Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngăn chặn công nghệ lạc hậu
Hàn Tín - 18/03/2017 08:50
 
Một trong những nguyên nhân khiến môi trường ngày càng bị ô nhiễm nặng nề là do các dự án đầu tư cả trong và ngoài nước sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) ngày hôm qua (16/3/2017), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận nội dung liên quan đến thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư.

Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, một số ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu; phần lớn máy móc, thiết bị nhập khẩu đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ, không đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật... “Do đó, rất cần các giải pháp thẩm định, kiểm soát luồng công nghệ nhập khẩu để ngăn chặn công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và yêu cầu của cải cách hành chính”, ông Dũng phát biểu.

Để xử lý vấn đề này, Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ quy định “hàng rào kỹ thuật” theo hướng khuyến khích chuyển giao công nghệ cao, máy móc, thiết bị có chứa công nghệ cao; công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; công nghệ tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nguyên liệu so với công nghệ cùng loại hiện có; công nghệ sản xuất, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; lưu trữ năng lượng hiệu suất cao… Cùng với việc quy định khuyến khích chuyển giao, cấm chuyển giao, Dự luật còn quy định cụ thể đối với công nghệ hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong lãnh thổ Việt Nam.

“Hạn chế chuyển giao tức là doanh nghiệp vẫn được nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu, vì không bị cấm hẳn. Nếu vẫn quy định về hạn chế chuyển giao thì sẽ tạo kẽ hở nhập công nghệ cũ, lạc hậu, vì vậy, Luật chỉ nên quy định loại công nghệ nào bị cấm và loại nào được khuyến khích, chứ không nên quy định chung chung là hạn chế”, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội bày tỏ quan điểm.

Để tránh tình trạng lợi dụng, theo ông Dũng, luật cần có quy định thẩm định công nghệ dự án đầu tư; trong đó dự án thuộc các chương trình trọng điểm quốc gia, dự án sử dụng vốn nhà nước có giá trị trên 100 tỷ đồng bắt buộc phải thẩm định. Việc thẩm định công nghệ phải được thực hiện bởi Hội đồng Thẩm định quốc gia.

Ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường lo ngại, nếu thẩm định tất cả các dự án sẽ khó có thể thực hiện được. “Mỗi năm chúng ta thu hút khoảng 3.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng chỉ có khoảng 300 dự án thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (thực ra là thẩm định công nghệ của các dự án), nếu phải thẩm định tất cả các dự án, chưa kể hàng chục ngàn dự án trong nước, thì khó có thể làm xuể”, ông Chu Ngọc Anh phát biểu.

Về vấn đề thẩm định công nghệ, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, là công việc rất phức tạp, nhất là công nghệ tiên tiến, hiện đại nhập khẩu mà Việt Nam chưa có. Nếu thời gian thẩm định kéo dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Vì vậy, theo bà Ngân, phải quy định cụ thể loại công nghệ nào cần phải thẩm định, loại nào không nhất thiết phải thẩm định. “Vấn đề quan trọng là sau khi dự án đi vào vận hành phải kiểm tra, giám sát, nếu nhà đầu tư đem công nghệ không đúng cam kết, công nghệ gây ô nhiễm môi trường thì phải xử lý nghiêm”, bà Ngân nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư