Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
MobiTV không dễ hái quả ngọt
Hữu Tuấn - 14/05/2016 10:00
 
Nhiều thử thách đang đón chờ MobiTV khi thương hiệu mới này gia nhập một trong những thị trường khốc liệt nhất Việt Nam hiện nay.

MobiTV đang phát triển thần tốc?

Con số thuê bao mới đạt 230.000 thuê bao mới, doanh thu 342,8 tỷ đồng của MobiTV mà ông Cao Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty Mobifone công bố tại Hội nghị Sơ kết quý I/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông khiến nhiều người ngỡ ngàng và khiến nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp truyền hình trả tiền khác “choáng váng”!

Sự choáng váng trên là có lý do, bởi nếu cộng thêm cả 400.000 thuê bao có sẵn khi tiếp quản từ AVG, thì với 630.000 thuê bao, doanh thu mỗi thuê bao của MobiTV đạt tới gần 545.000 đồng. Nếu vậy, doanh thu trên mỗi thuê bao của MobiVT cao nhất thị trường, bởi hiện nay giá thuê bao truyền hình trả tiền trung bình từ 50.000 - 100.000 đồng/tháng và  “nhà đài” VIP nhất Việt Nam là K+ cũng chỉ thu ở mức 125.000 đồng/tháng.

.
MobiTV

Thứ 2, chỉ sau 3 tháng tính từ khi tiếp quản, việc phát triển được 230.000 thuê bao mới cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước phải “ngả mũ kính phục”. Cần phải biết rằng, SCTV phải mất gần 20 năm mới có được 400.000 thuê bao truyền hình kỹ thuật số (trong tổng số gần 3 triệu thuê bao của mình bao gồm cả cáp và Internet); VTC phải mất 12 năm mới có trên 600.000 thuê bao (cả số vệ tinh và số mặt đất), K+ phải mất gần 3 năm mới đạt số thuê bao hơn 200.000 thuê bao (hiện K+ đạt khoảng 1 triệu thuê bao)…

Không những “phát triển thuê bao thần tốc, doanh thu khủng”, “tân binh” MobiTV còn đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng: Phát triển 1 triệu khách hàng đăng ký mới dịch vụ truyền hình trong năm 2016 và đến năm 2020 trở thành một trong 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam.

Không dễ hái quả ngọt!

Những năm gần đây, truyền hình trả tiền đang là thị trường cạnh tranh khốc liệt nhất. Từ năm 2013 đến nay, hàng chục doanh nghiệp truyền hình trả tiền đã phải “khai tử”. Chính vì vậy, MobiTV sau khi được MobiFone mua lại với mức giá được đồn đoán là “trên trời”, sẽ làm ăn ra sao là câu hỏi được cả thị trường quan tâm.

Khó có thể đánh giá MobiTV thời điểm này, khi tân binh này mới “chào sân” một thời gian rất ngắn, nhưng cũng không khó để nhận thấy những khó khăn của MobiTV khi gia nhập thị trường.

So với các đối thủ khác, MobiTV chỉ có lợi thế là sở hữu gần 40 triệu thuê bao viễn thông. Tất nhiên, đây chỉ là lợi thế so với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền thuần túy, còn với Viettel và VNPT thì ngoài việc các ông lớn này đang sở hữu cả một hệ thống cáp quang và dải sinh thái phục vụ cho truyền hình trả tiền, các đối thủ của MobiFone đều đã gia nhập thị trường từ lâu và đã chiếm lĩnh thị trường từ trước.

Về công nghệ, MobiTV đang sử dụng công nghệ truyền hình số mặt đất (DVB-T2), một công nghệ khá hạn chế bởi địa hình và thời tiết. Vì vậy, công nghệ này chỉ có thể mở rộng thị trường, phát triển thuê bao tại các thành phố lớn và các vùng lân cận nơi có cột phát sóng truyền hình mặt đất. Về nội dung, thông thường truyền hình trả tiền phải có “đặc sản” riêng để hút khách. VTVcab, K+, SCTV,Viettel đầu tư hàng chục triệu USD mua bản quyền nhiều chương trình thể thao, giải trí, phim truyện… trong đó có cả bản quyền phát sóng Giải bóng đá Ngoại hạng Anh trị giá hơn 40 triệu USD…, hoặc như VTV có đội ngũ, thiết bị, công nghệ sản xuất chương trình nội dung vào loại bậc nhất trên thị trường quốc nội. Nhưng MobiTV thì chỉ đi mua lại, hoặc thuê các đơn vị khác sản xuất. Phương thức này đã khiến các đơn vị truyền hình trả tiền khác (giống như MobiTV) đang bị phụ thuộc các “đại gia” truyền hình khác và sau đó bị mất khách, rời bỏ cuộc chơi.

Theo ông Lê Đình Cường, Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPay), muốn phát triển tốt, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền phải xây dựng hoặc sở hữu được các chương trình, kênh riêng, nội dung khác biệt.

Rõ ràng, có nhiều chông gai đang đón chờ MobiTV. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Báo Đầu tư, khi MobiTV về tay MobiFone, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone tự tin cho biết: “MobiFone đã tính toán những ưu điểm, hạn chế về giải pháp công nghệ cũng như cách thức triển khai của các nhà cung cấp khác và vạch ra cho mình con đường đi riêng, một con đường mới không giống như các doanh nghiệp khác”.

5 năm trước, tiền thân của MobiTV là Truyền hình An Viên cũng từng đặt ra nhiều tham vọng không kém gì MobiTV bây giờ. “Tân binh” MobiTV sẽ “làm khác Viettel”, “làm khác thị trường” có đạt thành công rực rỡ, hay dẫm vết xe đổ của Truyền hình An Viên hay không là câu chuyện mà cả thị trường hiện đang chống mắt dõi theo.

"Khai tử" Truyền hình An Viên, MobiTV thế chỗ
Ngày 29/4, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone chính thức công bố tên thương hiệu của Truyền hình An Viên từ nay trở đi sẽ có tên mới là MobiTV.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư