Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng
Mạnh Bôn - 20/05/2013 12:27
 
Trình bày Báo cáo thẩm tra Đánh giá bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 tại Phiên khai mạc Kỳ họp Quốc hội thứ 5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu kiến nghị: “Nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 5,5% GDP”.

Phiên khai mạc Kỳ họp Quốc hội thứ 5

Đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, ông Giàu nhận định: “Năm 2012 là một năm nhiều biến động, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt những thành tựu quan trọng”.

Những thành tựu quan trọng đạt được trong năm 2012, theo ông Giàu, đó là xuất siêu đạt 780 triệu USD, thay vì nhập siêu liên tục kể từ năm 1993 từ 10-14 tỷ USD/năm; cán cân thương mại đã cải thiện rõ rệt, từ thâm hụt nghiêm trọng nhiều năm trước sang thặng dư gần 9 tỷ USD đã góp phần tăng dự trữ ngoại tệ và ổn định tỷ giá, ổn định thị trường ngoại tệ...

Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 6,81%, so với mức tăng 18,13% của năm 2011 và 11,75% của năm 2010.

Không phủ nhận những thành tựu quan trọng đã đạt được trong năm qua, nhưng Ủy ban Kinh tế vẫn thẳng thắn nhìn nhận: “Nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, thậm chí có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước”.

“Tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều chỉ tiêu; tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt mức thấp nhất kể từ năm 2000; dư nợ tín dụng cả năm chỉ đạt 8,91%, nối tiếp đà sụt giảm mạnh của dư nợ tín dụng từ 31% năm 2010 xuống còn 14,41% trong năm 2011 cho thấy nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn”, ông Giàu báo cáo với Quốc hội.

Hàng loạt khó khăn của nền kinh tế năm 2012 đã được Ủy ban Kinh tế liệt kê là chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp; tồn kho bất động sản và vấn đề nợ xấu vẫn ở mức cao. Xuất khẩu dù tăng 18,3% nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 34,2% của năm 2011 và 25,5% của năm 2010; tốc độ tăng nhập khẩu chỉ đạt 6,6% so với mức tăng gần 26% của năm 2011.

“Khu vực doanh nghiệp - động lực chính tạo ra của cải, vật chất, việc làm tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành xây dựng và sản xuất xi măng đã tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2012 khoảng 51.000 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động đến lên đến 54.261 doanh nghiệp, ngoài ra còn cói tới tới 69% số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ”, ông Giàu cho biết.

Nền kinh tế năm 2012 có nhiều mặt nghiêm trọng hơn so với năm trước, còn năm 2013, theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, dấu hiệu suy giảm kinh tế ngày càng rõ nét hơn: tổng cầu nền kinh tế sụt giảm mạnh, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, nợ xấu, tồn kho, khó khăn thị trường bất động sản và khả năng hấp thụ đầu vào của khu vực sản xuất chưa được cải thiện.

“Việc thực hiện tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng chưa đem lại kết quả rõ rệt, dư địa chính sách kích thích tăng trưởng bị giới hạn bởi thâm hụt ngân sách trong khi thị trường vốn và tăng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế vẫn ở mức quá thấp; giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp là vấn đề đặt ra không chỉ của năm 2013 mà cả các năm tiếp theo”, ông Giàu lo lắng.

Theo đại diện Ủy ban Kinh tế, sau một thời gian dài kiểm soát tín dụng với lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, giải thể, phá sản, một bộ phận lớn doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua thời điểm khó khăn nhưng không thể kéo dài tình trạng này hơn nữa.

Với những diễn biến của nền kinh tế 4 tháng đầu năm có thể thấy, những nhiệm vụ còn lại của 8 tháng cuối năm 2013 là hết sức nặng nề. Vấn đề đặt ra là làm sao phải làm bảo đảm thực hiện cả mục tiêu tăng trưởng (5,5%) và kiềm chế lạm phát (dưới 8%) trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.

Để thực hiện được cả 2 mục tiêu này, theo Ủy ban Kinh tế, tổng cầu của nền kinh tế đang thấp, dự báo giá hàng hóa thế giới cũng không có biến động lớn, nên áp lực lạm phát năm 2013 là không cao.

Do lạm phát đang có xu hướng giảm và mục tiêu lạm phát 6-6,5% cả năm 2013 (mục tiêu của Chính phủ đặt ra) có khả năng đạt được nên trong những tháng còn lại của năm 2013 chính sách kinh tế vĩ mô nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 5,5% GDP.

Giải pháp ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, theo kiến nghị của Ủy ban Kinh tế là bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (tăng cung), các giải pháp tác động đến chính sách tài khoá, tiền tệ để kích thích tổng cầu cần được thực hiện thận trọng, việc linh hoạt các chính sách theo diễn biến và liều lượng thích hợp, kiên định và nhất quán với mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

“Ngoài ra, phải rà soát lại tổng thể các dự án đầu tư công, đánh giá việc cắt giảm, dừng thi công các dự án đầu tư xây dựng cơ bản để có điều chỉnh hợp lý, hạn chế gây ra sự mất cân đối trong việc thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương”, ông Giàu phát biểu.

Cử tri lo lắng về giá điện, xăng dầu
  “Cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước thực trạng phát triển chưa bền vững của nền kinh tế; giá điện, xăng dầu và một...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư