Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Mở cửa cho khối doanh nghiệp đầu tư phòng chống HIV
Chí Tín - 01/12/2015 21:26
 
Lần đầu tiên, việc mở cửa cho khối doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS được đặt ra một cách nghiêm túc. Điều ngạc nhiên là thị trường này cũng không hề kém phần sôi động.
.
Thanh niên Huế hưởng ứng vẽ tranh với chủ đề "phòng chống HIV/AIDS". Nguồn ảnh: Dantri.com.vn

Hiện nay, khoảng 80% nguồn ngân sách tại Việt Nam cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS từ các nhà tài trợ quốc tế. Tuy nhiên, với việc Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, các nguồn tài trợ của quốc tế cho hoạt động phòng chống HIV sẽ không còn, bởi hiện chưa có cam kết tài chính nào sau năm 2017. Không chỉ có vậy, nguồn ngân sách nhà nước hiện cũng rất eo hẹp, không những khó có khả năng bù đắp được khoảng trống thiếu hụt do các nguồn tài trợ chấm dứt, mà thậm chí cũng có xu hướng bị cắt giảm. Chi ngân sách nhà nước cho điều trị HIV/AIDS năm 2013 là 245 tỷ đồng, nhưng chỉ còn 80 tỷ đồng trong năm 2014.

Trong khi đó, nhu cầu ngân sách chi cho điều trị HIV/ADIS tại Việt Nam sẽ không giảm, mà còn tăng dần qua các năm. Theo ước tính, năm 2016 sẽ cần khoảng 539 tỷ đồng, đđến năm 2020 cần hơn 921 tỷ đồng. Tương ứng với những con số trên, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 152 tỷ đồng để mua thuốc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS vào năm 2016, thiếu hơn 921 tỷ đồng vào năm 2020.

Trong bối cảnh vô cùng bức thiết hiện nay, đã le lói một “tia hy vọng”, đó là những giải pháp kết hợp giữa khối nhà nước và tư nhân nhằm bù đắp tình trạng tài chính thiếu hụt nghiêm trọng hiện nay. Ông John Eyres, Giám đốc Văn phòng y tế, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho biết, để đạt được mục tiêu đẩy lùi HIV/AIDS và đảm bảo có đủ nguồn cung ứng thuốc cho các bệnh nhân mới, Việt Nam cần áp dụng các giải pháp tăng cường sự đóng góp của xã hội trong công cuộc phòng, chống HIV.

Theo đó, khối tư nhân và doanh nghiệp xã hội là những tác nhân mới quan trọng trong chiến lược dự phòng HIV tại Việt Nam, các doanh nghiệp tư nhân tham gia “cuộc chơi” này hoàn toàn không thua thiệt về mặt kinh tế. Cụ thể, các công ty sản xuất và các nhà phân phối bao cao su, chất bôi trơn và bơm kim tiêm trong nước đã có xu hướng đầu tư vào thị trường nội địa để cung cấp các sản phẩm có chất lượng tốt, với giá cả phải chăng cho các nhóm dân cư có nhu cầu. Số người tiêu dùng đang tìm kiếm các dịch vụ xét nghiệm HIV từ khối tư nhân ngày một tăng. Các doanh nghiệp xã hội ngày càng có uy tín để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ xét nghiệm HIV cho các nhóm dân cư có nguy cơ lây nhiễm HIV.

Thực tế, xu hướng đầu tư này là làn sóng kinh doanh thực thụ đang rộng mở trong con mắt kinh doanh, chứ không phải hoạt động xã hội đơn thuần. Các con số thống kê của Dự án Thúc đẩy tăng trưởng thị trường cho thấy, có tới 5 triệu bao cao su nhãn hiệu tiếp thị trước đây đã được bán với giá thương mại.

Thống kê số liệu trong 3 tháng gần đây của 3 nhà cung cấp các dịch vụ liên quan đến phòng chống HIV quốc tế đã đặt chân đến thị trường Việt Nam cho thấy, số liệu của FSW có tới 66,9% sản phẩm được bán thương mại, PWID có 85,9% sản phẩm bán thương mại, MSM có 79,2% sản phẩm được bán thương mại.

Bà Kimberly Green, Giám đốc Dự án Thúc đẩy tăng trưởng thị trường cho biết, một số tổ chức vốn chỉ hoạt động cộng đồng trước đây cũng có thể nắm bắt xu hướng thị trường này để tiếp tục tồn tại sau khi các nguồn tài trợ quốc tế rút đi. Theo đó, các tổ chức này có thể chuyển đổi từ việc hoàn toàn sử dụng kinh phí tài trợ, sang kinh doanh một số dịch vụ, tạo nguồn thu để tái đầu tư duy trì các hoạt động cộng đồng.

Hé mở con đường mới trong việc tìm thuốc trị SIDA
“Kick-and-kill” là phương pháp thử nghiệm mới mà các nhà khoa học đưa ra trong hội nghị Quốc tế về SIDA hôm qua, đây là phương pháp này nhắm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư