Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Luật Quy hoạch: Vì lợi ích toàn cục của đất nước
Hà Nguyễn - 21/11/2016 07:02
 
Luật Quy hoạch cần được thảo luận và sớm thông qua, để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới, vì lợi ích toàn cục của đất nước, chứ không thể mãi níu giữ cơ chế xin - cho.

Hôm nay (21/11/2016), Dự thảo Luật Quy hoạch được thảo luận trên nghị trường Quốc hội. Điều đã luôn được khẳng định là, dự luật này rất cần thiết được thảo luận, hoàn thiện và sớm được thông qua để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước.

“Với những ai không ủng hộ đề xuất về Dự thảo Luật Quy hoạch, theo tôi nghĩ, họ vẫn đang muốn níu kéo cơ chế xin - cho, thay vì nghĩ cho toàn cục phát triển của đất nước”, ông Lawrie Wilson, Giám đốc Dự án Quốc tế (thuộc Hansen Partnership Pty Ltd.,) nói.

Theo Dự thảo Luật Quy hoạch, việc khai thác khoáng sản sẽ phải thực hiện đấu thầu công khai. Ảnh: Đức Thanh
Theo Dự thảo Luật Quy hoạch, việc khai thác khoáng sản sẽ phải thực hiện đấu thầu công khai. Ảnh: Đức Thanh

Trên thực tế, đây chính là một trong những lo ngại lớn nhất của các nhà soạn thảo Dự thảo Luật Quy hoạch và cũng là lý do vì sao phải mất một thời gian khá dài, Dự thảo Luật Quy hoạch mới nhận được sự đồng thuận của dư luận, của Chính phủ để được trình tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV. Lợi ích nhóm chính là nguyên nhân cơ bản nhất.

“Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi tiến hành thẩm tra dự án luật này cũng ‘cực kỳ đau khổ’, vì gần như bộ, ngành, địa phương nào cũng có ý kiến, lý lẽ bảo vệ quan điểm của mình. Quan điểm ấy không sai, nhưng đó là đứng ở lợi ích của bộ, ngành, địa phương ấy, chứ không đứng ở góc độ vì sự phát triển bền vững của cả đất nước”, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chia sẻ rất thật như vậy.

Và cũng từ góc nhìn này, ông Kiên cho rằng, Dự thảo Luật Quy hoạch hiện nay đã thống kê được các ngành, các luật đang chi phối việc lập quy hoạch sử dụng nguồn lực quốc gia. Như thế, các quy định của Dự thảo Luật động chạm ngay đến quyền lợi của các bộ, ngành “quyền anh, quyền tôi” và động chạm ngay đến quyền lợi của các địa phương “quyền Trung ương, quyền địa phương”.

“Làm tốt Dự thảo Luật Quy hoạch sẽ hạn chế được lợi ích nhóm và vô hình trung góp phần ‘lôi ra ánh sáng’ những nhóm lợi ích đang chi phối việc lập quy hoạch hiện hành. Nếu theo tinh thần của Dự thảo Luật thì các thẩm quyền xây dựng, phê duyệt các quy hoạch kiểu như quy hoạch khai thác khoáng sản sẽ chấm dứt. Thay vào đó, việc khai thác khoáng sản sẽ phải thực hiện đấu thầu công khai. Cho nên, rất dễ hiểu, khi Dự thảo Luật đưa ra lấy ý kiến công luận, sẽ có lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo địa phương phản đối”, ông Kiên nói.

Câu chuyện nằm ở chỗ, đúng như ông Lawrie Wilson đã nói, nếu nghĩ về sự phát triển toàn cục của đất nước thì không thể không ủng hộ Dự thảo Luật Quy hoạch. Hiện đã chuẩn bị bước sang năm 2017, tức là chỉ còn 3 năm nữa là tới năm 2020, năm bắt đầu của kỳ quy hoạch mới.

“Nếu không xem xét kỹ và thông qua được Luật Quy hoạch vào năm sau thì không đổi mới được công tác quy hoạch. Phát triển kinh tế với ước vọng mới không thể dẫn đường bằng một kịch bản cũ. Nếu chậm, lại phải chờ tới năm 2030 mới có cơ hội tiếp theo”, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.

Dẫn câu chuyện về những “căn bệnh trầm kha” của công tác quy hoạch hiện nay, không chỉ là chồng chéo, mâu thuẫn nhau, mà còn có tình trạng người lãnh đạo muốn quy hoạch cho tương lai rất… lãng mạn, rất mạnh, mà không cần biết nguồn lực và năng lực thực tế là bao nhiều, cũng như tình trạng “cát cứ” quyền lực của các bộ, ngành, địa phương, GS-TSKH Đặng Hùng Võ đã thẳng thắn nói về những quy hoạch làm “kìm hãm sự phát triển của đất nước”, thay vì đóng vai trò dẫn đường, dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế.

“Đâu đâu cũng muốn cấp ngân sách nhiều, có nhiều dự án. Tất cả đều bắt đầu từ quy hoạch. Vậy là bộ nào, địa phương nào có quyền phê duyệt quy hoạch cũng sẽ kéo theo quyền quyết định rất nhiều chương trình, dự án đầu tư công. Đúng là quyền gắn với tiền ngân sách thông qua quy hoạch”, GS-TSKH Đặng Hùng Võ cảm thán.

Chẳng còn cách nào tốt hơn việc chữa các căn bệnh trầm kha này bằng cải cách công tác quy hoạch. Điều này rõ ràng là vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng như chuẩn bị cho Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2030.

“Tái cơ cấu nền kinh tế, mấu chốt chính là phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường. Xây dựng quy hoạch tổng thể và công khai là cách để chúng ta phân bổ nguồn lực được tốt hơn, thay vì xin - cho như lâu nay. Do đó, muốn tái cơ cấu nền kinh tế, không thể không thay đổi công tác làm quy hoạch. Chúng ta đã chậm rồi, không thể chậm thêm nữa. Luật Quy hoạch cần sớm được thảo luận và thông qua. Chúng ta hãy chọn cái gì tốt nhất cho sự phát triển của đất nước”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Lawrie Wilson một lần nữa nhấn mạnh rằng, Dự thảo Luật Quy hoạch chính là sáng kiến quan trọng nhất trong công cuộc cải cách quy hoạch mà ông từng biết trong suốt hơn 20 năm là nhà tư vấn quy hoạch đô thị tại Việt Nam.

“Điều chúng ta cần ngay bây giờ chính là một con đường thể chế rõ ràng dẫn tới một hệ thống quy hoạch và quản lý phát triển có hiệu quả và hữu hiệu cùng với cam kết liên tục duy trì quá trình cải cách tại tất cả các cấp quản lý quy hoạch. Theo tôi, chúng ta phải thừa nhận Dự thảo Luật Quy hoạch chính là bước đi đầu tiên trên con đường thể chế này”, ông Lawrie Wilson nói.

“Dẹp loạn” quy hoạch (bài 4): Cấp thiết có quy hoạch tổng thể quốc gia
Đã có sự đồng thuận rất lớn từ các chuyên gia kinh tế, các đại biểu Quốc hội về việc cần thiết phải ban hành Luật Quy hoạch. Điều này...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư