Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Mỹ đòi doanh nghiệp Việt "nuôi cá tra kiểu Mỹ": Có thể tính tới khởi kiện
Hà Tâm - 14/12/2015 08:45
 
Theo quy định mới của Mỹ, tới đây, dù cá tra của Việt Nam có đạt mọi tiêu chuẩn cao nhất của thế giới thì cũng không thể xuất khẩu sang Mỹ, nếu quy trình nuôi không theo “kiểu Mỹ”. Đây là quy định vô lý, đi ngược lại tinh thần hội nhập.
TIN LIÊN QUAN

Đòi hỏi nuôi cá Việt kiểu Mỹ

Hiện nay, cá tra xuất khẩu sang Mỹ bị kiểm soát bởi Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA). Theo đó, chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn do FDA đưa ra là cá tra có thể nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, doanh nghiệp và người nuôi cá tra đang lo lắng bởi theo quy định mới của Mỹ, từ tháng 3/2016, cá tra muốn xuất khẩu vào Mỹ phải tuân thủ toàn bộ quy trình “tạo ra sản phẩm” từ khâu đầu tiên (con giống, thức ăn) cho đến khâu cuối cùng phải được thực hiện theo “kiểu Mỹ”. Thời gian để các nước thực hiện chuyển đổi quy trình sản xuất là 18 tháng. Theo đó, kể từ ngày 1/9/2017, sản phẩm cá tra của Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Mỹ phải được chứng nhận Tiêu chuẩn tương đồng của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

.
.

Có thể nói, quy định mới của Mỹ ngay trước thềm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết là một đòn giáng mạnh vào ngành cá tra Việt Nam. Ông Nguyễn Phước Bửu Huy, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex II cho hay, hiện nay, hệ thống sản xuất, chế biến cá tra của Việt Nam và Mỹ có nhiều khác biệt. Trong khi đó, Mỹ chỉ cho 18 tháng để chuyển đổi là quá ngắn.

Đáng lo hơn, theo ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, dù Mỹ yêu cầu ngành cá da trơn các nước phải nuôi theo quy trình của Mỹ thì mới được xuất khẩu vào Mỹ, song đến nay, quy trình như thế nào, tiêu chí cụ thể ra sao thì doanh nghiệp vẫn “mù tịt”, nên quá trình chuẩn bị càng gấp gáp.

“Khó khăn cụ thể chưa hình dung ra hết được, vì phía Mỹ chưa công bố bộ tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang rất lo lắng bởi chắc chắn, tiêu chí của Việt Nam và Mỹ sẽ có một khoảng cách xa. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn mới của phía Mỹ, chắc chắn doanh nghiệp và người nông dân sẽ phải bỏ ra chi phí đầu tư lớn mà không chắc chắn có được công nhận hay không”, ông Dũng nói.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khá thận trọng khi đánh giá mức độ ảnh hưởng mà quy định mới của Mỹ có thể gây ra. Ông Oai cho hay, Bộ đang khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP về về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra và thông tư hướng dẫn để sửa đổi phù hợp với tiêu chuẩn tương đương mà Mỹ đưa ra.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cá tra cho rằng, đòi hỏi của Mỹ về việc cá tra phải “nuôi kiểu Mỹ” mới được nhập khẩu vào thị trường này là vô lý, không công bằng, bởi nhiều mặt hàng thực phẩm khác vẫn được phép nhập khẩu vào Mỹ mà không cần tuân thủ quy trình nuôi của Mỹ.

Hiện Mỹ đang chiếm 20% thị phần xuất khẩu cá tra Việt Nam với doanh số khoảng 300 triệu USD/năm. Nếu quy định mới này được thực thi, nguy cơ thị trường Mỹ đóng cửa với nhiều doanh nghiệp là rất lớn.

Tăng khởi kiện để đối phó với hành vi “chơi bẩn”?

Sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam hiện đã đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khắt khe thị trường châu Âu và Mỹ như ASC, GlobalGAP, BAP, FarmBill... Tuy nhiên, với quy định mới của Mỹ, điều này cũng thành “vô nghĩa” nếu doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Nhiều doanh nghiệp cá tra cho rằng, thực tế, quy định này là một hành vi “chơi bẩn”, hàng rào kỹ thuật mới mà Mỹ dựng lên để bảo hộ cho ngành sản xuất cá da trơn của Mỹ, chứ không đơn thuần nhằm kiểm soát chất lượng thực phẩm. Trước đó, Mỹ cũng đã dựng ra rất nhiều hàng rào kỹ thuật và đưa ra các quy định làm khó với cá tra Việt Nam như: dán nhãn tên gọi theo yêu cầu của Mỹ, áp thuế chống bán phá giá, yêu cầu ký quỹ cho sản phẩm cá tra trước khi vào thị trường Mỹ...

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, quy định mới của Mỹ trái với các tiêu chí của WTO. Do đó, trong trường hợp xuất khẩu cá tra sang Mỹ gặp khó khăn, Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện.

Xác nhận điều này, ông Võ Hùng Dũng cho rằng, quy định trên vi phạm quy định của WTO. Theo cơ chế của WTO thì Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện. Mặc dù vậy, việc kiện tụng rất khó khăn và tốn kém. Chưa kể, Việt Nam rất thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Mặc dù đòi hỏi của Mỹ là vô lý, song ông Dũng cũng khuyến cáo, doanh nghiệp cũng phải nhìn thẳng vào sự yếu kém của mình. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu chưa đáp ứng được tiêu chuẩn

VietGap, chưa nói đến tiêu chuẩn của Mỹ. Ngay cả với Nghị định 36/2014/NĐ-CP, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn muốn trì hoãn thời gian thực hiện vì cho rằng quy định quá khắt khe.

“Chúng ta có thể tính tới việc kiện ra WTO, tuy nhiên cũng phải cấp bách nâng cao chất lượng sản xuất trong nước”, ông Dũng nói.

Câu chuyện cá tra thường xuyên “bầm dập” khi vào thị trường Mỹ cho thấy, các hàng rào kỹ thuật không có điểm dừng. Do đó, dù hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, thì Việt Nam cũng khó lòng tận dụng cơ hội mở cửa thị trường nếu không nâng cao kỹ năng phòng vệ thương mại và gấp rút nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư