Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Mua về hơn 200.000 tỷ đồng, mới xử lý được hơn 13.000 tỷ, VAMC ngập trong... nợ xấu
Thùy Liên - 06/10/2015 07:09
 
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho hay, thời gian qua, rất nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc với VAMC để tìm hiểu và muốn mua nợ, nhưng kết quả bán nợ chưa được là bao vì còn vướng nhiều rào cản, hạn chế.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty VAMC
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty VAMC

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hệ thống pháp luật tại Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến mua bán và xử lý nợ, về sở hữu đất đai, nhất là thấy được vai trò hạn chế của VAMC, các nhà đầu tư đã từ chối đặt vấn đề cụ thể. 

Mua hơn 200.000 tỷ đồng, xử lý được hơn 13.000 tỷ đồng

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, tính từ 1/1/2015 đến 15/9/2015, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của các TCTD được 11.108 khoản nợ, tương ứng với 75.553 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, giá mua là 69.070 tỷ đồng của 37 TCTD. Lũy kế từ 2013 đến 15/9/2015, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt mua nợ xấu đạt 204.228 tỷ đồng tổng giá trị dư nợ gốc nội bảng, 177.722 tỷ đồng giá mua nợ.

Tuy nhiên, tốc độ xử lý nợ còn chậm. Đến nay, VAMC đã thực hiện thu hồi nợ, bán nợ, bán TSBĐ đạt 13.320 tỷ đồng. Ngoài ra, VAMC đã thực hiện điều chỉnh lãi suất cho 28 khoản nợ của 9 khách hàng với dư nợ gốc được điều chỉnh là 367 tỷ đồng; miễn, giảm lãi/phí cho 17 khách hàng với số tiền miễn giảm lãi là 66 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 11 khách hàng với dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 446 tỷ đồng. '

Cùng với việc cơ cấu lại nợ, VAMC đã trao đổi với TCTD tiếp tục cấp hạn mức 950 tỷ đồng cho 2 khách hàng để hoàn thiện 2 dự án, đến nay đã giải ngân được 425 tỷ đồng.

Chính vì vậy, dù khẳng định VAMC là công cụ hữu hiệu trong quá trình xử lý nợ xấu không sử dụng vốn ngân sách nhà nước của Việt Nam, song Chủ tịch VAMC cũng thừa nhận, đây chỉ là kết quả bước đầu, thử thách xử lý khối nợ khổng lồ 200.000 tỷ đồng của VAMC thời gian tới là rất lớn.

Con nợ chây ỳ, nhà đầu tư nản lòng 

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, sở dĩ tốc độ xử lý nợ xấu còn chậm, kết quả bán nợ, tài sản đảm bảo còn rất khiêm tốn là do quá trình triển khai xử lý nợ xấu trong thời gian qua của VAMC gặp phải rất nhiều khó khăn.

Thứ nhất,  hiện nay có nhiều doanh nghiệp phát sinh nợ xấu tại một hoặc nhiều TCTD, nợ xấu đã được bán cho VAMC. Tuy nhiên, khi khách hàng đề nghị được cơ cấu nợ, xây dựng phương án để tiếp tục kinh doanh, TCTD không đồng ý cho doanh nghiệp được tiếp tục vay vốn do TSBĐ có giá trị kém, do tâm lý bị xử lý hình sự hóa sau khi cơ cấu nợ khách hàng không trả được nợ.

Thứ hai là sự bất hợp tác từ con nợ. Cụ thể, TCTD phối hợp với VAMC tiến hành thu giữ, phát mại TSBĐ của khách hàng vay đúng trình tự và thống nhất phương án thu giữ, phát mại TSBĐ, tuy nhiên khách hàng không đồng ý bàn giao tài sản, không có mặt theo thời gian, địa điểm thu giữ, thậm chí có nhiều trường hợp khách hàng đã đi khỏi địa phương ... Trường hợp TCTD bán nợ cho VAMC sau đó phối hợp tiến hành thu giữ tài sản để phát mại, sau khi thu giữ để tiến hành phát mại thì khách hàng khởi kiện tài sản có tranh chấp từ trước khi bán nợ cho VAMC. Tình huống này đưa VAMC vào tình thế phải xử lý sau khi có bằng chứng TSBĐ có tranh chấp và phải trả lại khoản nợ cho TCTD, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò của VAMC.

Nhiều khách hàng lợi dụng việc bán nợ cho VAMC để không hợp tác với TCTD, thậm chí có yêu cầu VAMC thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi trong khi không có phương án kinh doanh khả thi, không đáp ứng được điều kiện theo quy định. Điều này gây khó khăn và ảnh hưởng tới công tác thu hồi nợ theo ủy quyền của VAMC đối với TCTD.

Thứ ba, TCTD vẫn phải chịu trách nhiệm như trích dự phòng rủi ro, thu hồi nợ, bán nợ, bán TSBĐ thậm chí gánh chịu hậu quả nếu xảy ra thất thoát. Do vậy TCTD vẫn xác định quyền chủ nợ của họ sau 5 năm sẽ thu hồi, dẫn đến sự hợp tác không chặt chẽ, thậm chí không cần VAMC xử lý nợ xấu đã bán.

Thứ tư, VAMC không có quyền chủ động để xử lý những khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt. Do vậy, trên danh nghĩa TCTD vẫn có quyền quyết định đối với tài sản thế chấp của khoản nợ, VAMC không có nhiều vai trò định đoạt TSBĐ các khoản nợ xấu đã mua. Thực tế cho thấy nếu TCTD phối hợp chặt chẽ với VAMC thì VAMC thể hiện được vai trò của mình, ngược lại TCTD không hợp tác thì VAMC không thực hiện được vai trò trong công tác xử lý nợ.

Thứ năm, dù khách hàng rất muốn bán tài sản để trả nợ TCTD, tuy nhiên sau khi bán tài sản, giá trị thu hồi không đủ trả nợ TCTD, khách hàng không còn nguồn lực để trả nợ TCTD. Vì vậy, khách hàng thường không chấp nhận định giá tài sản theo mức giá thị trường mà luôn yêu cầu phải đủ để trả nợ gốc và lãi. Bên cạnh đó, việc định giá khoản nợ đến nay chưa có quy định cụ thể, cơ sở đánh giá rất phức tạp. Trong khi khả năng của VAMC trong giai đoạn này chưa thể tự định giá để mua bán được khoản nợ. Vì vậy, VAMC sẽ rất khó thực hiện việc bán khoản nợ đảm bảo tiêu chí công khai minh bạch.

Cuối cùng, thủ tục pháp lý đang là rào cản rất lớn với mua bán nợ.

"Thời gian qua, rất nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc với VAMC để tìm hiểu thực tế hoạt động của VAMC, khuôn khổ pháp lý trong việc triển khai xử lý nợ, bán các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Các nhà đầu tư kỳ vọng thực hiện việc mua nợ xấu qua VAMC luôn được đảm bảo về sự minh bạch, thuận lợi đối với các thủ tục pháp lý liên quan đến khoản nợ. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hệ thống pháp luật tại Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến mua bán và xử lý nợ, về sở hữu đất đai, về tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò còn hạn chế của VAMC trong việc quyết định các vấn đề về bán nợ, bán TSBĐ ..., các nhà đầu tư chỉ mới tiếp cận để tìm hiểu bước đầu mà chưa chính thức đặt vấn đề cụ thể", TS. Nguyễn Quốc Hùng nói.

Ngoài các vấn đề trên, một trong những vướng mắc của mua bán nợ là hiện nay Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ xấu. Đối tượng được mua bán nợ bị hạn chế theo các quy định pháp luật. Cụ thể Luật Đầu tư 2014: “Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện”. Như vậy VAMC mua nợ xấu của các TCTD nhưng không thể bán được nợ cho bên thứ ba nếu không có giấy phép kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ.

Kích tín dụng để che nợ xấu?
Tín dụng dồn dập tăng mạnh là dấu hiệu đáng mừng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó, không loại trừ khả năng một số ngân hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư