Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nếu bình chữa cháy nổ trên ôtô, ai chịu trách nhiệm?
Hoài Thu (GTVT) - 11/01/2016 19:41
 
Trách nhiệm chính trong việc kiểm định chất lượng của các bình chữa cháy trên ô tô là của Cục Cảnh sát PCCC.
5
Đại tá Đào Hữu Thắng

Đó là thắc mắc mà Báo Giao thông đặt ra trong cuộc trao đổi với Đại tá Đào Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) về Thông tư 57 của Bộ Công an, quy định bắt buộc ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình chữa cháy đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Đại tá Thắng cho biết: Thông tư 57 vừa ban hành được vài ngày nên việc có nhiều luồng thông tin cả xuôi và trái chiều là khó tránh khỏi, nhưng đây cũng sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng tiếp thu, tuyên truyền và có sự điều chỉnh cho phù hợp. Chúng tôi vừa tổng kết từ 21/11/2014 - 20/11/2015, cả nước xảy ra 182 vụ cháy phương tiện giao thông cơ giới gồm cả ô tô và xe máy.

Để bình chữa cháy ở đâu?

Có nhiều khuyến cáo khi hỏa hoạn xảy ra, người điều khiển xe nên “thoát thân” hơn là cố cứu tài sản, vì nếu cháy nổ lớn thì bình cứu hoả trên xe không phát huy tác dụng?

Tôi không cho ý kiến đó là phiến diện và chủ quan nhưng trên thực tế rất nhiều khi xảy ra cháy nổ trên phương tiện giao thông cơ giới, nhờ có các bình chữa cháy trang bị trên xe đã nhanh chóng được dập tắt đám cháy.

Nhưng thực tế thiết kế xe của nhiều hãng trên thế giới và Việt Nam lại không thiết kế vị trí lắp đặt cho bình chữa cháy. Cũng không nhiều nước trên thế giới áp dụng quy định này, thưa ông?

Ô tô bốn chỗ ngồi trở lên có rất nhiều loại khác nhau, có nhà sản xuất thiết kế luôn vị trí bình chữa cháy, nhưng không phải tất cả. Thông tư 57 có hướng dẫn một cách chung nhất, bố trí ở chỗ phù hợp, dễ thấy, dễ lấy, dễ sử dụng. Vị trí đặt trên xe thế nào cho phù hợp cũng phải nghiên cứu, có thể xem xét ở những xe đã được lắp đặt: Có thể bên hông, bên cánh cửa xe hoặc các vị trí thuận tiện…

Khi ban hành thông tư chúng tôi đã tìm hiểu và tham khảo quy định tại nhiều nước trên thế giới. Hiện, có 14 quốc gia châu Âu quy định bắt buộc trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô: LB Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Hy Lạp, Bỉ, Ba Lan, Bulgaria, Belarus, Estonia, Latvia, Romania, Macedonia và Lithuania.

6
Hàng chục ô tô bị nhắc nhở vì không có bình cứu hỏa khi lưu thông trên cao tốc Pháp Vân 

Bình chữa cháy có an toàn?

Người dân sẽ chẳng tiếc gì nếu bỏ ra một vài trăm nghìn trang bị thêm bình chữa cháy trên xe nhưng cái họ lo ngại nhất là tính an toàn của các bình chữa cháy này. Ông có thể nói gì để trấn an tâm lý lo ngại ấy?

"Giống như quy định đội MBH, ban đầu rất nhiều ý kiến trái chiều nhưng sau một thời gian thực hiện thì đến nay, quy định này đã thực sự có hiệu quả. Vì thế, tôi tự tin rằng, Thông tư 57 rồi sẽ đi vào cuộc sống và đem lại lợi ích cho xã hội. Trước mắt, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở người sở hữu ô tô trang bị bình chữa cháy chứ chưa quyết định thời gian sẽ bắt đầu xử phạt”.

Đại tá Đào Hữu Thắng
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ

Trước hết, tôi khẳng định bình chữa cháy không thể gây ra cháy. Còn nguy cơ nổ có hai dạng: Nổ hóa học và lý học. Nổ hoá học là do các chất hóa học xúc tác với nhau gây ra, ở bình chữa cháy không có trường hợp này. Nếu có chỉ là nổ lý học do hiện tượng khí hoặc chất chữa cháy trong đó dãn nở, bình không chịu được áp suất dẫn đến nổ. Nhưng hầu như đối với các bình bọt hay bình khí CO2 thì chưa có hiện tượng này, chỉ có một số trường hợp nổ do áp suất tăng của loại bình bọt. Trong những trường hợp dẫn đến nổ cũng cần xem xét đầy đủ, khoa học xem bình đó đã được kiểm định hay chưa, có đúng kỹ thuật không? Đặt bình đó ở nhiệt độ và trong bối cảnh nào có thể gây ra nổ?

Với những bình đảm bảo chất lượng và có van an toàn, đến một áp suất nhất định mà ảnh hưởng đến chất lượng của bình thì van an toàn tự động mở để giảm áp. Các nhà sản xuất bao giờ cũng phải thử bình và áp suất thử bao giờ cũng lớn hơn 1,5 áp suất làm việc của bình nên tỷ lệ nổ bình là rất hãn hữu. Khi nổ, có một số loại bình áp suất chỉ có một áp, tức là áp suất không lớn cộng với việc các bình chịu khí nén đã được kiểm định và có van an toàn thì không có gì đáng ngại. Với những bình đã được dán tem và đóng dấu kiểm định thì hoàn toàn đủ điều kiện hoạt động, không ảnh hưởng gì. Hiện nay, chúng tôi đang cập nhật tình hình xem việc nổ bình chiếm tỷ trọng thế nào, tìm hiểu nguyên nhân chính thức để điều chỉnh việc kiểm định bình chữa cháy cho phù hợp.

Được biết, bình chữa cháy chỉ an toàn trong khoảng nhiệt độ dưới 55 độ C. Nhưng thực tế vào mùa hè ở nước ta, khi xe để ngoài nhiều khi nhiệt độ trong xe lên tới trên 60 độ C. Khi ấy bình chữa cháy có phát nổ không thưa ông?

Bình chữa cháy thông dụng được thì nhà sản xuất quy định điều kiện bảo quản là từ -7 độ C đến 55 độ C. Nếu nhiệt độ trong xe lên tới hơn 60 độ C, khi ấy bình có chịu được không thì chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá. Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo người dân nên chọn những vị trí đỗ xe giảm tối đa việc hấp thụ nhiệt, đồng thời người dân cũng nên chủ động sắm các vật dụng để che đậy khi để xe dưới trời nắng.

Thưa ông, từ trước tới nay, cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chất lượng bình chữa cháy? Nếu bình này phát nổ trong xe của người dân thì đơn vị nào chịu trách nhiệm?

Trách nhiệm chính trong việc kiểm định chất lượng của các bình chữa cháy là của Cục Cảnh sát PCCC. Việc phát hành tem kiểm định cho mặt hàng này là do Cục Cảnh sát PCCC phát hành. Cục có một đơn vị chuyên trách về kiểm định. Tuy nhiên, với nhiều loại bình giả, bình nhái trên thị trường thì trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý thị trường.

Với những loại bình nhập đều có đơn kiểm định, sau đó Cảnh sát PCCC kiểm định dựa trên đơn kiểm định đó. Còn các đơn vị kinh doanh phải lựa chọn những bình đã được kiểm định để kinh doanh. Trong trường hợp bình chữa cháy phát nổ trên xe, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể sẽ xử lý trách nhiệm các bên liên quan. Nếu bình chữa cháy đó là hàng giả thì sẽ truy trách nhiệm và xử lý đơn vị bán hàng, đơn vị cấp giấy phép kinh doanh, nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu bình chữa cháy phát nổ đã được kiểm định thì sẽ xem xét trách nhiệm của đơn vị kiểm định.

Không có chuyện “độc quyền” kinh doanh

Hiện thị trường bình chữa cháy trang bị trên xe ô tô đang hỗn loạn, thậm chí có nơi cháy hàng. Vậy trước khi ban hành thông tư, cơ quan chức năng có khảo sát nguồn cung cấp mặt hàng này trên thị trường, thưa ông?

Trường hợp này tương tự như khi chúng ta ra quy định bắt buộc người đi xe máy phải đội MBH, khi đó, MBH cũng cháy hàng, giá cũng hỗn loạn.

Nhưng khi ra các quy định áp dụng với người dân, chúng tôi đều có sự khảo sát, nghiên cứu thị trường. Trên mặt bằng chung, chúng tôi đã tiến hành và xác định mặt hàng bình chữa cháy này đã bán từ rất lâu rồi, cơ sở sản xuất ở Việt Nam cũng đã có. Còn việc khẳng định đủ cung cấp cho người dân hay chưa thì không thể đánh giá hết được.

Tôi cho rằng, việc cung ứng loại bình chữa cháy này cũng sẽ theo quy luật cung cầu giống như trường hợp của MBH, tức là chỉ ít thời gian nữa, thị trường sẽ dịu đi và sẽ dần đáp ứng được. Tôi cũng đưa ra khuyến cáo với người dân rằng, đứng trước một chính sách mới nên bình tĩnh xem xét, quy định ra như thế nhưng nếu trên thị trường bán hàng không đảm bảo thì không nên vội mua.

Có ý kiến cho rằng, thông tư này “vẽ việc” cho cảnh sát PCCC, đằng sau đó có yếu tố lợi ích nhóm trong việc kinh doanh thiết bị PCCC. Quan điểm của ông thế nào?

Chúng tôi đã quán triệt tất cả các cán bộ chiến sĩ, trong mọi trường hợp không được dùng các mối quan hệ để giới thiệu hay mua bán bình chữa cháy hộ mà gây sự hiểu lầm, để người dân nói có lợi ích nhóm, có cấu kết với các đơn vị kinh doanh mặt hàng này. Ai phát hiện và cung cấp trừng hợp vi phạm cụ thể, chúng tôi sẽ xử lý thích đáng. Tôi cũng khẳng định không có chuyện “độc quyền” trong việc kinh doanh thiết bị PCCC, không có chuyện bắt tay giữa công an với doanh nghiệp như người dân lo ngại. Bộ Công an ban hành thông tư này tất cả vì mục đích an toàn xã hội, an toàn của người dân.

Nhiều người cũng bàn tán về việc tới đây lực lượng Cảnh sát PCCC được phép dừng xe để kiểm tra. Tôi khẳng định luôn, cảnh sát PCCC không có thẩm quyền dừng bất cứ loại xe nào khi các xe này đang lưu thông trên đường.

Cảm ơn ông!

 

Hà Nội: Rối loạn, bát nháo thị trường bình chữa cháy cho xe ôtô
Trước Thông tư 57 của Bộ Công an, liên quan đến việc xử phạt tới 500.000 đồng đối với ôtô từ 4 chỗ trở lên không trang bị phương tiện phòng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư