Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Ngân hàng đua đẩy vốn cuối năm
Vân Linh - 16/10/2016 13:26
 
Trước nhu cầu vay vốn đang dần tăng, các ngân hàng đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất, với mục đích khơi thông dòng chảy tín dụng.

Thực tế, tín dụng ở các ngân hàng đã được cải thiện trong 3 quý đầu năm nay. Tại một số nhà băng quy mô lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tín dụng tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm nay, với mức tăng trên dưới 7%.

Nhóm ngân hàng TMCP kế tiếp (Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - STB, Ngân hàng TMCP Quân Đội - MB…) cũng đạt kế hoạch đưa ra, tăng trưởng 6 - 8% trong 2 quý đầu năm. Tính đến ngày 23/8/2016, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,09% so với cuối năm 2015.

.
Nhu cầu vốn của doanh nghiệp bắt đầu tăng trở lại

Trong khi đó, tại không ít ngân hàng, tín dụng tăng trưởng âm trong 2 quý đầu năm 2016. Cụ thể, tín dụng của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã tăng trưởng âm 4,62% trong 2 quý đầu năm nay, trong khi nợ xấu tăng lên trên 5%. Dư nợ tín dụng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cũng giảm nhẹ trong 3 tháng đầu năm 2016…

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho rằng, kinh tế đang dần hồi phục và sức khỏe của doanh nghiệp cũng tốt hơn trước, nên sức hấp thụ vốn của nền kinh tế gia tăng. Đây là điều kiện để ngân hàng đẩy mạnh cho vay sau giai đoạn trầm lắng. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng được ACB đặt ra cho năm nay là 18 - 20%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của ngành. Trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của ACB tăng 16% và Ngân hàng đang từng bước đẩy mạnh cho vay quý còn lại của năm.

Trong khi đó, các nhà băng quy mô, với tổng số dư nợ cho vay khách hàng lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, cũng có tín dụng đạt mức tăng trưởng cao trong 2 quý đầu năm nay, như VCB tăng 10,76%, VietinBank tăng 7,7%, BIDV tăng 6%...

Thông thường, quý IV là mùa kinh doanh cao điểm, nhu cầu vốn tăng, nên đây cũng là thời điểm để ngân hàng chuẩn bị nguồn. Điều này lý giải cho việc vì sao lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng có xu hướng nhích lên. Hiện mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất được công bố là 8,3%/năm tại Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) cho kỳ hạn 15 tháng.

Theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh đối với các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo thống kê (NHNN) thực hiện vừa công bố, các tổ chức tín dụng kỳ vọng dư nợ tín dụng bình quân toàn hệ thống tăng trưởng 7,37% trong quý IV/2016. Con số này cao hơn nhiều so với mức bình quân kỳ vọng tăng 5,17% của quý III tại cuộc điều tra kỳ trước. Với diễn biến quý IV như vậy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tín dụng sẽ tăng 21,82% trong năm 2016, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 17,26% của năm 2015.

Vậy liệu tín dụng có tăng đột biến trong những tháng cuối năm như kỳ vọng của các nhà băng? Chuyên gia ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế dần cải thiện, song khó có thể đột biến và tín dụng không thể tăng cao trong bối cảnh hiện nay, khi lãi suất cho vay vẫn là rào cản đối với người cần vốn…

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Nam Thái Sơn, ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn đã phần nào hợp lý hơn trước, song với vốn trung và dài hạn, mức lãi suất ngân hàng áp dụng vẫn cao, nên cần điều chỉnh mới kích cầu được vốn.

Hạn mức tăng trưởng tín dụng còn lại cho nửa cuối năm được đánh giá là điều kiện tốt cho các ngân hàng đẩy mạnh cho vay. So với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đặt là 18 - 20% cho năm 2016 thì gần hết tháng 8 chỉ mới sử dụng hết phân nửa. Các nhà băng muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song rào cản lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề nợ xấu và lãi suất.

Theo phân tích của một chuyên gia lĩnh vực tiền tệ, hiện nhu cầu vốn của doanh nghiệp bắt đầu tăng trở lại, ngân hàng cũng cạnh tranh về lãi suất, nhưng do nhiều doanh nghiệp chưa tất toán được khoản nợ cũ, nên không thể cho vay. Vả lại, nợ xấu có dấu hiệu tái tăng, buộc ngân hàng phải rà soát kỹ để hạn chế nợ xấu, nên tín dụng khó kỳ vọng tăng cao.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, lãi suất khó giảm, nếu không muốn nói là tăng. Lý do là, Việt Nam vẫn đang phải cân đối giữa tăng trưởng và ổn định vĩ mô, nên khó có thể nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm.

Ngân hàng dồn vốn cho vay cuối năm
Tranh thủ quý cuối năm nhu cầu vốn của khách hàng gia tăng, các ngân hàng đang chạy đua tung gói tín dụng ưu đãi, thu hút người vay, song lãi suất chỉ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư