Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Mở đường cho các quỹ đầu tư vào start-up Việt
Kỳ Thành - 25/09/2016 11:41
 
Thừa nhận và tạo điều kiện thông thoáng, thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư thiên thần là chìa khóa thành công để khuyến khích các start-up Việt.
TIN LIÊN QUAN

Một thông tin vui cho cộng đồng startup là vừa qua, Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) đã chính thức ra mắt website và tuyển các start-up công nghệ trong khu vực Đông Nam Á.

VIISA sẽ tiến hành lựa chọn các startup để đi vào vòng đào tạo dựa trên các tiêu chí: có một đội ngũ mạnh để thực hiện ý tưởng kinh doanh; ý tưởng công nghệ đã được ứng dụng trên thực tế; khả năng mở rộng kinh doanh và phát triển bền vững trong tương lai.

10 start-up khi được lựa chọn sẽ được đội ngũ cố vấn của VIISA đào tạo trong vòng 4 tháng (trong đó có 1 tháng đào tạo trực tuyến và 3 tháng trực tiếp). Mỗi start-up dự kiến được rót vốn từ 15.000 USD cho đến 5% giá trị định giá công ty trong suốt quá trình đào tạo và đến khi tốt nghiệp cũng như nhiều hỗ trợ khác.

.
.

Đây chỉ là một trong khoảng 20 quỹ đầu tư dành cho các start-up đang hoạt động tại Việt Nam. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, con số này “chưa là gì cả”. Ông Bình dẫn giải, tại các nước mà cộng đồng start-up phát triển mạnh như Mỹ, Israel, con số này là hàng trăm với quy mô vốn cả tỷ USD, trong khi Việt Nam mới chỉ vài chục triệu USD.

Tại một hội thảo quốc tế về khởi nghiệp vừa được tổ chức giữa tuần này, các chuyên gia đánh giá, để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp và biến Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp thì phải có chính sách và luật dành cho khởi nghiệp.

Ông Võ Trần Đình Hiếu, Giám đốc nghiệp vụ mảng đầu tư công ty tư nhân của Dragon Capital Group cho hay, vì các lý do như chưa hoàn thiện về chính sách mà Việt Nam đang mất dần thị phần đầu tư mạo hiểm cho các nước như Indonesia…

Theo ông Trương Gia Bình, đầu tư mạo hiểm đang bị “hòa chung” trong Luật Đầu tư, trong khi đó hình thức đầu tư mạo hiểm rất khác, thậm chí đòi hỏi thành lập công ty và rút vốn trong 1 ngày.

Bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Dự án Silicon Valley Việt Nam cho biết, thông qua dự án, có rất nhiều Việt kiều đăng ký đầu tư mạo hiểm vào các start-up Việt. “Có cá nhân cho biết, mỗi một lần gọi vốn họ sẵn sàng rót 100.000 USD, nhưng thoái vốn thế nào, tiền về thì thu hút vào đâu là điều họ băn khoăn”, bà Lê Anh nói.

Có thể thấy, xây dựng quốc gia khởi nghiệp không chỉ là khuyến khích, kêu gọi cộng đồng start-up, mà còn dựa trên những chính sách cho các quỹ đầu tư.

Khẳng định rằng, Việt Nam có thể xây dựng thành công hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông chia sẻ, trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà Bộ đang xây dựng, sẽ tạo điều kiện đăng ký thành lập doanh nghiệp một cách đơn giản nhất. Đặc biệt, trong đó thừa nhận các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư tăng tốc.

“Một điều kiện nữa để thu hút họ là những dòng tiền đầu tư mạo hiểm là phải giảm trừ thuế”, Thứ trưởng Đông nêu rõ.

Ông Đặng Huy Đông cũng cho rằng, quỹ đầu tư của Chính phủ dành cho các startup là một ý tưởng đột phá. Tuy nhiên, quỹ này phải “thoát” được quy định về duy trì và bảo toàn vốn của Nhà nước. Quỹ này không nên đầu tư 100% mà chỉ nên tối đa 30% vốn của Nhà nuớc, bởi 70% vốn tư nhân “rất thông minh”. Sau 2-3 năm, khi xã hội nhận thức được lợi ích thì Nhà nước có thể rút và không tham gia.

Trước các ý kiến của chuyên gia và doanh nghiệp, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan sớm có các hướng dẫn cụ thể về đầu tư mạo hiểm theo hướng khuyến khích các thành phần cùng tham gia (cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp, quỹ đầu tư tư nhân/nước ngoài), đồng thời có chính sách ưu đãi, thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài (về thủ tục cấp phép, cho phép rút vốn), thủ tục thành lập/giải thể doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, tạo chính sách thông thoáng cho việc hình thành các vườn ươm khởi nghiệp (Incubator) và Quỹ tăng tốc khởi nghiệp (Accelerator), nhất là cho phép các startup hoạt động trong Accelerator được thí điểm các mô hình kinh doanh sáng tạo, tạo chính sách ưu đãi thuế thu nhập do bán cổ phần, đầu tư mạo hiểm của doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lý.

Nếu các chính sách, quy định trên sớm được đưa vào thực hiện, kỳ vọng về sự nở rộ các quỹ đầu tư dành cho start-up Việt là điều hoàn toàn có thể.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư