Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Lượng hóa chương trình tái cơ cấu nền kinh tế
Khánh An - 25/05/2015 09:07
 
Lần đầu tiên, việc thực hiện Chương trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế được lượng hóa bằng những con số. Xu hướng tích cực hiện lên, nhưng bất ổn vẫn còn tiềm ẩn.

Xu hướng tích cực

Là người được giao nhiệm vụ theo dõi tình hình thực hiện Chương trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng là tác giả chính của Báo cáo đánh giá vừa được đưa ra lấy ý kiến chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, có cái nhìn lạc quan về mô hình định lượng.

Kỷ luật đầu tư công vẫn là mối lo lớn của nền kinh tế. Ảnh: Đức Thanh
Kỷ luật đầu tư công vẫn là mối lo lớn của nền kinh tế. Ảnh: Đức Thanh

 

Thành tựu lớn nhất của giai đoạn tái cơ cấu vừa qua, theo ông Tú Anh, chính là chặn đứng đà lạm phát và bất ổn vĩ mô. “Đây là nền tảng quan trọng, củng cố niềm tin thị trường, quyết tâm chính trị để đẩy mạnh hơn nữa quá trình đổi mới, đặc biệt là đổi mới thể chế”, ông Anh phân tích.

Thành tựu này có thể nhìn thấy trong từng chỉ số kinh tế vĩ mô. Đó là lạm phát từ mức đỉnh điểm lên đến 28,32% (tháng 8/2008) đã dần trở về mức bình thường kể từ tháng 7/2012 đến nay. Lãi suất cho vay được kiểm soát sau khi giải pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu năm 2012. Từ mức 23% vào tháng 8/2011, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động thể hiện xu hướng giảm rõ rệt từ tháng 2/2012 và cơ bản ổn định từ khoảng tháng 6/2013.

“Sự ổn định của lãi suất, giải cứu được tình hình thiếu thanh khoản nghiêm trọng của hệ thống ngân hàng thương mại được xem là thành công chính của quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Điều đáng nói là, quá trình tái cơ cấu đã không để xảy ra đổ vỡ hàng loạt trong hệ thống ngân hàng”, ông Tú Anh đánh giá.

Các mô hình định lượng cũng cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết 11/2011/NQ-CP là yếu tố then chốt cho quá trình phục hồi dự trữ ngoại hối. Dự trữ ngoại hối sau khi xuống thấp nhất vào cuối năm 2010 và đầu năm 2011 đã đảo chiều nhờ luồng ngoại hối từ trong dân chúng vào hệ thống ngân hàng, nhờ cán cân thương mại được cải thiện và chấm dứt 2 thập kỷ thâm hụt của Việt Nam.

Theo ông Tú Anh, sự phục hồi vững chắc của dự trữ ngoại hối là yếu tố quan trọng làm giảm rủi ro tài chính quốc gia, tạo môi trường đầu tư và thương mại ổn định hơn.

Hơn thế, nếu căn cứ vào hệ số ICOR, việc sử dụng nguồn lực của Việt Nam đang hiệu quả hơn. Từ năm 2012 trở lại đây, hệ số ICOR cả nước hàng quý đã giảm dần. Quý IV/2014 chỉ khoảng 4,5 so với mức cao nhất của quý IV/2011 (xấp xỉ 12). Hệ số ICOR không chỉ thấp hơn, mà còn duy trì ở mức ổn định trong suốt các quý.

Cũng phải nói thêm, từ năm 2007, khi hệ số ICOR của Việt Nam dừng ở mức 5,1, đã có những cảnh báo về sự lãng phí trong đầu tư và hiệu quả thấp trong sử dụng nguồn lực của Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ số ICOR luôn lập những mốc mới trong 2 năm liên sau đó, lần lượt là 6,7 và 7,3, rơi vào nhóm cao so với các nước trên thế giới.

“ICOR cao và tăng, hiệu quả đầu tư thấp và giảm là một trong những yếu tố tiềm ẩn, sâu xa của lạm phát cao, lặp đi lặp lại, là nguyên nhân quan trọng gây bội chi ngân sách, làm tăng nợ công, tăng nhập siêu…”, ông Tú Anh nói.

Bất ổn vẫn lớn

Mặc dù cho rằng, bộ dữ liệu của CIEM thực sự đáng nể, thể hiện rõ xu hướng, song ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển chiến lược (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, phần lớn các điểm đạt được mới chỉ là gỡ rối, chứ chưa chạm vào được bản chất - chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

“Doanh nghiệp vẫn chết nhiều, 4 tháng đầu năm 2015 có hơn 19.000 doanh nghiệp. Có phải môi trường kinh doanh mới tốt cho doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp lớn? Tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng ở siết chặt, nhưng vai trò quan trọng hơn của đầu tư công là xúc tác, là vốn mồi để tạo ra chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn chưa có. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn hình thức? Tôi rất lo khi chỉ tiêu về lao động qua đào tạo - lĩnh vực sẽ tác động đến nâng cao nguồn nhân lực, tạo đột phá về chất trong tăng trưởng, lại là chỉ tiêu duy nhất không đạt kế hoạch trong năm 2014…”, ông Bích Hồ đặt hàng loạt câu hỏi.

Bà Phạm Chi Lan cũng đồng tình khi nhắc tới chi tiết tỷ lệ đầu tư cho công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam “ổn định” trong suốt 5 năm qua, theo nghiên cứu của các chuyên gia CIEM, Tổng cục Thống kê, Đại học Copenhagen (Đan Mạch) trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam.

Ngay trong sự trở lại của thâm hụt thương mại quý I/2015 cũng bộc lộ vấn đề lớn về cơ cấu chưa giải quyết được. “Trong cơ cấu hàng nhập của Việt Nam, có nhiều hàng hóa nguyên liệu, máy móc, nhưng bản chất vẫn là hàng tiêu dùng, như nhập khẩu phụ tùng về lắp ráp ô tô… Vì vậy, khi kinh tế cải thiện, nhu cầu tiêu dùng tăng, thâm hụt trở lại, minh chứng rằng thâm hụt không hẳn là do sản xuất tăng”, ông Tú Anh thừa nhận.

Đó là chưa kể tới các bộ, ngành, địa phương vẫn đang bị động trong thực hiện quá trình này. Hà Nội và TP.HCM chưa có chương trình hành động và chiến lược tái cơ cấu của địa phương. Tái cơ cấu kinh tế vùng chưa được thực hiện. Chiến lược xây dựng các cụm liên kết ngành lớn để tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô và lợi thế nhờ tích tụ công nghiệp chưa hình thành. Luật quy hoạch vẫn chưa được ban hành do đó quy hoạch tổng thể ngành kinh tế xã hội vẫn chưa được thực hiện…

Trong khi đó, nếu không giải quyết nợ xấu, nếu còn sử dụng “công cụ bào mòn nợ xấu” qua mô hình Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), thì chưa thể giảm tiếp lãi suất cho vay, hơn thế, chi phí trang trải nợ xấu của các ngân hàng lại đang đổ lên vai người gửi tiền tiết kiệm và người vay tiền. Điều này có thể nhìn thấy qua mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay cao của các ngân hàng thương mại hiện tại.

Cũng phải nhắc tới cả Chỉ thị hỏa tốc 07/CT-TTg mới được ký cuối tháng 4/2015 về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Hạn định mới cho các bộ, ngành, địa phương về báo cáo chính xác danh mục và số nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến hết ngày 31/12/2014 theo từng nguồn vốn là trước ngày 30/6/2015. Trước đó, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 27/CT-TTg và Chỉ thị 14/CT-TTg về vấn đề này, nhưng kết quả các cuộc thanh tra sau đó đều cho thấy kỷ luật đầu tư công vẫn là mối lo lớn của nền kinh tế.

Chính điều này khiến hàng loạt vấn đề của nền kinh tế đang bị treo và khiến nhiều chuyên gia kinh tế cảm thấy lo ngại. “Chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa, nếu không sẽ trật đường ray phát triển”, ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM cảnh báo.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: DN tư nhân là động lực của nền kinh tế
 Đối thoại với các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, doanh nghiệp tư nhân chính là nền tảng, là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư