Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Lục địa đen - điểm tựa mới cho VTG
Hữu Tuấn - 10/03/2019 09:22
 
Cùng với việc khai trương Mytel và cán mốc kỷ lục 5 triệu người dùng tại Myanmar, các thị trường mới ở lục địa đen châu Phi đang có kết quả kinh doanh khả quan cho Viettel Global (VTG).
.
Tính đến hết tháng 1/2019, Mytel chính thức đạt 5 triệu thuê bao, kết quả vượt mong đợi so với mục tiêu đạt 2-3 triệu thuê bao trong năm 2018.

Mytel lập kỷ lục mới

Mytel, mạng di động quốc tế thứ 10 của Viettel, đã khai trương tại Myanmar ngày 9/6/2018. Đây là thị trường mà Viettel đặt kỳ vọng rất lớn. Khi khai trương, Mytel đặt mục tiêu dài hạn là sẽ trở thành nhà mạng lớn nhất cả về hạ tầng và kinh doanh, với mục tiêu ngắn hạn là đạt 2 - 3 triệu thuê bao trong năm 2018.

Nhưng kết quả đã vượt hơn mong đợi. Tính đến hết tháng 1/2019, Mytel chính thức đạt 5 triệu thuê bao. Trong đó, hơn 70% là khách hàng sử dụng dịch vụ 4G. Đây cũng là tỷ lệ kỷ lục trong số các thị trường của Viettel trên toàn cầu.

Tại Myanmar, Mytel là công ty viễn thông duy nhất có thể cung cấp gói dịch vụ hoàn chỉnh, gồm di động, cố định, đường truyền, các dịch vụ công nghệ thông tin trên toàn quốc.

Việc nhanh chóng đạt được lượng khách hàng lớn từ khối doanh nghiệp là nhờ chiến lược chuẩn bị kỹ lưỡng hạ tầng, bộ máy, dịch vụ cho thị trường doanh nghiệp trên toàn quốc từ trước khi khai trương. Bên cạnh đó, Mytel đạt được ưu thế lớn nhờ hợp tác nhanh chóng với nhiều nhà phân phối lớn, đặc biệt là Skynet - đơn vị cung cấp truyền hình lớn nhất Myanmar. Với hơn 400 đại lý, 130.000 điểm bán và hơn 1 triệu khách hàng trên toàn quốc, Skynet là một cơ hội lớn của Mytel trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Với 5 triệu thuê bao sau hơn 6 tháng khai trương, Viettel đã đạt một kỷ lục mới về tăng trưởng tại Myanmar và là tốc độ nhanh nhất của Viettel trên toàn cầu từ trước đến nay. Tại Việt Nam, Viettel phải mất hơn 18 tháng để cán mốc 3 triệu thuê bao vào năm 2006 và đây là tốc độ tăng trưởng kỷ lục trong ngành viễn thông.

Tăng trưởng của Mytel cũng là tốc độ mà hiếm hãng di động nào trên thế giới có được trong bối cảnh thị trường viễn thông thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Dự kiến, Mytel sẽ sớm có lãi và là thị trường đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của VTG trong tương lai.

Theo ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Viettel, tăng trưởng tại Myanmar là khá hiếm trên thị trường viễn thông và Viettel vẫn còn tiềm năng tăng trưởng tại đây.

“Myanmar là một trong các thị trường hứa hẹn nhất đối với Viettel. Viettel đang muốn tăng gấp đôi lượng thuê bao tại thị trường này vào cuối năm 2019, tức là khoảng 10 triệu thuê bao”, ông Dũng cho biết.

Điểm sáng từ “lục địa đen”

Cùng với Mytel, các thị trường mới ở ASEAN của VTG như Metfone (Campuchia), Telemor (Timor Leste) cũng đã “góp công” rất lớn trong tổng doanh thu khoảng 6.100 tỷ đồng của Viettel. Hai mạng viễn thông tại Lào và Myanmar không hợp nhất vào doanh thu do Viettel Global nắm giữ dưới 50% vốn.

Bên cạnh đó, những thị trường mới của VTG tại châu Phi cũng khởi sắc, vượt qua được những khó khăn về biến động tỷ giá, cạnh tranh thị trường để cán mốc 7.100 tỷ đồng trong năm 2018. Ngoài ra, một thị trường khác của VTG là Bitel (Pêru) cũng đóng góp gần 2.300 tỷ đồng vào doanh thu của VTG.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2018 của VTG, doanh thu thuần đạt 4.430 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 1.532 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 34,6% - mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Một trong những nhân tố quan trọng giúp biên lợi nhuận của VTG cải thiện rõ rệt là giảm hoạt động bán hàng hóa, thiết bị vốn có tỷ suất lợi nhuận thấp để tập trung vào hoạt động cốt lõi là cung cấp dịch vụ viễn thông. Chính vì vậy, dù doanh thu giảm mạnh so với mức 6.067 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước, nhưng lãi gộp vẫn tương đương.

Bên cạnh đó, chi phí tài chính, chi phí quản lý - bán hàng cũng đều giảm đáng kể, giúp lợi nhuận trước thuế trong quý này đạt 16,4 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước là âm 645 tỷ đồng).

Lũy kế cả năm 2018, VTG đạt 16.862 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 2.100 tỷ đồng so với năm trước, chủ yếu do doanh thu kinh doanh thiết bị giảm từ gần 3.900 tỷ đồng xuống còn 1.300 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu dịch vụ viễn thông vẫn tăng 400 tỷ đồng, lên 15.561 tỷ đồng. Nhờ vậy, lợi nhuận gộp tăng hơn 500 tỷ đồng, lên xấp xỉ 5.000 tỷ đồng. Chi phí quản lý và chi phí bán hàng cũng tiết giảm được hơn 900 tỷ đồng so với năm 2017.

Theo VTG, lợi nhuận trước thuế năm 2018 âm 145,6 tỷ đồng, chủ yếu do khoản lỗ trong kế hoạch của thị trường Myanmar trong năm đầu đi vào vận hành. Nếu không tính đến khoản lỗ của thị trường mới này, thì lợi nhuận của VTG đạt gần 2.000 tỷ đồng trong năm vừa qua.

Trong năm 2018, năng lực tài chính của VTG đã được bổ sung đáng kể khi công ty mẹ là Tập đoàn Viettel góp thêm 8.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ lên hơn 30.400 tỷ đồng.

Cổ phiếu VGI của VTG đã giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 25/9/2018. Với thị giá hiện dao động quanh ngưỡng 19.000 đồng, VTG là một trong những doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất sàn UPCoM, đạt hơn 42.400 tỷ đồng (tương đương 1,8 tỷ USD).

Thị trường mới của Viettel Global đang khởi sắc
Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global – Mã: VGI) cho biết, trong quý 3/2018, Tổng công ty đã đạt 4.428 tỷ đồng doanh thu thuần,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư