệm giám sát vốn, tài sản phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, vì vậy, với quy định này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Quốc hội chỉ được nghe lại “việc đã rồi”. Doanh nghiệp đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, gây thất thoát lãng phí hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng phải ít nhất sau 1 năm Quốc hội mới có thể biết được. Và như vậy, quyền của Quốc hội chỉ là cho ý kiến vào việc đã rồi.

Nhắc lại vụ việc gây thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng tại Vinashin, Vinaline mà đến bây giờ nền kinh tế vẫn đang phải xử lý hậu quả, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, ông Trần Văn băn khoăn: “Các cơ quan quản lý nhà nước đều đã tiến hành thanh tra, kiểm tra nhiều lần Vinashin, Vinalines trước khi “ung nhọt” bị vỡ lở. Nhưng lạ một điều là chỉ có lãnh đạo 2 đơn vị này bị xử lý đúng pháp luật, đúng người đúng tội, còn tất cả cơ quan quản lý nhà nước đã từng thanh tra, kiểm tra đều vô can”.

“Dù luật này có quy định về việc giám sát chặt chẽ đến đâu, nhưng nếu không đưa ra chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trong việc giám sát đầu tư, quản lý vốn từ nhẹ đến nặng, từ kỷ luật đến bồi thường thiệt hại và truy tố hình sự do các quyết định gây ra dẫn tới lãng phí, thất thoát vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp thì mục tiêu hạn chế tình trạng thất thoát, lãng phí, đầu tư dàn trải khó có thể đạt được như mong muốn”, ông Văn dự báo.

Ai là người hiểu rõ “nội tình” của doanh nghiệp mình nhất nếu không phải là người lao động. Người lao động trong doanh nghiệp nhà nước cũng chính là cử tri, vì vậy, theo ông Đỗ Mạnh Hùng, Dự thảo phải quy định cụ thể việc doanh nghiệp phải công bố công khai định kỳ, hoặc bất thường về mọi hoạt động cũng như tình hình tài chính, đầu tư, vốn, tài sản của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động cũng như của ban lãnh đạo. Chỉ có như vậy mới mong hạn chế được những hạn chế trong quản lý vốn, tài sản tại doanh nghiệp, mới mong không nảy sinh thêm Vinaline, Vinashin.

Là người nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước, ông Thân Đức Nam, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, không chỉ chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra thất thoát, lãng phí mà cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản còn phải chịu trách nhiệm nếu như gây ra thiệt hại, làm mất cơ hội của doanh nghiệp do thanh tra, kiểm tra không đúng pháp luật.

“Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp là vô cùng cần thiết. Nhưng nếu thanh tra, kiểm tra không đúng quy định, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, đưa ra các quyết định làm mất cơ hội đầu tư của doanh nghiệp thì cơ quan quản lý nhà nước, cá nhân công chức gây thiệt hại, làm mất cơ hội của doanh nghiệp cũng phải chịu bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp mới công bằng”, ông Nam phát biểu và đề xuất Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải bổ sung quy định này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư