Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
M&A nhiều lần hay thâu tóm một lần?
Anh Vũ - 29/08/2015 08:51
 
Đâu là giải pháp tối ưu cho những doanh nghiệp có ý định mua bán - sáp nhập (M&A) trong bối cảnh nay: M&A đánh từng mẻ cá nhỏ hay thâu tóm toàn bộ một lần?

Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (HVG) không chỉ là một trường hợp điển hình trong việc chủ động lựa chọn M&A, mà là công ty đi thâu tóm nhiều lần, với kết quả được đánh giá là thành công hơn so với thâu tóm một lần.

Minh chứng là, năm 2003, HVG được thành lập với số vốn ban đầu 32 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản. Đến năm 2014, Hùng Vương đã thực hiện hàng loạt vụ mua lại, như thâu tóm Hùng Vương miền Tây, Công ty Thủy sản An Giang (AGF) và Việt Thắng…

Ông Đỗ Thế Hiển, Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn và Giáo dục Vietburning thử sức giải quyết chủ đề nóng của chương trình
Ông Đỗ Thế Hiển, Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn và Giáo dục Vietburning thử sức giải quyết chủ đề nóng của chương trình tuần này

Đồng thời, Hùng Vương thực hiện hàng loạt thương vụ M&A khác để hoàn thiện cả quy trình hoạt động theo chuỗi giá trị, từ nuôi trồng, chế biến và phân phối thủy sản, nhắm đến mục tiêu trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực này.

Ngoài HVG, Tập đoàn Masan, Công ty cổ phần Xuyên Thái Bình (Pan Pacific), Công ty cổ phần Kinh Đô… cũng thực hiện chiến lược đi thâu tóm, tập trung mục tiêu vào những doanh nghiệp cùng ngành, lĩnh vực để tăng trưởng và phát triển theo chiều ngang, đồng thời phát triển theo chiều dọc chuỗi giá trị; hoặc thâu tóm khác ngành, lĩnh vực để phát triển nhóm công ty đa dạng.

Tùy từng ngành, lĩnh vực mà áp dụng những chiến lược trên. Chẳng hạn, với ngành hàng tiêu dùng, có thể thâu tóm nhiều lần để tạo ra lợi nhuận nhờ tận dụng được toàn bộ quy trình sản xuất, hệ thống phân phối, thương hiệu.

Với những doanh nghiệp quy mô lớn, việc xác định chiến lược M&A rõ ràng như trên không có nhiều băn khoăn, bàn cãi. Nhưng với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, trước khi đánh cược vận mệnh vào các thương vụ M&A thì còn nhiều điều hoang mang.

Chẳng hạn, thấy hoạt động kinh doanh gặp nhiều thuận lợi, có cơ hội để phát triển, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối các mặt hàng nông sản đã quyết định mở rộng quy mô thông qua M&A. Cụ thể, HĐQT (bao gồm cả CEO) đã quyết định xây dựng chuỗi cửa hàng bán lẻ của riêng mình. Sau quá trình nghiên cứu, doanh nghiệp nhận thấy có cơ hội mua lại một chuỗi cửa hàng bán lẻ đã hoạt động sẵn của một doanh nghiệp đang là đối tác lớn phân phối sản phẩm của Công ty (và sản phẩm cùng ngành của các nhà sản xuất khác).

Nếu thâu tóm được chuỗi cửa hàng này, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thực hiện được kế hoạch của mình với một hệ thống đã có sẵn, không mất nhiều công sức để thiết lập từ đầu. Tuy nhiên, để thâu tóm được, doanh nghiệp cần một khoản đầu tư khá lớn, kèm theo đó là những phức tạp trong chế độ nhân sự khi sáp nhập. Do đó, HĐQT đã xuất hiện 2 luồng ý kiến khác nhau.

“Cơ hội để tìm được một đối tác phù hợp và đạt được nhiều tiêu chí theo yêu cầu của Công ty không dễ. Chúng tôi muốn đầu tư vốn ngay để thâu tóm toàn bộ chuỗi. Có như vậy, sau M&A thành một khối đồng nhất, có họa cùng chịu, có phúc cùng hưởng”, một thành viên trong HĐQT cho biết.

Trong khi đó, CEO lại cho rằng, không nên đầu tư để thâu tóm họ ngay như thế, mà nên tiến hành hợp tác với họ theo hình thức liên doanh để có thể tiếp tục tìm kiếm cơ hội khác tốt hơn. “Biết đâu sẽ có đối tác khác làm tốt hơn trong tương lai, đối tác nước ngoài hợp tác, mở rộng mạng lưới phân phối ra thị trường nước ngoài… Việc hợp tác liên doanh sẽ giúp hai bên giữ thế độc quyền của mình và chỉ hợp tác cùng làm ăn, cùng phân chia lợi nhuận. Các bên độc lập, có chiến lược, có kế hoạch và bộ máy điều hành riêng của mình”, CEO nói.

Những ý kiến trái chiều này sẽ được phân tích, tranh luận tiếp vào cuối tuần này thông qua Chương trình CEO – Chìa khóa thành công.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam: chờ dòng vốn nóng từ Thái Lan
Dự kiến sẽ có một luồng vốn rất lớn từ Thái Lan đổ vào Việt Nam trong thời gian tới thông qua hoạt động M&A.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư