Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nâng chất lượng để “rút ngược” hàng tỷ USD tiền khám chữa bệnh về Việt Nam
Phương Anh - 27/02/2019 14:53
 
Hàng tỷ USD chi phí khám chữa bệnh ở nước ngoài của người Việt hàng năm được kỳ vọng sẽ dần “chảy ngược” về nước thông qua nỗ lực triển khai Dự án Dây rút ngược của Bộ Y tế.
.
Bộ Y tế đang xúc tiến Dự án Dây rút ngược, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển kỹ thuật cao và nâng cấp chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu người bệnh.

Tâm lý lựa chọn khám chữa bệnh ở nước ngoài

Sáng thứ Bảy tuần đầu tiên của tháng, chị Nguyễn Minh Quý (Đống Đa, Hà Nội) tới bệnh viện Thu Cúc để khám và điều trị bệnh viêm da cơ địa. Trước đây, cứ cách 2 tháng, chị lại phải sắp xếp công việc để sang Singapore khám định kỳ. “Sau khi tìm hiểu, tham khảo ý kiến của người thân, đặc biệt sau khi các bệnh viện trong nước đưa công nghệ hiện đại vào quy trình kỹ thuật khám chữa bệnh, tôi đã tin tưởng lựa chọn chữa bệnh ở trong nước, nhờ đó tiết kiệm khoản chi phí đáng kể cho mỗi chuyến đi”, chị Quý chia sẻ.

Nhưng bên cạnh những người lựa chọn dịch vụ y tế trong nước như chị Quý, vẫn còn không ít người không yên tâm và có tâm lý chọn khám chữa bệnh ở nước ngoài nếu có đủ điều kiện về kinh tế. Bà Phương (quận 8, TP.HCM), một bệnh nhân bị ung thu trực tràng cho biết, bà đã trải qua nhiều năm điều trị tại Singapore do vẫn chưa yên tâm với kết quả khám chữa bệnh và dịch vụ ở trong nước. 

Trao đổi về thực tế này, bác sĩ Phan Thanh Hải, Chủ tịch Hội Hành nghề Y tư nhân TP.HCM cho rằng, một trong những lý do khiến nhiều người Việt Nam lựa chọn sang Singapore chữa bệnh là vấn đề niềm tin. “Chi phí một lần chụp CT tại Bệnh viện Mount Elizabeth (Singapore) cao gấp 3 lần so với ở TP.HCM dù chất lượng tương đương, nhưng nhiều người vẫn lựa chọn bởi thương hiệu Singapore”, bác sĩ Hải nói.

Cùng lý giải tương tự, theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), một số bệnh nhân ung thư, hoặc bệnh nhân điều trị tế bào gốc và những bệnh rối loạn chuyển hóa đặc biệt ra nước ngoài chữa bệnh vì chưa thực sự tin tưởng các cơ sở y tế trong nước về xét nghiệm gen, tế bào miễn dịch.

“Rút ngược” dòng tiền

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc để một lượng tiền lớn cho khám chữa bệnh “chảy” ra nước ngoài là do thời gian qua, các cơ sở y tế trong nước mới chỉ tập trung giảm tải và khám chữa bệnh thông thường, mà chưa đầu tư phát triển nhiều kỹ thuật cao, chưa tập trung tăng cường chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho người bệnh.

Tuy nhiên, trong khi người Việt có điều kiện kinh tế “đổ xô” lựa chọn dịch vụ y tế đắt đỏ ở nước ngoài, nhiều người nước ngoài đã tìm đến dịch vụ y tế ở Việt Nam.

Những dịch vụ y tế được người nước ngoài lựa chọn nhiều nhất là các dịch vụ về răng, can thiệp tim mạch, thẩm mỹ, một số bệnh ngoại khoa… Bên cạnh đó, nhiều kiều bào về ăn Tết đã chọn các dịch vụ khám chữa bệnh kỹ thuật cao trong nước. “Chúng ta đạt được kết quả này là do chất lượng khám chữa bệnh tốt và giá dịch vụ quá rẻ so với nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế đang xúc tiến Dự án Dây rút ngược, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển kỹ thuật cao và nâng cấp chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu người bệnh nhằm hút Việt kiều, người nước ngoài về nước chữa bệnh, đồng thời kéo người Việt Nam có nhu cầu khám chữa bệnh ở nước ngoài ở lại điều trị trong nước.

Theo đó, trong năm 2019, ngành Y tế sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng số giường bệnh lên 27 giường bệnh/vạn dân, tăng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế lên 88,1%. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện. Các cơ sở y tế tuyến Trung ương, tuyến cuối sẽ được đầu tư mở rộng, nâng cấp, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, kể cả của người có thu nhập cao, người nước ngoài.

“Chúng tôi mong muốn một ngày không xa, nhiều người nước ngoài sẽ chọn Việt Nam để khám chữa bệnh và người Việt Nam sẽ không phải ra nước ngoài để thực hiện các dịch vụ y tế”, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực y tế cũng nhận thức rõ và đang nỗ lực triển khai nhiều kế hoạch để có được sự tin tưởng, lựa chọn của người Việt, đồng thời, thu hút một bộ phận người nước ngoài vào nước ta khám chữa bệnh.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Khoa, Giám đốc Truyền thông Jio Health Việt Nam, giải quyết vấn đề phân tuyến, giảm tải cho các bệnh viện trung ương về các tuyến địa phương và triển khai dịch vụ bác sĩ tại nhà (homevisit) là những phương án tốt ở thời điểm hiện tại nhằm “rút ngược” dòng tiền khám chữa bệnh.

Dịch vụ bác sĩ tại nhà và các dịch vụ y tế tại nhà khác như xét nghiệm, siêu âm… cũng góp phần cải thiện hình ảnh của đội ngũ y tế khi tiếp xúc với bệnh nhân. Với các dịch vụ này, bệnh nhân sẽ được chăm sóc sức khoẻ một cách đúng nghĩa. Khi trải nghiệm tốt hơn, người bệnh sẽ sẵn sàng lựa chọn dịch vụ y tế ở trong nước.

Được biết, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, ngoài dịch vụ bác sĩ tại nhà, Jio Health còn cung cấp các dịch vụ đáp ứng tối đa nhu cầu y tế của người dân như nhà thuốc trực tuyến, tư vấn từ xa… Theo đó, khách hàng hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn bác sĩ với thông tin đầy đủ, thời gian và địa điểm thăm khám.

Năm 2018, người Việt chi hơn 2 tỷ USD để khám, chữa bệnh ở nước ngoài

Theo thống kê của Cục Khám bệnh, chữa bệnh (Bộ Y tế), năm 2018, có khoảng 40.000 người ra nước ngoài khám, chữa bệnh với tổng chi phí hơn 2 tỷ USD; trong khi đó, ở chiều ngược lại, có 300.000 lượt khám ngoại trú và 57.000 lượt điều trị nội trú của người nước ngoài tại các bệnh viện Việt Nam.

[Infographic] Nỗ lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân
Trong những năm qua, ngành Y tế đã có những giải pháp cụ thể, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, hướng tới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư