Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Mảnh ghép lớn trong bức tranh tăng trưởng của ngành du lịch
Khánh Linh - 21/01/2018 08:18
 
Du lịch Việt Nam khép lại năm 2017 với những con số kỷ lục: đón khoảng 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,1% so với năm 2016; lượng khách nội địa cũng tăng khoảng 25%, đạt 73,2 triệu lượt khách.

Chủ động quảng bá sản phẩm du lịch

Tổng doanh thu từ khách du lịch năm 2017 ước đạt hơn 510.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 7% vào GDP; nếu tính riêng tỷ lệ tăng tưởng 6,81% GDP của cả nước thì mức đóng góp của ngành chiếm xấp xỉ 1%. Một trong những động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển bứt phá này trong thời gian qua phải kể tới sự phối hợp và gia tăng đầu tư, xúc tiến quảng bá của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, lữ hành.

Triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tổng cục Du lịch đã đưa ra nhiều chính sách cởi mở như miễn visa cho khách du lịch từ 23 nước và cải cách thủ tục nhập cảnh điện tử... Nắm bắt những xu thế và điều kiện mới, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định sự nhạy bén, năng động để tạo động lực phát triển cho mình và nâng tầm du lịch Việt.

.
Trong những năm tới, ngành du lịch và các doanh nghiệp cần phải làm nhiều hơn nữa để du lịch Việt đủ sức cạnh tranh vươn ra quốc tế.

Trong năm 2017, Tổng cục Du lịch đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch Việt Nam tại các hội chợ, triển lãm du lịch lớn ở những thị trường trọng điểm. Điểm sáng của những chương trình này là số lượng các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tham gia tăng vượt bậc, như tại hội chợ triển lãm du lịch lớn nhất khu vực Tây Âu (ITB Berlin), có 62 doanh nghiệp Việt tham gia, đây là một con số kỷ lục. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp còn chủ động đầu tư đa dạng sản phẩm, hoạt động quảng bá, đặc biệt chú trọng những gian hàng ấn tượng và tạo tính tương tác cao, nhằm thu hút khách tham quan.

Doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động gặp gỡ các hiệp hội du lịch lớn trên thế giới để tìm hiểu nhu cầu và đặc điểm của du khách các nước, từ đó tạo lập các mối quan hệ tin cậy để hợp tác phát triển. Trước đây, các doanh nghiệp của nước ta thường bán những thứ mình có, chứ không phải thứ người ta cần. Quá trình tiếp xúc, tìm hiểu qua những sự kiện như vậy đã giúp các doanh nghiệp chuyển đổi dần tư duy làm du lịch, sáng tạo những sản phẩm đáp ứng yêu cầu riêng biệt của các nước.

Bên cạnh những bước tiến nhất định, ngành du lịch Việt Nam còn tồn tại một số “điểm nghẽn”, trong đó phải kể tới các hoạt động còn rời rạc, mờ nhạt và thiếu tính sáng tạo, chủ yếu do ngân sách hạn hẹp và không tập trung. Ông Nguyễn Hữu Việt, Phó trưởng phòng Xúc tiến du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch TP. Hà Nội nhận xét: “Mỗi năm, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ chi khoảng 2 triệu USD cho việc quảng bá hình ảnh quốc gia, trong đó 1 triệu USD cho công tác xúc tiến và 1 triệu USD để quảng bá văn hóa, du lịch. Trong khi các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Malaysia chi hàng trăm triệu USD/năm cho công tác quảng bá”.

Ngoài ra, tư duy “ăn xổi”, những hành vi “chặt chém”, “bạo hành” vẫn còn tồn tại trong ngành và gây mất điểm trong lòng du khách. Điều này thể hiện ở trong Báo cáo 2017 của Tổ chức Du lịch Thế giới, Việt Nam bị xếp hạng thấp ở mức độ bền vững về môi trường (hạng 129), chất lượng hạ tầng du lịch (hạng 113) trên tổng số 136 nền kinh tế.

Ứng dụng công nghệ trong thời đại 4.0

Theo điều tra từ những cơ quan hàng đầu như ComScore, eMarketer..., thói quen tìm hiểu thông tin du lịch và chọn đặt phòng, vé máy bay và các tour của du khách đang thay đổi trong kỷ nguyên số, đặc biệt là giới trẻ.

Tại Việt Nam, 48% người dân tìm kiếm thông tin đặt phòng và 42% người xem xét các tour du lịch trên điện thoại di động. Khảo sát khách du lịch mới đây của Vietnam Report cũng cho thấy, có tới hơn 90% người được hỏi lựa chọn tìm hiểu về tour qua Internet, ngoài ra, hỏi người quen/bạn bè hay qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Do đó, nhiều hãng lữ hành, đại lý du lịch lớn đã và đang đẩy mạnh trang thương mại điện tử riêng để bán sản phẩm. Tổng cục Du lịch cũng đã nhận thấy xu hướng thời đại và đang xây dựng Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển nền tảng công nghệ.

Ngoài xu thế thương mại điện tử, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nắm bắt sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội và những ứng dụng công nghệ tương tác để lập các chiến dịch quảng bá rộng rãi. Tuy nhiên, để tạo được sức ảnh hưởng và lan tỏa rộng lớn hơn, Tổng cục Du lịch cần phối, kết hợp các doanh nghiệp và người dân, đưa ra các chiến dịch độc đáo quảng bá hình ảnh Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt nam còn có thể học hỏi từ các chiến dịch đã thành công của Philippines với “It’more fun in Philippines”, hay chiến dịch kêu gọi viết giới thiệu về đất nước Thái Lan trên Wiki và Wiki Travel, hoặc chiến dịch sử công nghệ thực tế ảo tại sân bay Inchoen, Hàn Quốc...

Trong những năm tới, ngành du lịch và các doanh nghiệp còn rất nhiều việc phải thực hiện, tái cơ cấu, cải thiện chất lượng dịch vụ để nâng tầm du lịch Việt Nam. Điều quan trọng nhất trong hoạt động kinh doanh du lịch của mỗi doanh nghiệp là sự tôn trọng và lấy khách hàng làm trung tâm, lấy hoạt động giới thiệu, quảng bá bản sắc dân tộc, phát triển bền vững làm trách nhiệm. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp du lịch Việt mới có thể lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh vươn ra quốc tế.

“Nhà đầu tư chiến lược đã viết nên câu chuyện mới cho du lịch Việt Nam”
Đà Nẵng từ một làng chài nghèo đã thành điểm đến hấp dẫn số một Việt Nam, Hạ Long trở lại thời hoàng kim với Bãi Cháy đẹp như Hawaii, với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư