Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
M&A theo chiều dọc có là lựa chọn khôn ngoan?
Thanh Huyền - 24/12/2016 08:53
 
Trong bối cảnh các doanh nghiệp lớn đang sử dụng kênh mua bán và sáp nhập (M&A) nhằm lấn sân sang lĩnh vực mới, M&A theo chiều dọc vẫn là một chiến lược không nên bỏ qua.

Trên thị trường tài chính Việt Nam, thương vụ M&A của Công ty cổ phần Kinh Đô (hiện là Tập đoàn KIDO) mua lại thương hiệu kem Wall’s từ Tập đoàn Unilever vào năm 2003 có thể nói là bài học kinh điển.

Khi đó, kem Wall’s là thương hiệu lớn, đã có lượng khách hàng riêng, do vậy, nhiều người đã dự đoán  ,KIDO sẽ gặp khó khi thương vụ nhượng quyền kết thúc.

Bà Vũ Thị Mai (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này
Bà Vũ Thị Mai (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này

Thực chất, trước khi thương vụ M&A này diễn ra, từ năm 1997, KIDO đã xây dựng một nhà máy trong Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi với diện tích khoảng 23.728m2, tổng vốn đầu tư 20 triệu USD, công suất 9 triệu lít kem/năm. thời điểm đó, đây là nhà máy hiện đại bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á, được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu. Thương vụ M&A này đã giúp KIDO tận dụng hơn 50% thị phần và kênh phân phối từ kem Wall’s  (gồm 130 nhà phân phối và 4.000 điểm bán lẻ) và KIDO chỉ làm mỗi việc thay thế hình ảnh trên các tủ kem. Cùng với hệ thống vốn có, sau thương vụ, KIDO đã có 30.000 điểm bán trên toàn quốc.

Chiến lược M&A theo chiều dọc (trong chuỗi cung ứng) của KIDO đã đem lại “quả ngọt” cho doanh nghiệp này. 13 năm sau thương vụ ấy, với thị phần tại Việt Nam chiếm khoảng 37%, đem lại lợi nhuận dự kiến năm 2016 từ mảng kem đạt khoảng 200 tỷ đồng, sự thành công của KIDO là điều bất cứ ai cũng phải công nhận.

Lựa chọn chiến lược M&A theo chiều dọc cũng là phương án mà CEO của một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đang cân nhắc lựa chọn để mở rộng quy mô.

Vốn xuất phát từ mô hình doanh nghiệp gia đình, nhờ những nỗ lực trong cải tổ và chuyển đổi bộ máy điều hành từ mô hình gia đình sang chuyên nghiệp thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty này ngày càng ổn định, phát triển. Với đà phát triển và những lợi thế đó, doanh nghiệp đặt ra mục tiêu phát triển nhanh và chớp lấy thời cơ để mở rộng và phát triển.

CEO dự định mở rộng chuỗi giá trị của công ty bằng cách mua lại một công ty phân phối đang sở hữu gần 20 cửa hàng trên toàn quốc, nhưng đang lúng túng trong cải tổ để thoát ra khỏi mô hình gia đình. CEO tin chắc, với kinh nghiệm cải tổ của mình, hứa hẹn doanh nghiệp sẽ có mạng lưới phân phối khá rộng với chi phí thấp thông qua thương vụ này.

Trong khi đó, các cổ đông nghiêng về phương án phát triển theo hướng mở rộng quy mô bằng cách mua lại các công ty sản xuất để tận dụng được những ưu thế sẵn có về sản xuất, còn ở lĩnh vực phân phối, vì không am hiểu sâu nên rất dễ gặp rủi ro và thất bại trong thương vụ này.

Không nhận được sự đồng tình của các cổ đông, CEO đã “cầu cứu” hai chuyên gia là ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn Chiến lược Robenny Khu vực Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương và Tiến sĩ Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, Tổng giám đốc Kinh Đô Miền Bắc.

Hai chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực M&A này sẽ đưa ra chiến lược nào giúp CEO có thể vận dụng cho doanh nghiệp của mình, đồng thời, thuyết phục các cổ đông? Câu trả lời sẽ có trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công cuối tuần này. Bà Vũ Thị Mai, Tổng giám đốc Công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai sẽ tiếp tục ngồi tại vị trí người chơi với những chia sẻ thú vị về lĩnh vực sản xuất và kinh doanh đồ gỗ.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất, với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Chất lượng lao động: Lỗi ở tư duy quản trị
Trong buổi Tọa đàm Vietnam HR Award 2016 vừa diễn ra tại TP.HCM, nhiều diễn giả cho rằng, tài sản quý nhất của một công ty là người phù hợp. Nghĩa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư