Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Muốn tiết kiệm, chống lãng phí phải "điểm danh" cụ thể từng công trình, dự án
Mạnh Bôn - 27/03/2016 14:14
 
“Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa đạt yêu cầu” là cụm từ luôn xuất hiện trong các báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ trình Quốc hội tại các kỳ họp. Về vấn đề này, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, muốn tiết kiệm, chống lãng phí, cần phải có địa chỉ cụ thể.

Chống lãng phí phải có địa chỉ rõ ràng, với tư cách là đại biểu Quốc hội, ông đã từng chỉ ra công trình, dự án gây ra lãng phí nào chưa?

Cũng như nhiều đại biểu Quốc hội khác, trong mỗi lần thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, tôi luôn tìm cụ thể công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn vay, vốn trái phiếu chính phủ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước gây lãng phí, đầu tư kém hiệu quả.

Tại Kỳ họp thứ 10, tôi đã “điểm danh” Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên và Dự án Polyester ở Hải Phòng. Riêng Gang thép Thái Nguyên có tổng mức vốn đầu 8.100 tỷ đồng vẫn nằm đắp chiếu sau hơn 10 năm thực hiện. Còn Dự án Polyester ở Hải Phòng, vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, nhưng riêng năm 2014 đã lỗ 1.000 tỷ đồng.

.
ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Các công trình, dự án gây lãng phí, đầu tư kém hiệu quả được Quốc chỉ ra đều là “chuyện đã rồi”, cần phải chỉ ra được những công trình, dự án bắt đầu triển khai để chống lãng phí ngay khi chưa xảy ra lãng phí, thưa ông?

Việc chỉ ra các công trình, dự án đã và đang gây lãng phí cũng có hiệu quả nhất định, giúp các bộ ngành, địa phương, chủ đầu tư lấy đó làm bài học kinh nghiệm để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí khi quyết định các công trình, dự án sau này. Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên) và rất nhiều dự án trong lĩnh vực giao thông - vận tải đã tiết kiệm được hàng chục ngàn tỷ đồng cũng một phần nhờ Quốc hội đã chỉ ra hàng loạt công trình, dự án đầu tư không tiết kiệm, còn để xảy ra lãng phí.

Có thể “điểm danh” đối với từng công trình, dự án, nhưng trong chi thường xuyên thì rất khó có thể chỉ ra cơ quan, tổ chức, đơn vị nào không tiết kiệm, sử dụng ngân sách lãng phí?

Sử dụng kinh phí, ngân sách nhà nước trong chi tiêu thường xuyên không tiết kiệm, thậm chí lãng phí là một trong những hạn chế trong nhiều năm qua, nên chi thường xuyên tăng liên tục, khiến việc cân đối ngân sách nhà nước nước năm nào cũng “giật gấu vá vai”, dù thu năm sau luôn cao hơn năm trước.

Cũng không khó để chỉ ra lãng phí, không tiết kiệm trong chi tiêu thường xuyên. Đó là chi phí hội họp, động thổ, cắt băng khánh thành, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng xe công... Nhìn rõ các khoản chi thường xuyên này còn lãng phí, nên hầu như năm nào Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng có chỉ thị yêu cầu phải tiết kiệm.

Thay vì có người đưa đón hàng ngày, một số người, trong đó có ông, đã quyết định nhận khoán kinh phí đi lại. Điều này không chỉ góp phần tiết kiệm rất lớn cho ngân sách nhà nước, mà còn tiết kiệm được cho gia đình, thuận tiện trong việc đi lại. Thưa ông, vậy tại sao không quan chức nào muốn nhận khoán?

Nhiều người chưa muốn nhận khoán, theo tôi, không phải họ thích đi xe “biển xanh” hơn xe “biển trắng”, mà do sử dụng xe cá nhân nhiều khi rất bất tiện. Họ phải đi từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, hàng ngày phải di chuyển rất nhiều để đi họp, nên nếu sử dụng xe cá nhân mất rất nhiều thời gian để di chuyển, đặc biệt là tìm chỗ gửi xe. Ngoài ra, những người thuộc diện được sử dụng xe công rất cần phải giữ sức khỏe, sự minh mẫn khi làm việc, nhưng nếu mất quá nhiều thời gian, công sức để di chuyển do nhận khoán xe thì hiệu quả công việc sẽ không cao.

Công trình ngàn tỷ đồng thành phế tích: Phẫu thuật khối di căn “điện - thép” Cái Lân
Suất vốn đầu tư quá lớn đang khiến cho việc làm “sống lại” cụm Nhà máy Thép - Điện Vinashin Cái Lân không chỉ tốn thêm hàng trăm tỷ đồng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư