Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Mở quán trà đá cũng là khởi nghiệp?
Vũ Hạnh (VOV) - 05/12/2016 09:01
 
Mở một quán phở gia đình, sáng 5h dọn, 8h đóng cửa…thì không thể gọi là khởi nghiệp, mà phải làm theo kiểu tích hợp hệ thống.
TS Nguyễn Việt Thắng - Phó tổng giám đốc kinh doanh khối khách hàng chiến lược Công ty Sao Bắc Đẩu
TS Nguyễn Việt Thắng - Phó tổng giám đốc kinh doanh khối khách hàng chiến lược Công ty Sao Bắc Đẩu

Nhiều người bắt đầu công cuộc kiếm sống của mình bằng việc đi bán hàng thuê, mở cửa hàng kinh doanh, mở quán bán phở hoặc trà đá… Liệu đây có phải là những bước đi đầu tiên của khởi nghiệp? Trong xu thế toàn cầu hóa, khởi nghiệp đòi hỏi những yêu cầu gì?

Để làm rõ những nội dung này, cùng trò chuyện với TS Nguyễn Việt Thắng - Phó tổng giám đốc kinh doanh khối khách hàng chiến lược (Công ty Sao Bắc Đẩu).

Nhiều người băn khoăn, liệu mình mở một quán bán phở hay trà đá thì có được cho là khởi nghiệp? Theo quan điểm của anh, nên hiểu thế nào về khởi nghiệp?

Trong cuốn “Quốc gia khởi nghiệp” của Israel nói rất rõ rằng: Nếu bạn làm chủ được một cái gì mà bạn có thể chủ động được dòng tiền của chính nó thì bạn hãy khởi nghiệp với nó.

Vậy với làm phở bạn khởi nghiệp như thế nào? Bán phở có phải khởi nghiệp không? Theo tôi, nếu mở một quán phở thế này thì là khởi nghiệp: Tôi mở 1 quán phở và gọi 7-8 đối tác đến, tôi chỉ nấu một nồi nước dùng thật chuẩn, còn lại các đối tác khác là cung cấp thịt thái sẵn, bánh phở, hành, rửa bát, bàn ghế… Tôi thì có địa điểm và thuê nhân công phục vụ và sẽ nâng cao khâu phục vụ.

Trong thời gian nhanh nhất, có thể là 1 năm thương hiệu phải trở nên đẹp và sau 3 năm phải có 10 quán như vậy trên toàn thành phố. Và tất cả những quán này đều được quản lý bằng một chuỗi cung ứng chuẩn. Khởi nghiệp ngày nay phải như vậy. Có thể là phở hay cà phê nhưng phải theo chiều hướng đó. Chứ không phải mở một quán phở gia đình, sáng 5h dọn, 8h đóng cửa…thì đi ngược lại trào lưu.

Suy nghĩ của người Việt là làm tốt 1 chỗ, đảm bảo chất lượng 1 chỗ. Nhưng thực tế không phải như vậy, có thể làm tốt nhiều chỗ nhưng phải quản lý chuỗi cung ứng như thế nào. Phải làm theo kiểu tích hợp hệ thống.

Bán phở ở Hà Nội mang tính gia truyền nhưng rất ít khi tìm được quán phở thứ 2 mang thương hiệu đó trên địa bàn. Nhưng bánh cuốn Thanh Trì lại có mặt ở nhiều nơi trên đất Hà Nội. Tôi đánh giá đây là mức độ cao nhất của chuỗi cung ứng. Lò tráng bánh ở chỗ khác, còn chả, hành… là do các nơi khác cung cấp. Người bán hàng chỉ có việc “bốc” bánh bán cho khách, thậm chí trà đá bán kèm cũng là người khác làm.

Sao Bắc Đẩu khá thành công trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ thông tin. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thị trường CNTT đã bão hòa. Vậy với tư cách là một trong những thành viên lãnh đạo công ty, ông có tham vấn gì trong hoạt động kinh doanh?

Các DN CNTT nếu chỉ đi theo lối mòn truyền thống thì tăng trưởng sẽ khó có sự bứt phá. Theo tôi, muốn tăng trưởng nhiều hơn đòi hỏi phải có những can thiệp vào hạ tầng cơ sở quốc gia (điện, nước, giao thông, môi trường, y tế, giáo dục…). Tuy nhiên, những ý tưởng mới có thể sẽ khó được chấp thuận. Một trong những lĩnh vực Sao Bắc Đẩu tham gia là xây dựng hệ thống giao thông thông minh chuẩn.

Khi làm như vậy thì bản thân Sao Bắc Đẩu phải có một chuỗi các công ty Ecopartner. Họ là những công ty mới khởi nghiệp, khởi nghiệp lâu rồi hoặc hoạt động lâu rồi nhưng không tự tin…Một thực tế ở nước ta là khi nghiên cứu rất hay nhưng không dám ứng dụng. Vì thế, chúng tôi đã phải sàng lọc các ecopartner. Ban đầu có khoảng 30 sau còn 5-6 công ty được chọn là những đối tác chính. Sau đó, chúng tôi cùng nhau chủ động xây dựng các giải pháp ở Việt Nam. Bây giờ, đang xây dựng hệ thống giao thông thông minh trên quốc lộ 14, quốc lộ 1, các trạm thu phí...

Tất cả các hoạt động kinh doanh mở rộng đều được phát triển dựa trên nền tảng là IT, thưa ông?

Các mục tiêu của chúng tôi đều là đưa IT vào cuộc sống. Nhưng khác với trước đây, đưa IT vào chỉ phục vụ tác nghiệp. Ngày xưa IT là word, excel… Còn bây giờ, khi sử dụng không còn thấy đâu là IT nữa mà chỉ có người nào tìm hiểu mới biết. Trước đây, chúng ta có đề án phổ cập tin học, nhưng giờ không cần nữa, vì đứa trẻ con 5 tuổi cũng đã biết sử dụng smartphone để lướt web, vào Face, chơi game…Nghĩa là mình biến chuỗi sản phẩm đó trở thành những cái dùng IT để biến đổi công nghệ  từ phương thức tiếp cận.

Trở lại với câu chuyện khởi nghiệp hiện nay. Ông có nhận xét gì về cách các bạn trẻ và nhiều người ở Việt Nam khởi nghiệp?

Việt Nam có dân số trẻ nên cái gì họ chọn thì không phải cân nhắc nhiều. Việc đeo bám và bám đuổi mục tiêu nhanh, có thể không đạt thì bỏ làm mục tiêu mới.

Tôi đi Đài Loan, có những giáo sư 60 tuổi nghỉ hưu vẫn mở doanh nghiệp sản xuất thiết bị smarthome, giá rất rẻ chỉ khoảng 60 USD/bộ, nếu đặt hàng nhiều thì có thể giá còn giảm nữa.

Điều này có thể thấy, xã hội có một nền tảng nào đấy thì mới hướng nhanh người khởi nghiệp vào lĩnh vực sản xuất. Ngược lại, xã hội mình, nền tảng của khoa học cơ bản liên quan điện tử, chế tạo… yếu, mà thường mình hay giấu nên hay khởi nghiệp từ những thứ như cà phê, nhà hàng, chuỗi thời trang… nhưng khó tìm thấy sản xuất (thiết bị hay một cái gì đó). Startup của mình đang không theo xu thế chung của thế giới. Thế giới họ đi sâu vào công nghệ.

Phải nói rõ rằng, khởi nghiệp đi vào cái gì cũng tốt, vì pháp luật không cấm và họ tạo được thặng dư cho xã hội. Nhưng một đất nước có dân số trẻ thế này mà mình không đi vào công nghệ, không đi vào sản xuất thì sẽ không có sự phát triển bền vững.

Tôi vẫn rất chú trọng đến sản xuất. Nếu đã làm ra một cái gì đó để có thặng dư thì lúc đó làm khởi nghiệp mới có mục tiêu. Tôi vẫn muốn có một tổ chức, tổ nhóm nào đấy định ra cho các nhóm khởi nghiệp trong xã hội hiện nay có bao nhiêu phân nhóm ngành nghề, mỗi phân nhóm ngành nghề ấy có bao nhiêu công nghệ theo đuổi. Khi chọn được ngành nghề thì mới sinh ra được nhóm có cùng ý tưởng, rồi mới lên kế hoạch về vốn, về thị trường, đặt mục tiêu bao lâu thì niêm yết.

Thực tế, nhiều người đã từng làm rất bài bản nhưng lại thất bại và họ cho rằng mình không có duyên để làm việc đó?

Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, bạn làm thành công hay thất bại trước tiên hãy hỏi chính mình là có bao nhiêu kết nối? Trước khi làm việc gì, bạn phải tham khảo bạn bè, ý kiến chuyên gia…  để hoạch định làm một hay nhiều quán.

Đơn cử như việc mở một quán phở, bạn hãy làm một quán với mô hình thật chuẩn rồi nhân rộng. Nhưng nhân rộng vào thời điểm nào, kế hoạch ra sao, lộ trình thế nào… Làm startup, thay vì mỗi người tự startup thì nên gộp vào để làm một cái lớn, có kế hoạch đầy đủ.

Xin cảm ơn ông.

Chủ tịch Câu Lạc Bộ Quản trị và Khởi nghiệp Đỗ Long: Khởi nghiệp phải “lỳ một chút”
Nhân sự kiện Câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp chính thức ra mắt tại TP.HCM ngày hôm nay (4/12), ông Đỗ Long,Tổng giám đốc Bitas, kiêm Chủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư