Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Một lần đi và nghĩ…
Lương Ngọc - 09/02/2016 08:38
 
Chiều tháng Chạp, khi người người đang hối hả, náo nức cho một cái Tết, còn mình thì lẳng lặng với những âm thanh vọng về từ ký ức, trong vai một khán giả của dòng chảy bên đời, bỗng thấy trong ký ức bao nhiêu chuyện vui buồn từng gặp, bao nhiêu người từng biết cứ như đang rủ nhau ùa cả về trong nao nức, trong cả những trầm ngâm…

Năm nay Chạp lại thiếu. Tết sớm một ngày. Chỉ một ngày thôi, nhưng bao nhiêu lo toan, tất bật dường như dồn cả vào đấy. Mấy năm trở lại đây đời sống khấm khá, cái không khí rục rịch đón Tết không còn thấy như những năm xưa. Mọi thứ đều sẵn, thành thử lâu rồi vắng bóng những chiếc xe tải chở lá dong ùn ùn kéo về từ giữa Chạp, cảnh xếp hàng chen chúc bán bán mua mua cũng hết.

Vườn đào, vườn quất Nhật Tân, Quảng Bá từng là nơi lưu giữ rõ nét nhất bóng dáng của Tết xưa giờ cũng đã khác. Chưa kể đến việc những ngôi nhà, những khu phố và đặc biệt là cây cầu thế kỷ đã từ chen chân rồi đến thay thế hẳn những gốc hoa cổ kính, đưa những khu vườn dịch ra tận bãi sông, chỉ còn cái chợ hoa đầy tự phát mỗi năm xuất hiện một lần vào dịp Tết, tràn ra cả mặt đường, vừa chật chội nhưng cũng lại đầy những bâng khuâng trì níu…

.
.

Chỉ riêng cái cảnh các loại ô tô, xe máy, hay đơn giản nhất là cả một đội ngũ xe “ôm” chuyên nghiệp chở thuê đã làm vãn đi cái thư thái của những cành hoa đổ về thành phố trên những chiếc xe đạp thong dong thuở nào. Duy chỉ ánh mắt buồn hiu hắt của những người trồng hoa trong những trận gió mùa đông bắc lạc mùa chiều cuối năm là vẫn nguyên vẹn như xưa.

Người thành phố mê mải với công việc cho đến tận ngày cuối cùng của năm mới đổ ào ra phố, ùa vào các siêu thị. Chỉ cần một buổi là đã có đủ một cái Tết tươm tất. Tiện lợi đấy mà cũng bâng khuâng lắm…

*

Lại nhớ năm nào, cũng một năm Chạp thiếu. Sáng ngày cuối năm, khi phố xá đã vắng hoe, chỉ còn đôi ba người bận bịu mãi cho đến lúc này mới có chút thời gian để tất tả cho một cái Tết mà lòng thì chắc cũng chẳng mong đợi gì, tự nhiên lại thấy muốn đi đâu đó, như là để tìm lại một thứ gì đó thật mơ hồ…

Vậy là bỏ lại sau lưng bao nhiêu tất tả, ồn ào; bỏ lại sau lưng một năm với những buồn vui được mất, thêm một chút hoang vắng, thêm một chút dỗi hờn, tôi lên xe như vô định, với một khát khao về lại ngày xưa…

*

Nho Quan là thị trấn huyện lỵ của huyện Hoàng Long, Ninh Bình. Từ ngã ba Gián Khẩu, rời Quốc lộ 1 theo con đường nhỏ chừng 20 km, khi xưa xe khách phải vật vã mất cả tiếng đồng hồ, thì nay dù có cố tình đi thật chậm để tận hưởng cái cảm giác run rẩy, hồi hộp đến ngộp thở của người đi xa trở lại, cũng chỉ già nửa giờ.

Cảnh vật vừa thân quen, lại cũng vừa xa lạ quá. Con đường dẫn vào Vườn Quốc gia Cúc Phương đã được nâng cấp, nên giờ không còn nữa cái vẻ hút hắt khi uốn mình khuất sau những dãy núi đá vôi trùng điệp đến nghi hoặc như ngày nào. Những dãy phố ven đường dài cả chục cây số đã thay thế cho cảnh hoang vu đến lạnh người trong sắc màu sơn cước xưa kia mỗi khi chiều buông xuống. Ấy vậy mà vẫn rõ lắm cái hiền lành, chất phác và chân thật của mảnh đất Hoàng Long, Gia Viễn này trong từng nét mặt, từng dáng vẻ kiến trúc.… Tất cả làm nên một không khí bình dị, yên ả đến mềm lòng.

Dọc theo con đường từ thị trấn Nho Quan lên các huyện phía Nam của tỉnh Hoà Bình không còn thấy những căn nhà lá lụp xụp như ngày nào, điện đã về đến những bản xa xôi, heo hút mà ngày đó người dân chưa bao giờ được trông thấy một chiếc ô tô chạy qua. Cũng không còn thấy những đứa trẻ cởi truồng tím tái, ngơ ngác đứng trước cửa nhà, cái hình ảnh đã gieo vào tôi một ấn tượng dai dẳng cũng trong một buổi chiều cuối năm khi mới đặt chân tới vùng này. Mảnh đất này vẫn là những tình xưa, nhưng đã mang một hình hài mới, vóc dáng mới và một tư thế mới…

*

Từ Thị trấn Nho Quan chạy thẳng lên Hòa Bình tiếp tục con đường về quê ăn Tết, nhìn ánh đèn hắt ra từ khung cửa những ngôi nhà ven đường, tôi biết giao thừa đã gần lắm. Có lẽ giờ này hiếm có ai còn trên đường như mình. Một chút xao xuyến, một chút nhớ nhung, một chút rờn rợn và một chút thích thú nữa. Cái tịch mịch của núi rừng, cái lành lạnh của đêm xuân và cái hiu hắt của con đường hun hút làm cho cảm giác về bước chân của thời gian dường như rõ thêm, gấp gáp hơn, cả quyết hơn.

Khác với những dịp đón giao thừa ở Hà Nội, thời gian cụ thể và nghiêm ngắn bằng chiếc kim đồng hồ trên màn hình ti vi, còn ở đây là những âm thanh không chỉ đến từ bên ngoài, tất cả cứ mênh mông, hòa quyện, không gian và thời gian, phía trước và phía sau, chia ly và đón đợi…

*

Lên đường trong giờ phút mà ở thành phố người ta thường rủ nhau đi hái lộc để cầu mong một năm mới nhiều may mắn và hạnh phúc, tôi ùa vào vô vàn những lộc non vừa nhú của núi rừng… Dần lùi lại sau lưng những thị trấn Vụ Bản, Mãn Đức, Mường Khển đang lim dim ngủ với những con đường vắng tanh và sạch bóng. Chắc giờ này ở Hà Nội, các anh chị công nhân của công ty môi trường cũng vừa dọn dẹp xong nơi chợ hoa Hàng Lược để đón chào ngày đầu tiên của năm mới trong sự tinh khôi của phố phường. Những người đi chơi giao thừa về muộn chắc cũng sắp tới nhà. Những người lính bạn tôi ở khắp mọi mọi miền đất nước, từ Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Phú Quốc, Quảng Ninh… và cả tận Trường Sa nữa, chắc có những người vừa chúc nhau bằng những cái bắt tay thật chặt nơi vọng gác. Và đâu đó bên trong những căn phòng ấm áp, cuộc sống tươi đẹp vẫn âm thầm cựa mình như những mầm cây đang tách vỏ dưới mưa xuân, tất cả cứ thế sinh thành và phương trưởng…

Và tôi dừng chân bên một xóm Mường chừng hơn chục nóc nhà sàn dưới chân đèo Quy Hậu. Ở đấy nơi cửa Voóng, những mâm cỗ cúng vẫn đỏ hương…

*

Chẳng hiểu người Mường có chọn người xông đất như người Kinh hay không, nhưng tôi thì đã được vị chủ nhà đêm ấy đón tiếp bằng một thái độ thật lạ: tận tình, chu đáo, nhưng cũng thật xa vời: “Vào ăn Tết”…

Dòng nước dẫn từ suối về nhà bằng một chiếc máng làm từ những thân vầu bổ đôi, đục mắt, mát lạnh làm tôi tỉnh ngủ hẳn. Mọi năm, đây thường là lúc cảm giác cũ kỹ, mệt mỏi ùa về, người ta bảo nhau: Thế là hết Tết. Còn hôm nay, lời mời “Vào ăn Tết” của vị chủ nhà bất đắc dĩ làm tôi thấy tất cả như mới mẻ, tất cả như còn chờ đợi, nguyên sơ và hứa hẹn.

Nhìn ra con đường trước mặt vắng tanh khuất dần giữa hai vách núi phủ đầy sương trắng, tôi biết tất cả còn dài lắm, không chỉ hôm nay, không chỉ ngày mai. Một điều gì đó như là trách nhiệm, như là sự hối thúc đang giục giã… Sau lời chào cảm tạ về một đêm chân tình và ấm áp, không cười, không bắt tay, không chút gì tỏ ra lưu luyến, nhưng khi đã đi được một đoạn dài, quay lại vẫn thấy họ đứng nhìn theo từ cửa…

*

Mấy ngày Tết cưỡi ngựa xem hoa nơi đất Mường, lòng ngổn ngang bao ý nghĩ. Người Việt Nam, sau 30 năm đổi mới với bao nhiêu được mất, âu cũng là quy luật của sự phát triển. Cuộc sống hiện đại, mà nổi lên rõ nhất là mối quan hệ lạnh lùng của kinh tế thị trường, khiến cho nhiều người dân thành phố trở thành những kẻ nghèo nàn và eo hẹp trong thời gian. Mô hình gia đình truyền thống chịu sự tấn công của các thiết bị công nghệ và các phương tiện giải trí phong phú, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo trong một bể tiện nghi, khiến cho đến cả cái Tết cũng nhuốm màu xa lạ, để mình phải xách xe lang bạt ngay trong ngày cuối năm này.

Thế nhưng ở nơi đây, ở xứ Mường này, nơi đã từng cho tôi những tháng năm ngỡ ngàng và say đắm, xứ Mường cũng đã để lại trong tôi những kỷ niệm không dễ nhạt phai, cũng xứ Mường đã ôm ấp đùm bọc tôi qua những trống trải, ngơ ngác khi một khoảng thời gian vô cùng vừa khép lại, giờ đây lại trả lời cho tôi một câu hỏi lớn, không phải chỉ riêng cho tôi, mà là cho chúng tôi, một thế hệ từng được nâng niu, chăm bẵm. Rằng dù cuộc sống có đổi thay đến thế nào đi nữa, thì cái quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta, từ muôn xưa cho đến mãi sau, vẫn là ở lòng người.

*

Và tôi chợt như vừa nhìn thấy trong những thước phim hiện về từ hồi ức của mình những hình ảnh về cảnh các trường học ở Thủ đô ngày ngày vẫn đông nghịt phụ huynh đưa đón con em đi học mỗi ngày, bất chấp mưa gió, rét mướt... các lớp học thêm vẫn có những người miệt mài chờ đợi đông người đưa đón... Rồi cả những câu chuyện về các ông bố, bà mẹ ở quê nhịn ăn, nhịn tiêu để gửi tiền cho con đi học...

Hóa ra là từ trong sâu thẳm, về bản chất, mối quan hệ trong mỗi gia đình Việt Nam hôm nay dường như vẫn không hề thay đổi. Vẫn là những tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới; vẫn là những gắn bó, lo toan cho nhau. Các thành viên trong mỗi gia đình dù thường ngày bị cuốn theo nhịp sống, tưởng như đang ngày một xa nhau, nhưng thực ra chưa bao giờ cái mà người ta nhìn thấy ngày hôm nay ấy, cái mà người ta vẫn gọi là “cuộc sống hiện đại ấy” chạm được vào căn cốt của mỗi gia đình Việt.

Từ sâu thẳm, mỗi người Việt Nam trong một gia đình, dù là bất kỳ dân tộc nào, dù ở bất kỳ đâu, vẫn luôn hướng về bên nhau, sẵn sàng chia sẻ những buồn vui và cả những khó khăn trong cuộc sống mỗi ngày. Và đó cũng chính là lý do mà vì sao mỗi khi Tết đến xuân về, ai ai cũng tất tả bận rộn… Ấy là bởi đằng sau họ luôn có một gia đình…

Vậy là lại thấy nhớ nhà…

*

Xa dần Quy Hậu, xa dần Dốc Má, Dốc Cun với những vách đá sừng sững, cheo leo, với những đoạn cua tay áo, với những thị trấn nhỏ xiu ven đường vừa tỉnh giấc, đang còn dè dặt trước một năm mới. Đây đó trên đường là những tốp thanh niên nam nữ vừa đi vừa trò chuyện. Có lẽ sự có mặt của một người khách lạ là tôi trên đường lúc này lạ lắm, nên cách họ trông theo cũng thật lạ. Chỉ khi thấy tôi cười, họ mới đáp lại bằng những nụ cười thật tươi, những nụ cười nhuốm màu sơn cước…

*

Thời gian đi qua cuộc đời mỗi con người như dòng sông chảy xiết và cuộc sống thì cứ vậy, thay đổi và lớn lên từng ngày. Song với mỗi người, ký ức lại như những cuốn phim lắng đọng chẳng dễ quên. Thậm chí, có những chuyện tưởng đã mịt mờ từ xa lắc, bỗng đến một ngày lại chợt ùa về như vừa mới hôm qua...

Lễ hội tổ chức vào mùa xuân: Tìm hiểu lễ hội Bạch Hạc
Làng Bạch Hạcnay thuộc tỉnh Phú Thọ hàng năm mở hai kỳ hội Xuân, kỳ đầu từ mùng 3 - 5 tháng giêng, kỳ sau từ mùng 10 - 13 tháng ba.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư