Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Mổ xẻ điều kiện kinh doanh giáo dục - đào tạo: Còn nhiều điều kiện làm khó nhà đầu tư
Khánh An - 08/05/2018 07:40
 
Đến lượt các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo được mổ xẻ. Có quá nhiều điều kiện làm khó nhà đầu tư.

Hai tầng thủ tục có hơn một?

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo góp ý phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của bộ này. Câu hỏi có cần thiết duy trì 2 thủ tục thành lập trường, từ mẫu giáo đến tiểu học, trung học… tiếp tục được VCCI đặt ra.

Theo Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về hoạt động đầu tư giáo dục trong các chương trình đào tạo mầm non, phổ thông, đại học; điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, nhà đầu tư phải thực hiện 2 thủ tục, gồm thủ tục cho phép thành lập và thủ tục cho phép hoạt động.

Để đầu tư trường học, nhà đầu tư cần phải làm hai bước thủ tục, với rủi ro không hề nhỏ do điều kiện kinh doanh không rõ ràng
Để đầu tư trường học, nhà đầu tư cần phải làm hai bước thủ tục, với rủi ro không hề nhỏ do điều kiện kinh doanh không rõ ràng

Đối với thủ tục thứ nhất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét và đồng ý về mặt chủ trương đối với việc thành lập cơ sở giáo dục. Cũng cơ quan này sẽ xem xét các điều kiện hoạt động của cơ sở giáo dục để thực hiện thủ tục thứ hai. Thủ tục này tương tự như thủ tục cấp phép kinh doanh của các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khác.

“Không rõ tại sao, giáo dục, đào tạo lại phải cần cấp phép qua 2 thủ tục riêng?”, VCCI đặt câu hỏi trong Công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đây không phải là lần đầu VCCI đề cập hai tầng thủ tục này. Hai năm trước, khi tham gia góp ý cho các bộ, ngành về các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Luật Đầu tư, vấn đề này đã được VCCI đặt ra. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc duy trì thủ tục cấp phép hai lần là để giúp nhà đầu tư tránh được nguy cơ bỏ nhiều vốn đầu tư thực hiện, nhưng lại bị từ chối cấp phép, dẫn tới lãng phí và thiệt hại lớn. 

Tuy nhiên, VCCI cho rằng, lập luận này không thuyết phục. “Nếu các điều kiện là rõ ràng, đã được công bố trước, nhà đầu tư không đáp ứng được đủ, thì việc từ chối cấp phép là đương nhiên, thiệt hại cho nhà đầu tư trong trường hợp này hoàn toàn xuất phát từ lỗi của nhà đầu tư. Còn nếu điều kiện không rõ ràng, chung chung, dẫn tới khả năng nhà đầu tư dù đáp ứng đủ các điều kiện, nhưng vẫn có thể bị từ chối cấp phép, dẫn tới thiệt hại, thì vấn đề là phải sửa các điều kiện cho rõ ràng, chứ không phải là thiết kế 2 thủ tục gây vướng mắc, tốn kém thời gian nguồn lực của nhà đầu tư”, VCCI nêu rõ trong ý kiến gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

VCCI đề nghị thiết kế lại theo hướng nhà đầu tư chỉ cần phải một lần xin giấy phép, nhập hai thủ tục xin cấp phép thành lập và hoạt động vào làm một.

Phát hiện giấy phép con

Cũng phải nói thêm, thời gian Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi dự thảo lấy ý kiến VCCI quá ngắn, chỉ có 2 ngày làm việc, kể từ khi nhận công văn đến hạn phải trả lời, nên VCCI không kịp tổ chức lấy ý kiến các doanh nghiệp.

Nhưng, các chuyên gia pháp lý của VCCI cũng kịp phát hiện nhiều điều kiện quá chung chung, làm khó doanh nghiệp. Những quy định kiểu như “có đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên đạt tiêu chuẩn, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục” tưởng như cần, nhưng sẽ rất khó tìm được câu trả lời thế nào là “đủ về số lượng”, “đồng bộ về cơ cấu”…  

Trước đó, khi rà soát điều kiện kinh doanh lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đề nghị bỏ nhiều điều kiện dạng này, hoặc chuyển sang tài liệu hướng dẫn, như quy định diện tích khu đất xây dựng bình quân tối thiểu; diện tích sàn xây dựng tối thiểu/học sinh; khuôn viên của trường có tường bao ngăn cách với bên ngoài; sân chơi phải bằng phẳng có cây bóng mát; sân tập phù hợp và bảo đảm an toàn cho học sinh...

VCCI cũng không hiểu tại sao lại đưa yêu cầu “kế toán, thủ quỹ đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm” là một điều kiện kinh doanh, vì đây không phải là điều kiện đặc thù của hoạt động trung tâm ngoại ngữ, tin học…

Đặc biệt, VCCI đã phát hiện một loại giấy phép con đang tồn tại trong quy định về điều kiện thành lập trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm công lập; cho phép thành lập trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm tư thục (Điều 78, Nghị định 46/2017/NĐ-CP). Trong các điều kiện được đề cập, Điều 78 yêu cầu có văn bản chấp thuận về việc thành lập trường trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của UBND cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính (trừ trường hợp trường trực thuộc UBND cấp tỉnh). 

“Đây là một loại giấy phép con vì Nghị định 46 không quy định điều kiện, trình tự, thủ tục để có được loại giấy phép này. Hơn nữa, xét về mặt mục tiêu, không rõ yêu cầu phải có loại giấy phép này nhằm mục đích gì? Trong khi về mặt thực tế, Nghị định 46 đã quy định khá nhiều điều kiện nhằm đảm bảo hoạt động của cơ sở giáo dục này? Đề nghị cân nhắc bỏ quy định này”, VCCI kiến nghị.

Trước đó, trong buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 91 điều kiện kinh doanh, chiếm 42,9% (cắt giảm 75 điều kiện, đơn giản hóa 16 điều kiện) trong năm 2018. 

Như vậy, cùng với kết quả năm 2017, số điều kiện kinh doanh mà bộ này đã và dự kiến cắt giảm hoặc đơn giản hóa là 120/241 điều kiện hiện hành, chiếm 49,8%.

Nhưng, với những kiến nghị của VCCI, phương án trên có thể sẽ thay đổi theo hướng tăng thêm số điều kiện kinh doanh cắt giảm, sửa đổi.

Thành lập VinUni, Vingroup chính thức tham gia lĩnh vực giáo dục đại học
Tập đoàn Vingroup vừa chính thức công bố tham gia lĩnh vực giáo dục đại học với thương hiệu Đại học VinUni (VinUni). Sứ mệnh của VinUni là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư