Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Luật Quy hoạch không thể bàn lùi
Mạnh Bôn - 17/03/2017 18:09
 
Luật Quy hoạch là một cuộc cách mạng giải quyết được những bất cập từ trước đến nay như chồng chéo, cát cứ, cục bộ, sử dụng lãng phí nguồn lực…
TIN LIÊN QUAN

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Quy hoạch vào chiều nay (17/3/2017) tại Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Bộ Xây dựng tiếp tục bày tỏ quan điểm không đồng tình với nhiều điểm liên quan đến xây dựng trong Dự luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra Dự luật), ông Vũ Hồng Thanh bày tỏ thái độ rất buồn vì đến thời điểm này, sau khi đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiều lần cho ý kiến và đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai, Khóa XIV mà vẫn còn ý kiến không đồng tình.

Ông Thanh lo ngại, nếu vẫn còn những ý kiến không đồng tình thì không biết có kịp trình Quốc hội thông qua để đến năm 2019 Luật Quy hoạch kịp thời có hiệu lực.

“Năm 2020, các địa phương tổ chức Đại hội Đảng các cấp, trong đó phải thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2020-2025, nếu không có Luật Quy hoạch thì không biết xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thế nào”, ông Thanh nói.

Thực ra, Bộ Xây dựng muốn có một điều riêng trong Luật Quy hoạch quy định về quy hoạch xây dựng, tức là các vấn đề liên quan đến xây dựng thực hiện theo luật chuyên ngành về xây dựng.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên, người chịu trách nhiệm chính trong thẩm tra Dự thảo Luật Quy hoạch thẳng thắn: “Ban soạn thảo đã nhân nhượng với Bộ Xây dựng rất nhiều rồi khi chấp nhận vẫn để quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn thực hiện theo luật chuyên ngành, nhưng không thể có quy hoạch xây dựng. Nếu đưa điều này vào Luật Quy hoạch sẽ phá vỡ toàn bộ nội dung của luật này với tư cách là một công cụ điều tiết nguồn lực, không gian bảo đảm quyền lợi quốc gia được ưu tiên hơn so với quyền lợi của ngành, địa phương”, ông Kiên nói.

Ông Vũ Hồng Thanh dẫn chứng, khu vực Giảng Võ (Hà Nội) trước đây quy hoạch làm khu triển lãm, quy mô dân số rất ít, hạ tầng không cần nhiều, nhưng bây giờ quy hoạch xây dựng cho xây dựng các khu chung cư cao tầng, dân số tăng gấp hàng trăm lần, vấn đề cấp thoát nước, hạ tầng xã hội, giao thông… không đáp ứng đủ do không có quy hoạch đồng bộ.

“Không thể có quy hoạch ngành, mà quy hoạch ngành phải nằm trong quy hoạch tổng thể”, ông Thanh nhấn mạnh.

“Luật Quy hoạch là một cuộc cách mạng giải quyết được tất cả các bất cập của đất nước từ trước đến nay như chồng chéo, cát cứ, cục bộ, sử dụng lãng phí nguồn lực… Luật Quy hoạch tiệm cận với thông lệ quốc tế, tạo ra tư duy mới, cách làm mới, bảo đảm phát triển bền vững, khai thác hết tất cả tiềm năng, lợi thế; triệt tiêu tất cả chồng chéo, cục bộ, lợi ích nhóm của các bộ, ngành, địa phương, vì vậy, còn có nhận thức, ý kiến khác nhau cũng là bình thường”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để có bản Dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hơn 30 cuộc hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực khác nhau như ông Phạm Sỹ Liêm chuyên gia đầu ngành về xây dựng; ông Trần Trọng Hanh, chuyên gia đầu ngành về quy hoạch; ông Đặng Hùng Võ, chuyên gia đầu ngành về đất đai; ông Chu Hồi, chuyên gia đầu ngành về không gian biển…

“Tất cả các chuyên gia đầu ngành có uy tín đều khẳng định trên thế giới không nước nào có quy hoạch xây dựng. Ông Phạm Sỹ Liêm còn cam đoan, nếu ai đó chỉ ra trên thế giới quốc gia nào có quy hoạch xây dựng ông xin cắp sách đến học”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng.

“Chúng  ta đừng dựa vào các quy hoạch về xây dựng hiện có vẫn đang tốt mà không đổi mới vì sợ xáo trộn, ngại tốn thời gian, công sức sửa nhiều luật liên quan đến Luật Quy hoạch”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kể cả xáo trộn, kể cả phải sửa nhiều luật, nhưng Luật Quy hoạch rõ ràng tốt hơn thì vẫn phải làm, không nên lùi và không thể lùi. “Cả xã hội rất quan tâm, rất đồng tình, nếu vì ngại thay đổi mà bàn lùi sẽ không có đột phá, không có cú hích, hạn chế sự phát triển của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư